Dân Việt

Doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi xanh

Tường Thụy 01/11/2024 15:06 GMT+7
Quá trình chuyển đổi xanh để phát triển bền vững đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức hơn nữa và chủ động xây dựng năng lực để chuyển đổi xanh.

Đây là ý kiến từ ông Erick Contreras – đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam tại hội thảo “Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững” do Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media HUB) và Báo Tài Nguyên & Môi Trường tổ chức ngày 1/11 tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Doanh nghiệp cần tích cực chuyển đổi

Ông Contreras cho biết các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Trong đó có vấn đề về nhận thức và hiểu rõ về chủ đề bền vững, tiếp cận công nghệ và tài chính xanh, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, khung chính sách và biện pháp thực thi rõ ràng.

Doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi xanh - Ảnh 1.

Ông Erick Contreras, đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, trình bày tại hội thảo ngày 1/11/2024 ở Vũng Tàu. Ảnh: Ban tổ chức

Theo phân tích của ông Contreras, phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là một xu hướng mà là một lộ trình dài hơi và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự hiểu biết rõ ràng và cam kết lâu dài.

"Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm bền vững hay các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị - gọi là ESG - vẫn còn mới mẻ và đôi khi khó tiếp cận. Những câu hỏi như "bắt đầu từ đâu?", "làm thế nào để tích hợp bền vững vào quy trình sản xuất hàng ngày?", "tuyển dụng đội ngũ nhân sự với bộ kỹ năng mới ra sao?", hay "công nghệ nào là cần thiết?" vẫn còn là những thắc mắc chưa có lời giải rõ ràng", chuyên gia về tăng trưởng xanh của EuroCham cho biết.

Doanh nghiệp đang cần tài chính xanh

Tại hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ TN&MT), đã hệ thống hóa các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam và các quy định quốc tế về chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi xanh - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ trình bày tại hội thảo ngày 1/11/2024 ở Vũng Tàu. Nguồn: Ban tổ chức

Ông Thọ nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều chỉnh chiến lược, chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0; Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng 2 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng cho mục tiêu Net Zero là nhân lực xanh và hạ tầng xanh. Ông nhấn mạnh, phải giải quyết được các thách thức lớn, đặc biệt là tài chính, để thực hiện.

Chuyên gia này chỉ ra rằng Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề huy động nguồn vốn đủ lớn để đào tạo nguồn nhân lực xanh và triển khai các dự án hạ tầng xanh trên quy mô toàn quốc.

Theo ông, cơ hội huy động tài chính khí hậu và tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, hệ thống tài chính, các công ty đa quốc gia và các đối tác phát triển cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và quản lý tài nguyên nước đang mở ra tiềm năng lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu về giảm thiểu phát thải.

Doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi xanh - Ảnh 3.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo ngày 1/11/2024 ở Vũng Tàu. Nguồn: Ban tổ chức

"Các nguồn vốn này được dành riêng cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy các giải pháp công nghệ số trong quản lý tài nguyên", TS Thọ nói.

Ông gợi ý: "Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành năng lượng, công nghệ và hạ tầng, có thể tiếp cận nguồn vốn này bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững và minh bạch môi trường… Tích hợp tài chính xanh vào chiến lược phát triển kinh tế sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ngành nghề".

Theo chuyên gia của Bộ TN&MT, Chính phủ cần xây dựng danh mục phân loại xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khung pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, bao gồm việc phát triển hạ tầng tài chính kỹ thuật số, hệ thống giám sát và đánh giá môi trường, nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng tài chính khí hậu.

Ông cho rằng chiến lược phát triển cơ chế tài chính và thị trường carbon sẽ khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào các hoạt động kinh tế phát thải thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ khí hậu.

Chuyển đổi xanh của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng

Tại hội thảo, ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH, chia sẻ câu chuyện phát triển nhà máy xanh ở Việt Nam từ kinh nghiệm của TH.

Doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi xanh - Ảnh 4.

Ông Arghya Mandal trình bày tại hội thảo ngày 1/11/2024 ở Vũng Tàu. Nguồn: Ban tổ chức

Ông Mandal cho biết để đạt được mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững, hoạt động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất.

Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của công ty Heineken Việt Nam, chia sẻ với các đại biểu về việc sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; đây là chiến lược để công ty hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2030.

"Chúng tôi sử dụng 96% năng lượng tái tạo trong sản xuất đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 6 nhà máy bia trên toàn quốc. Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, Heineken Việt Nam đã mua các chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy", bà Ánh nói.

Theo bà, toàn bộ các nhà máy của Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu.

Chiến lược phát triển bền vững đã giúp công ty nằm trong top 3 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam trong 8 năm liền.

Bà Ánh cũng cho biết hoạt động phát triển bền vững không thể tạo ra tác động mạnh mẽ khi doanh nghiệp thực hiện một mình. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp cần sự chung tay đồng hành của các bên. Và các cơ quan báo chí giúp kết nối, chia sẻ các thông lệ tốt, các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.

Với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), theo đại diện Petrolimex, là đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất cả nước nên việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh của Petrolimex có vai trò lớn, tác động đến lượng khí thải ra môi trường.

Do đó, Petrolimex tiên phong trong việc tuân thủ quy định của Chính phủ trong việc lựa chọn các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường như hoàn thành thay thế toàn bộ sản phẩm xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 và chính thức trở thành doanh nghiệp tiên phong kinh doanh xăng RON95 tiêu chuẩn khí thải mức 5 tại Việt Nam từ tháng 1/2022.

Chiến lược phát triển Petrolimex giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đưa Petrolimex trở thành tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện.

Doanh nghiệp cần chủ động trong chuyển đổi xanh - Ảnh 5.

Cơ sở vật chất của Tổng Công ty Khí (PV GAS) thuộc Petrovietnam. Nguồn: Petrovietam

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cũng đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và giải pháp cho từng giai đoạn.

Theo đó, PVN phấn đấu đạt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-0% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3/năm 2030 và 15 tỷ m3/năm 2045.

Dự hội thảo gồm hơn 100 đại biểu là đại diện Hội Nhà báo Việt Nam, Tiểu ban Phát triển Xanh EuroCham, Viện Chiến lược Chính sách (Bộ TN&MT); Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT); các sở/ ngành của TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên địa bàn TP.HCM và đại diện các doanh nghiệp đi đầu trong phát triển bền vững tại Việt Nam.