Công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra điều kỳ diệu gì cho sản xuất nông nghiệp?

K.Nguyên Thứ tư, ngày 18/10/2023 17:32 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững thông qua việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có ứng dụng công nghệ sinh học.
Bình luận 0

Công nghệ chỉnh sửa gen giúp tạo ra những giống có khả năng thu giữ carbon, kháng sâu bệnh

Ngày 18/10/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và CropLife Châu Á tổ chức Diễn đàn "Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững" nhằm cập nhật, trao đổi những thông tin tổng quát về xu hướng nghiên cứu, phát triển và tích hợp công nghệ mới, giải pháp sáng tạo hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra điều kỳ diệu gì cho sản xuất nông nghiệp? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc diễn đàn, nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với ngành nông nghiệp.

Tham luận tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Giang Thu, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. 

Việt Nam, từ một đất nước thiếu lương thực, nhưng giờ đây không những đủ ăn mà còn xuất khẩu nông sản thuộc nhóm nước xuất khẩu hàng đầu thế giới do mạnh mẽ ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp. 

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu đạt 53,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021, trong đó, sản phẩm trồng trọt đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,13%. 9 tháng năm 2023, xuất khẩu nông sản đạt 38,48 tỷ USD, trong đó, trồng trọt là 19,54 tỷ USD, chiếm khoảng 50,8% giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Để có được những thành công trên, phải kể đến sự đóng góp vô cùng to lớn của khoa học công nghệ. 

Sản lượng lương thực thực phẩm luôn đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu. Theo đó, lương thực có hạt đạt 473,4kg/người/năm (lúa gạo đạt 429kg); hàng năm cung cấp 12% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới; lượng thịt bình quân 31kg/người/năm; các sản phẩm khác như thủy sản, rau, trái cây... đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra điều kỳ diệu gì cho sản xuất nông nghiệp? - Ảnh 2.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife Châu Á ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến như sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Trong giai đoạn 2020-2023, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận; 36 tiến bộ kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Đáng chú ý, theo bà Giang, khả năng tiếp cận nguồn lương thực và giảm đói nghèo được cải thiện nhờ vào sự phát triển ổn định của ngành nông nghiệp và việc ứng dụng khoa học công nghệ. 

Đồng quan điểm, ông Duke Hipp, Giám đốc Đối ngoại và Hợp tác Chiến lược (CropLife Châu Á) cho rằng, các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và cây trồng công nghệ sinh học giúp giảm bớt phát thải khí nhà kính.

Ông Duke Hipp cho biết, mạng lưới của CropLife trên toàn cầu đã triển khai hơn 300 dự án hợp tác với các đối tác trong chuỗi giá trị để triển khai tập huấn cho các nông hộ nhỏ, đảm bảo canh tác cây trồng một cách bền vững – tính tới nay đã tập huấn cho khoảng 4 triệu hộ nông dân.

"FAO ước tính rằng, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ thâm hụt gấp đôi nếu nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện chúng tôi cũng đang đi đầu trong các hoạt động thu gom, tiêu huỷ và tái chế bao gói thuốc bảo vệ thực vật bằng nhựa một cách an toàn và có trách nhiệm", ông Duke Hipp nói.

Cũng theo ông Duke Hipp, bùng nổ thương mại điện tử (TMĐT) trong nông nghiệp tại khu vực là một điểm sáng của đổi mới sáng tạo. Việt Nam trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2022, tới đầu năm 2022, đã có hơn 5,2 triệu tài khoản nông hộ bán sản phẩm của họ trên các nền tảng số. Thị trường TMĐT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và đạt giá trị khoảng 39 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và bán hoa quả, nông sản tươi qua hình thức phát video trực tiếp (livestreaming) được dự đoán là sẽ bùng nổ mạnh tại Việt Nam.

"Các giải pháp khoa học thực vật tiên tiến như công nghệ sinh học và bảo vệ thực vật, nông nghiệp số và chính xác đang hỗ trợ nông dân giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời tăng cường bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nâng cao năng suất. Những đổi mới về giống cây trồng, như khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ và cải thiện khả năng kiểm soát cỏ dại đã giúp cô lập hơn 300 triệu tấn CO2 trong 25 năm qua. Con số này tương đương với lượng khí thải hàng năm của bang California.

Trong khi đó, với công nghệ chỉnh sửa gen, các nhà lai tạo giống cây trồng có thể phát triển ra những giống có khả năng thu giữ carbon, kháng sâu bệnh và mầm bệnh tốt hơn; thậm chí đẩy nhanh quá trình thuần hóa các loài cây trồng mới", ông Duke Hipp nhấn mạnh.

Công nghệ chỉnh sửa gen có thể tạo ra điều kỳ diệu gì cho sản xuất nông nghiệp? - Ảnh 3.

ông Duke Hipp, Giám đốc Đối ngoại và Hợp tác Chiến lược (CropLife Châu Á) cho rằng, các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và cây trồng công nghệ sinh học giúp giảm bớt phát thải khí nhà kính.

Củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp 

Diễn đàn "Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững" được coi là cơ hội đối thoại, trao đổi về công nghệ và đổi mới giữa các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp nhằm thúc đẩy các phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học trong áp dụng và thương mại hoá các sản phẩm công nghệ mới đáp ứng các mục tiêu về nông nghiệp bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Việt Nam đã định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững thông qua việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp có thể giảm thiểu được nhiều tác động tiêu cực của khí hậu, dịch bệnh, tuy nhiên, theo Thứ trưởng, cần có cái nhìn công bằng hơn về công nghệ sinh học, nhất là công nghệ chỉnh sửa gen, nếu nó tốt thì triển khai nhân rộng "không nên làm trong âm thầm" vì các quy định liên quan đến phát triển sản phẩm chỉnh sửa gen cơ bản đã đầy đủ.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu. Theo ước tính, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua; trong đó, việc các cải tiến về giống cây trồng, nguyên liệu đầu vào, các công nghệ mới như công nghệ sinh học và những công cụ canh tác tiên tiến ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và số hoá là chìa khóa cho phép nông dân thích ứng hiệu quả hơn với điều kiện thời tiết thay đổi, tạo ra năng suất nông nghiệp cao với chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cải thiện. 

Người nông dân từ đó có thể tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng, bổ dưỡng với giá cả hợp lý nhờ ứng dụng các cải tiến khoa học và việc hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường như sử dụng nguyên liệu đầu vào tiết kiệm hơn, giảm phát thải, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như: đất đai, nước, nguyên liệu đầu vào… 

Để nông dân có thể tiếp cận kịp thời và công bằng với công nghệ, các giải pháp đổi mới trong nông nghiệp cũng như sử dụng có trách nhiệm những công cụ này, cần có cách tiếp cận toàn diện và có hệ thống. Đó là củng cố các chính sách khuyến khích đổi mới nông nghiệp dựa trên khung pháp lý minh bạch, có cơ sở khoa học, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Theo bà Hà Thu Giang, để thúc đẩy khoa học công nghệ trong nông nghiệp phát triển, cần đổi mới cơ chế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp, huy động tư nhân tham gia; đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của các tổ chức khoa học công nghệ một cách đồng bộ; ưu tiên đầu tư trong một số lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; xây dựng cơ chế thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; cơ chế hợp tác công - tư hiệu quả hơn.

Trong khuôn khổ của diễn đàn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội CropLife Châu Á ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến như sinh học trong nông nghiệp giai đoạn 2023-2030.

Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem