Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Chung Tấn Em ở xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cho hay, vụ hè thu 2024 vừa qua, ông trồng 29ha lúa Nhật (DS1) theo mô hình lúa giảm phát thải. Mới đây, ông được thưởng 43 triệu đồng tương đương với lượng giảm phát thải 116 tấn CO2e trên đồng ruộng mà bản thân lần đầu thực hiện được.
Theo ông Tấn Em, trồng lúa giảm phát thải "khoẻ hơn nhiều" so với cách làm truyền thống trước đây, tất cả được theo dõi, giám sát từ vệ tinh.
Quan trọng nhất là chú ý thoát nước trên đồng ruộng sao cho càng nhiều càng tốt (theo kỹ thuật canh tác ướt khô xen kẽ, vẫn đảm bảo cho cây lúa hút dinh dưỡng tốt).
Cách làm này kết hợp với việc bón chế phẩm sinh học sẽ giúp cây lúa có bộ rễ nhiều, bám sâu, dẫn đến cây lúa khoẻ, cứng cáp, đặc biệt hạn chế đổ ngã.
Ông Tấn Em cho rằng, đáng lẽ bản thân được thưởng nhiều tiền hơn nhưng do trong quá trình canh tác gặp mưa nhiều, nên lượng phát thải ít.
"Tôi rút nước trên ruộng thường xuyên nhưng mưa bão nhiều quá, vì vậy lượng giảm phát thải không như mong muốn" - ông Tấn Em tiếc nuối.
Nông dân này nhấn mạnh, sẽ tiếp tục làm theo mô hình trồng lúa giảm phát thải. Với cách làm này, ngoài thu nhập từ trồng lúa sau hơn 4 tháng chăm sóc, ông còn nhận được tiền từ việc giảm phát thải.
Ngoài ông Tấn Em, nông dân Lê Huỳnh Hữu Nghi ở huyện Kiên Lương nhận được hơn 21 triệu đồng từ việc trồng lúa giảm phát thải, với tổng diện tích thực hiện hơn 11ha.
Cùng với 2 nông dân trên, 6 hộ dân ở huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) cũng nhận được từ 2,6-7,2 triệu đồng tiền thưởng từ việc trồng lúa giảm phát thải với diện tích gieo sạ từ 1,9-4,8ha.
Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, các hộ dân trên tham gia trồng lúa giảm phát thải theo quy trình của Công ty Net Zero Carbon phối hợp với Công ty BSB Nanotech triển khai thí điểm trên tổng diện tích 71ha tại huyện Hòn Đất và Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang.
Tham gia mô hình, nông dân sử dụng giống lúa Nhật (DS1) với thời gian sinh trưởng 125 ngày và tuân thủ quy trình mà công ty đưa ra trong quá trình sản xuất, như giảm giống, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là phải làm theo chế độ nước ướt khô xen kẻ.
Nhờ quy trình này, về chi phí đầu tư, mô hình chỉ tiêu tốn 28,5 triệu đồng/ha, thấp hơn 10,38% so với chi phí trung bình vùng là 31,8 triệu đồng.
Theo đó, năng suất lúa của người dân tham gia đạt bình quân 7,6 tấn/ha, cao hơn 7% so với mức bình quân vùng là 7,1 tấn. Đặc biệt, có hộ dân làm được 8,4 tấn/ha.
Sau khi thu hoạch, ngoài lợi nhuận có được từ việc bán lúa, nông dân được công ty thưởng tiền giảm phát thải (15 USD/tấn CO2e).
Với tổng diện tích làm theo mô hình lúa giảm phát thải nói trên, giúp giảm 287 tấn CO2e (trung bình 4,88 tấn/ha), nông dân được thưởng tổng cộng gần 150 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Net Zero Carbon cho biết, công ty có đội ngũ kỹ sư giỏi hướng dẫn nông dân trồng lúa giảm phát thải theo quy trình cụ thể.
Quy trình này theo khuyến nghị và yêu cầu của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI, UNFCCC (United Nations Framework Convention on Climate Change - Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu).
Tại Kiên Giang, mô hình đã đạt nhiều thành công khi giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, quan trọng nhất là bà con cảm nhận được sự khác biệt trên cây lúa (khoẻ hơn, ra hạt nhiều trên bông) so với trước đây. Ngoài ra, nông dân còn giảm được 30% thuốc bảo vệ thực vật (trị nấm, vi khuẩn).
Trong quá trình sản xuất lúa, công ty có vệ tinh thực hiện việc giám sát, đo đạc lượng khí phát thải. Sau khi thu hoạch, công ty sẽ tổng hợp và có báo cáo kết quả giảm phát thải và tiến hành thưởng tiền cho nông dân tương ứng với lượng CO2e giảm được.
Ông Trần Minh Tiến - Tổng giám đốc Công ty Net Zero Carbon nhấn mạnh, phía công ty rất tự tin với quy trình của mình và đảm bảo với nông dân sản lượng lúa không thấp hơn bình quân của huyện, nếu thấp hơn sẽ bù theo giá thị trường. Từ đó, người dân an tâm làm theo và đã đạt kết quả như mong đợi.
Ngoài Kiên Giang, mô hình của ông Tiến còn triển khai tại Đồng Tháp, Hậu Giang, Đắk Lắk, Bình Thuận, An Giang,...