Dân Việt

Một nước Trung Đông đang mua nhiều loại cá da trơn này của Việt Nam, sản lượng xuất khẩu tăng liên tục

Thu Hằng 02/11/2024 09:02 GMT+7
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra sang Iraq liên tục ghi nhận tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay. XK cá tra sang nước này còn vượt Iran - quốc gia được coi là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra sang Iraq liên tục ghi nhận tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm nay. XK cá tra sang nước này còn vượt Iran - quốc gia được coi là cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông.

img

Kim ngạch XK cá tra Việt Nam sang Iraq trong tháng 9/2024 đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây, kể từ năm 2022, với giá trị gần 1,8 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Chỉ riêng giá trị XK cá tra sang Iraq trong QIII/2024 đã cao hơn 30% so với lũy kế XK cá tra trong cả năm 2022 sang thị trường này. QIII/2024, XK các sản phẩm cá tra Việt Nam sang quốc gia Trung Đông này đạt gần 5 triệu USD, tăng 111% so với QIII/2023.

Lũy kế XK cá tra 9 tháng đầu năm 2024 liên tục ghi nhận tăng trưởng dương 2-3 con số, đạt 11 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng gần gấp rưỡi so với tổng giá trị XK cá tra sang Iraq cả năm 2023.

Khác với đa số các thị trường NK cá tra Việt Nam, Iraq chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm cá khô và sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc,...). 

XK sản phẩm này trong 3 quý đầu năm nay sang Iraq đạt 8 triệu USD, tăng 245% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 73% tỷ trọng chủ yếu là do mức tăng trong QIII/2024. 

XK phile cá tra đông lạnh sang Iraq trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 3 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 27% tỷ trọng trong tổng XK các sản phẩm cá tra sang quốc gia này.

Iraq là một thị trường lớn và là bạn hàng truyền thống của Việt Nam. 

Mặc dù là một trong những quốc gia XK dầu mỏ lớn nhất thế giới, tuy nhiên, nước này lại có ngành nuôi trồng thủy sản rất “khiêm tốn”. 

Các loài cá nước ngọt chính là nhiều loài thuộc chi Barbus và cá chép, được đánh bắt từ vùng biển quốc gia Iraq và từ Vịnh Ba Tư bởi đội tàu nội địa nhỏ của Iraq, hầu hết thủy sa cá da trơn được đánh bắt ở các hồ, sông và suối, và các trang trại nuôi cá (chủ yếu cung cấp nhiều loại cá chép). 

Iraq không có ngành chế biến cá công nghiệp và hầu hết cá được thị trường trong nước tiêu thụ tươi. Đánh bắt cá chỉ đóng góp một phần nhỏ vào GDP của quốc gia Trung Đông này.

Bất chấp khoảng cách địa lý, và những căng thẳng của các cuộc xung đột đang ngày đêm diễn ra tại Iraq, quốc gia này vẫn tăng NK các sản phẩm cá tra từ Việt Nam.

Cty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang là DN XK nhiều nhất cá tra sang Iraq trong 9 tháng đầu năm nay chiếm 60% tỷ trọng.