Vốn từ đâu để xúc tác kinh tế xanh, phát triển bền vững?
Vốn từ đâu để xúc tác kinh tế xanh, phát triển bền vững?
Tường Thụy
Thứ năm, ngày 19/09/2024 11:09 AM (GMT+7)
Tổ chức tài chính quốc tế IFC thuộc World Bank (Nhóm Ngân hàng Thế giới) và ngân hàng UOB Singapore cho biết hai định chế lớn này đã chuẩn bị nguồn tài chính hỗ trợ Việt Nam "xanh hóa" các lĩnh vực kinh tế cho mục tiêu phát triển bền vững và Net Zero - phát thải ròng bằng 0.
IFC là tổ chức đầu tư hàng đầu thế giới trong khu vực tư nhân. Trong khi đó, UOB là ngân hàng quốc tế với vị trí hàng đầu ở ASEAN và châu Á.
Để cung cấp những thông tin tài chính liên quan, đại diện của IFC và UOB tham dự hội nghị "Phát triển bền vững 2024" với chủ đề "Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 19/9 ở TP.HCM.
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam tại hội nghị "Phát triển bền vững 2024" tập trung vào phát triển xanh ngày 19/9/2024 tại TP.HCM. Ảnh: T. Minh
Tại sự kiện, ông Darryl James Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng TP.HCM của IFC, và ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ thông tin về nguồn vốn phục vụ các dự án xanh, phát triển bền vững; những cơ hội để doanh nghiệp có thể huy động vốn cho mục tiêu tăng trưởng phát thải thấp.
Đại diện IFC nhấn mạnh rằng thế giới đang đối diện với nguy cơ tổn thất ngày càng tăng do thiên tai, bão lũ… Vì vậy, cả thế giới đang khẩn trương trong tiến trình chuyển đổi xanh toàn cầu để hướng tới Net Zero.
"Trong quá trình này, các định chế tài chính thế giới và các ngân hàng quốc tế đóng vai trò nguồn vốn cho cả thế giới", ông Dong nhấn mạnh.
Tương tự đại diện IFC, ông Lim từ UOB Việt Nam khẳng định: "Các ngân hàng có vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh này. Là người gác cổng vốn, họ có quyền chỉ đạo các quỹ hướng đến các dự án bền vững và tránh xa các ngành công nghiệp có lượng phát thải carbon cao".
Các sáng kiến tài chính xanh như trái phiếu xanh và các khoản vay bền vững có thể huy động sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực tư nhân vào các dự án carbon thấp, theo ông Lim. Đại diện UOB cho biết ngân hàng này đến nay đã cấp khoảng 40 tỷ USD cho các khoản vay xanh.
Ông Lim phát biểu: "Trong danh mục cho vay của mình, chúng tôi đã xác định 6 lĩnh vực thải nhiều carbon, chiếm khoảng 60% danh mục cho vay doanh nghiệp của chúng tôi mà UOB đã và đang tích cực hỗ trợ thông qua chương trình tài chính xanh. Sáu lĩnh vực này là năng lượng, bất động sản, xây dựng, thép, điện và ô tô. Chúng tôi rất mừng khi thấy những khách hàng này đã vượt mục tiêu giảm carbon của họ khoảng 7-14%".
Về phía IFC, cuối tháng 6 vừa qua, tổ chức quốc tế này công bố gói tài chính 150 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Gói tài trợ bao gồm khoản đầu tư vào trái phiếu xanh lam đầu tiên ở Việt Nam và trái phiếu xanh lá đầu tiên do một ngân hàng thương mại tư nhân trong nước phát hành.
Trong gói tài trợ này, IFC đăng ký mua 25 triệu USD trái phiếu xanh lam để giúp SeABank huy động thêm vốn cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn với đại dương và nước (như nuôi trồng và khai thác thủy sản, cấp nước sạch...
IFC cũng đăng ký mua trái phiếu xanh lá trị giá 50 triệu USD nhằm giúp SeABank mở rộng cho vay trong các lĩnh vực như tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Ngoài ra IFC – với tư cách là tổ chức triển khai Chương trình Hỗ trợ Thị trường Xây dựng Xanh của Vương quốc Anh và IFC (MAGC) – cấp thêm 0,48 triệu USD phí ưu đãi dựa trên hiệu suất tài trợ của SeABank dành cho các khách hàng cá nhân vay mua nhà để giúp họ bù đắp các chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng các giải pháp công trình xanh đã được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà.
IFC sẽ cung cấp khoản vay trị giá 75 triệu USD để SeABank tăng cường cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tại sự kiện ngày 19/9 ở TP.HCM, những đại diện từ các công ty sản xuất, phát triển hạ tầng và chuyên gia phát triển bền vững như bà Bùi Đặng Duyên Mai, Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững của Coca‐Cola Việt Nam và Campuchia; ông Trương Anh Hải, Phó Tổng giám đốc phụ trách An toàn, Sức khỏe, Môi trường & Cộng đồng, thép NS BlueScope Việt Nam; ông Tan Boon Thor, Giám đốc khối bất động sản Thương mại và Quản lý thiết kế tại Frasers Property Vietnam; ông Erick Contreras, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu)… đã chia sẻ những kinh nghiệm từ công ty về "xanh hóa" và giảm phát thải carbon.
Hơn 200 khách tham dự đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu chính sách, ngoại giao đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng trao đổi về những chính sách, kết quả mới nhất trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam – đất nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo IFC, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm (tổng cộng 368 tỷ USD đến năm 2040), trong đó dự kiến một nửa sẽ đến từ khu vực tư nhân, là khu vực mà IFC dẫn đầu về đầu tư trên toàn thế giới.
Nói thêm về tài chính xanh tại Việt Nam, ông Lim từ ngân hàng UOB Việt Nam cho biết UOB đến nay đã hỗ trợ 17 dự án năng lượng tái tạo trong nước. Gần đây, UOB cũng đã cung cấp một số khoản tài trợ thương mại xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, trong đó có Betrimex (Công ty CP Xuất Nhập Khẩu Bến Tre) chuyên sản xuất những sản phẩm từ dừa theo hướng bền vững.
Đây là khoản vốn tín dụng xanh đầu tiên từ UOB Việt Nam cho một công ty nông nghiệp trong nước. UOB không công bố giá trị của khoản này do bảo mật thông tin khách hàng. Tuy nhiên, theo UOB, để đi đến thỏa thuận hợp tác này, Betrimex đã vượt qua quy trình xét duyệt tín dụng xanh vô cùng nghiêm ngặt của UOB Việt Nam, tập trung vào việc đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) của doanh nghiệp.
Về thực hiện tài chính xanh, việc chuyển dòng vốn vào các ngành ít carbon không phải là không có thách thức, ông Lim nhấn mạnh.
Từ phía các nhà đầu tư, các rào cản lớn nhất gồm việc thiếu một khuôn khổ phân loại màu xanh rõ ràng, không đủ động lực cho các khoản đầu tư xanh và các rủi ro tài chính được cho là có mối liên hệ đến các công nghệ mới.
Ngoài ra, thường có sự chênh nhau giữa bản chất dài hạn của các khoản đầu tư xanh và kỳ vọng tài chính ngắn hạn của các nhà đầu tư. "Để vượt qua những thách thức này, cần có những nỗ lực phối hợp từ các nhà hoạch định chính sách, các định chế tài chính và khu vực tư nhân," ông Lim cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.