Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi may mắn được đi theo ông tới nhiều vùng nông thôn suốt từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, những lần lên miền núi, ông thường có những nhận xét và đề xuất sắc sảo. Ngay từ cái thời mà miền núi còn đầy khó khăn, nhưng ông vẫn khẳng định nếu quyết tâm thì miền núi chắc chắn sẽ vươn lên được. Ông đau đáu về vấn đề đó và thường xuyên trao đổi với mọi người.
Ông đi thăm tới nước nào mà có những đối tượng cây trồng hay vật nuôi tốt là nghĩ ngay đến việc đưa nó về Việt Nam. Ông đặc biệt quan tâm tới vùng núi cao của chúng ta. Rất nhiều giống cây rừng và một số loài vật nuôi như gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, giống bồ câu Pháp, giống đà điểu, các giống măng Lục Trúc, Điền Trúc, giống lúa lai, giống cây mắc ca,... đã được ông đưa từ nước ngoài về. Ông giao cho các địa phương thử nghiệm. Ông theo dõi sát sao và luôn động viên mọi người chung sức tìm ra những đối tượng mới có nhiều triển vọng, đặc biệt là những đối tượng cho miền núi.
Một trong những cơ sở mà ông thường xuyên lên để chỉ đạo và theo dõi những đối tượng mới do ông đưa từ nước ngoài về là Công ty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc (đóng ở Lạng Sơn). Ông thường gọi tôi đi theo...
Thời đó, miền núi còn nghèo lắm! Đi ngang Bắc Giang, ông bảo tôi: "Bao giờ quả vải của mình ra được với thế giới thì bà con ở đây giàu to...". Ông cho tôi biết mấy giống măng tre của Đài Loan ông đã đưa về đây. Thời đó, nó mới được trồng thử nghiệm nhưng ông vẫn hy vọng: "Dân Đài Loan, họ giàu lên nhờ những giống măng này thì tại sao bà con ta ở miền núi lại không thể làm được!...."
Chính ông là người tổ chức đưa giống mắc ca vào Việt Nam. Ông lên và bàn với anh em ở công ty. Thế rồi một "chiến dịch" đưa giống mắc ca từ Trung Quốc vào Việt Nam đã được tiến hành. Mọi việc trót lọt!
Khi có cây rồi, các chuyên gia Úc đã sang và hướng dẫn cách ghép cây mắc ca. Từ đó, giống mắc ca được trồng đi khắp nơi. Rất tiếc, thời đó cây mắc ca còn quá mới nên chưa được "hâm mộ".
Hôm tôi và anh Tạn vào họp với huyện Tuy Đức (Đắk Nông) để bàn việc tổ chức trồng cây mắc ca, ông giám đốc khuyến nông tỉnh lại phát biểu: "...Không khéo, cây mắc ca lại thành cây "mắc cạn" đấy!..."
Anh Tạn bực lắm! Tôi phải nói với anh: "Bỏ qua đi anh, bọn em sẽ quyết trồng thành công..."
Tới nay, mắc ca đã phủ kín Tây Nguyên, Tây Bắc và cả ở Việt Bắc nữa. Rất nhiều gia đình trồng mắc ca đã có thu nhập tới hàng trăm triệu cho mỗi hecta...
Lạng Sơn cũng là điểm mà chúng tôi đang đẩy mạnh việc phát triển trồng cây trám ghép. Công ty Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã lo việc tạo giống. Cây ghép nên chỉ 3 năm là đã cho quả. Người Trung Quốc sang lùng mua hết trám. Họ đưa về và chế biến thành rất nhiều sản phẩm hấp dẫn.
Gần đây, tôi đi lên Phú Bình (Thái Nguyên) và vào tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) mới biết, giá quả trám đen từ 120.000 - 140.000 đồng/kg. Thật tuyệt vời! Tôi cứ nghĩ nếu mỗi nhà ở miền núi chỉ cần trồng lấy vài chục cây trám ghép thì cũng....đủ tiền mua ô tô!
Những vùng đồi gò khô cằn ở miền núi còn có thể trồng một loại cây khác nữa là giống dẻ ăn hạt. Hạt dẻ của ta to hơn hạt dẻ của Trung Quốc. Tôi tới thăm một gia đình ở Lạng Sơn. Chị chủ cho biết, chị trồng 400 cây dẻ trên một hecta, cũng đã được 5 năm. Mỗi cây cho ít nhất 10 kg hạt. Giá hạt hiện nay là 100.000 đồng/kg.
Như vậy, một hecta có thể thu được 400 triệu! Nếu như có doanh nghiệp chế biến nào vào cuộc thì chắc giá còn cao hơn. Hiện nay, ở Trung Quốc, từ hạt dẻ người ta đã làm ra hơn 10 loại bánh khác nhau. Bánh rất ngon và giá cũng rất đắt!
Tôi tìm vào xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là nơi bà con trồng cây dổi từ đời các cụ. Có những cây dổi tới cả trăm năm!
Hiện nay, cây dổi được trồng phổ biến khắp xã. Cây được nhân giống bằng cách ghép nên chỉ 3 năm là đã cho quả. Người Trung Quốc tìm tới tận xã để mua hạt dổi, giá hạt tươi khoảng từ 700.000- 800.000 đồng/kg, còn hạt khô thì từ 1-1,5 triệu đồng/kg. Bà con dân tộc Mường ở đây khi di cư vào Đắk Lắk cũng đã đem theo cây dổi vào trồng. Hiện ở quanh khu vực Hồ Ea Kao (Buôn Ma Thuột), người ta đã trồng hàng vạn cây dổi... Nghe nói ở vùng núi của Quảng Nam cũng đã bắt đầu đưa cây dổi vào trồng.
Mới biết, nếu mạnh dạn chuyển đổi thì miền núi có khi còn tiến vượt miền xuôi!
Có một bài học tuyệt vời mà các nơi đang hướng tới học tập, đó là việc Tỉnh ủy Sơn La quyết định chuyển một phần lớn diện tích trồng ngô và sắn của tỉnh sang trồng cây ăn quả. Hàng vạn hecta xoài, nhãn, chanh leo,... nối tiếp nhau được hình thành. Thu nhập của bà con ở những vùng này vượt trội, có nơi tăng tới cả chục lần!
Bây giờ, Trung ương lại vừa quyết định làm một con đường mới từ Hòa Bình lên Mộc Châu. Bà con ở vùng này giàu vì nuôi bò sữa với trồng chè thì nay lại càng giàu hơn nhờ du lịch...
Ở các tỉnh Tây Nguyên thì cà phê đang lên giá, có nơi giá tăng lên gấp đôi. Nếu giữ đúng chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì bà con tha hồ đẩy mạnh sản xuất. Đó là chưa kể đến cây sầu riêng. Ở Đắk Nông, Đắk Lắk và cả ở Khánh Hòa, có nhiều vườn sầu riêng thu tới cả tỷ bạc! Tiềm năng ở những vùng cao này còn vô cùng to lớn!
Nếu đi lên Tây Bắc, Việt Bắc, vào tới tận Tây Nguyên, thì mới thấy hết được tiềm năng về cây dược liệu của chúng ta. Vô vàn loài cây quý nhưng chưa được khai thác hợp lý; sẽ đến lúc kho dược liệu khổng lồ này được "đánh thức". Cả thế giới sẽ tiến tới Việt Nam để mua thuốc!
Khi đi từ Sa Pa lên Lai Châu, tôi cứ ao ước có một doanh nghiệp nào đó sẽ lên đây để xây dựng một vùng hoa như Đà Lạt. Khí hậu nơi đây khác gì Đà Lạt đâu!
Nếu quyết tâm, chắc chắn sẽ hình thành được một vùng hoa mới. Sắp tới, chính phủ lại cho xây dựng trên này một sân bay. Hoa từ những vùng núi non này sẽ đi khắp thế giới!
Doanh nghiệp nào sẽ lên đây để cùng bà con biến vùng núi non xa xôi này thành những vùng hoa, vùng cây ăn quả ôn đới trù phú?...
Miền núi đâu còn xa xôi nữa, hãy lên với núi rừng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.