Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Viện Công nghệ sinh học,... đang là những đơn vị đi đầu ở Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen để nâng cao các tính trạng ưu việt của cây trồng, từ đó có thể tạo ra những giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận.
Có thể kể đến những công trình như: nâng cao tính chịu mặn của cây lúa (Viện Công nghệ sinh học), nâng cao tính kháng bệnh bạc lá trên giống lúa bản địa (Viện di truyền nông nghiệp), giảm hàm lượng đường khó tiêu trên hạt đậu tương (Viện Công nghệ sinh học), nâng cao hàm lượng đường và amino acid trong quả cà chua (Viện Công nghệ sinh học), nâng cao tính kháng bệnh virus trên thuốc lá (Viện Công nghệ sinh học), nghiên cứu chức năng gen trên lúa và dưa chuột (Viện Công nghệ sinh học, đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội)....
Nhiều đơn vị khác như Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố HCM... cũng đang tiếp cận và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas trong cải tạo các tính trạng quan trọng của cây trồng.
Theo TS.Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), bệnh bạc lá là một trong hai bệnh hại lúa nghiêm trọng nhất ở Việt Nam; hầu hết các giống lúa chủ lực đang canh tác hiện nay đều mẫn cảm với bệnh này. Thành công lớn nhất là các nhà khoa học của Viện Di truyền nông nghiệp là đã cải tiến tính kháng bệnh bạc lá phổ rộng cho giống lúa chủ lực TBR225 thông qua việc gây đột biến chính xác đồng thời vùng khởi động (promoter) của 2 gen nhiễm OsSWEET13 và OsSWEET14. Điều đặc biệt là các đặc tính nông sinh học cũng như chất lượng của các dòng lúa TBR225 đột biến được duy trì tương tự so với giống gốc ban đầu, khắc phục hoàn toàn nhược điểm của các chương trình chọn giống phân tử tạo giống lúa kháng bệnh bạc lá bằng các phương pháp khác trước đây.
Theo TS Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm làm việc về công nghệ sinh học và giống cây trồng, CropLife Việt Nam, chỉnh sửa gen là thành tựu nổi bật của lĩnh vực hóa sinh và sinh học phân tử, được nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thế kỷ 21. Công nghệ này mang lại những bước tiến vượt bậc, trên nền tảng các phương pháp cải tạo giống cây trồng đã tồn tại hàng ngàn năm; sử dụng dẫn chứng khoa học dựa trên mức độ hiểu biết ngày càng cao của chúng ta về trình tự gen và cơ chế hoạt động của các gen ở thực vật.
Theo TS Đặng Ngọc Chi, chỉnh sửa gen cho phép các nhà lai tạo giống nghiên cứu trên chính bộ gen của cây trồng, cho ra các kết quả mà các phương pháp truyền thống khác có thể tạo ra nhưng với mức độ chính xác và hiệu quả cao hơn.
Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả cho nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.
Cây trồng chỉnh sửa gen được xem là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu với nhiều lợi ích mang lại cho cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.
TS Đặng Ngọc Chi cho rằng, chỉnh sửa gen và biến đổi gen đều là những phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Mỗi công nghệ đều có giá trị về mặt khoa học, mức độ và cách thức tác động riêng để tạo ra những cây trồng có tính trạng cải tiến, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cũng như hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 5 năm trở lại đây, các nước châu Á đang cho thấy nỗ lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen theo hướng khoa học. Chính phủ cho thấy sự ủng hộ và cởi mở với công nghệ này - coi đây là giải pháp canh tác quan trọng trong chiến lược phát triển của từng quốc gia và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng trong khu vực.
Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đều đang tiến hành rà soát khung pháp lý và có những bước tiến khá nhanh trong năm 2024 trong việc đưa ra các hướng dẫn cụ thể đối với công nghệ chỉnh sửa gen. Philippines là quốc gia đi đầu trong khu vực trong việc cung cấp hướng dẫn pháp lý và hiện tại đã cấp phép sử dụng và thương mại đối với một số cây trồng chỉnh sửa gen.
Thái Lan và Singapore trong tháng 8/2024 vừa qua đã thông qua quy định pháp lý cho cây trồng này. Indonesia đang trong giai đoạn dự thảo, lấy ý kiến. Nhìn chung các quốc gia Đông Nam Á có cách tiếp cận khá tương đồng trong việc quản lý cây trồng chỉnh sửa gen khi cân nhắc theo sản phẩm cuối, nếu sản phẩm cuối không chứa DNA ngoại lai thì sẽ được cấp phép và quản lý như cây trồng tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
Mặc dù không phải châu lục có các chính sách ban đầu cởi mở với cây trồng chỉnh sửa gen, tuy nhiên Ủy Ban Châu Âu hiện đang đề xuất thay đổi chính sách quản lý theo xu hướng chung. Bên cạnh đó, một số quốc gia Châu Phi cũng đã đưa ra hướng dẫn pháp lý hoặc đệ trình các hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen.
Tuy vậy, cho tới nay, Việt Nam chưa có quy định hướng dẫn rõ ràng đối với cây trồng chỉnh sửa gen khiến cho lộ trình ứng dụng và thương mại hoá các sản phẩm này tại Việt Nam đang đi sau so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
TS Nguyễn Duy Phương cho rằng, sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn pháp lý đối với cây trồng chỉnh sửa gen sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam về nghiên cứu khoa học, thương mại cũng như hạn chế khả năng cơ hội tiếp cận các nguồn giống cải tiến của nông dân trong nước.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia trong nước hiện đang rất kỳ vọng sớm có các quy định rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen để từ đó tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm này tại thị trường trong nước. Giống cây trồng được tạo ra bằng những phương pháp cải tiến không nên được đánh giá và quy định khác biệt so với cây trồng thông thường nếu chúng là tương đương hoặc không thể phân biệt so với giống cây được tạo ra bằng phương pháp lai truyền thống.
Việt Nam nên sớm hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cụ thể cho cây trồng chỉnh sửa gen và các sản phẩm cây trồng được tạo ra bằng phương pháp lai tạo cải tiến. Khung pháp lý cần dựa trên cơ sở khoa học, có tính dự báo và hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế để tối ưu hoá tiềm năng của công nghệ đồng thời đảm bảo được việc ứng dụng có hiệu quả, bền vững các giải pháp này trong định hướng phát triển nông nghiệp chung.