Dân Việt

Vụ cựu cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC, có thể đối diện hình phạt nào?

Phi Long 03/11/2024 12:05 GMT+7
Theo luật sư, người chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC của ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

Cựu cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC ở trong két ngân hàng

Ngày 2/11, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Văn Linh (SN 1986, nguyên Trưởng kho quỹ tập trung, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong - TPBank) về tội tham ô tài sản.

Theo cáo trạng, TPBank thành lập kho quỹ tập trung để lưu giữ các tài sản như vàng, giấy tờ có giá trị, ấn chỉ quan trọng… Riêng với vàng, nhà băng chia 3 trạng thái để quản lý, gồm vàng giữ hộ, vàng giao dịch (mua bán) và vàng cầm cố.

Sau khi nhận cầm cố, vàng được niêm phong theo quy định của ngân hàng và bảo quản trong kho tiền, công tác kiểm kê thực hiện định kỳ 2 lần mỗi năm. 

Ngày 3/9/2013, Nguyễn Văn Linh được bổ nhiệm chức thủ quỹ Phòng Dịch vụ khách hàng. Từ ngày 1/6/2020, Linh làm Trưởng Kho quỹ tập trung (hàm Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở) ngân hàng này.

Viện Kiểm sát cáo buộc, quá trình làm thủ quỹ kho, Linh thấy việc kiểm đếm loại tài sản vàng này diễn ra 2 lần/năm và được thông báo trước. Thời điểm đó, Linh cần tiền đầu tư chứng khoán và tiền điện tử, nên nảy sinh ý định chiếm đoạt vàng trong kho tiền của ngân hàng TPBank mang đi bán lấy tiền.

Phát hiện trong kho có 246 lượng vàng SJC là tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng tên C (ở Hà Nội), bị can lập tức lên kế hoạch chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC dù tài sản đang ở trong két ngân hàng.

Cáo trạng nêu, ngày 5/6/2017, sau khi hoàn tất việc kiểm kê vàng cuối ngày, Linh lợi dụng sơ hở của Ban quản lý kho để lấy 246 lượng vàng SJC trong két chứa vàng mua bán, giữ hộ cho vào túi nylon đen rồi để vào thùng tôn.

Sáng hôm sau, trong quá trình mở kho tiếp quỹ đầu ngày cho các chi nhánh, Linh mang thùng tôn giấu 246 lượng vàng ra để ở kho đệm (phía ngoài kho tiền nơi mà việc ra vào không được giám sát).

Cuối buổi sáng 7/6/2017, Linh tiếp tục lợi dụng thời điểm các đồng nghiệp đi tiếp quỹ ở cây ATM, lẻn vào kho đệm lấy 246 lượng vàng SJC. Ngay sau đó, anh ta đi bộ đến một ngân hàng và bán được hơn 8,8 tỷ đồng. Số tiền này được Linh nộp vào tài khoản chứng khoán của mình.

Đến khi khách hàng tất toán, trong kho không có số lượng vàng khác phù hợp để bù lại 246 lượng vàng SJC mà Linh đã chiếm đoạt. Nhận thấy không còn khả năng hoàn trả được vàng nên ngày 16/9/2023, Linh đến tự thú tại Công an TP Hà Nội.

Vụ cựu cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC, có thể đối diện hình phạt nào?- Ảnh 2.

Cựu cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 246 lượng vàng SJC ở trong két ngân hàng. Ảnh: M.H.

Người chiếm đoạt vàng sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh cho hay, tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Người thực hiện hành vi tham ô phải là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chức nước ngoài.

Điều 353 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm nếu trị giá tài sản từ 2 đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về một trong các tội: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trường hợp người vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm tù:  Phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội 02 lần trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100 đến dưới 500 triệu đồng;

Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

Gây thiệt hại về tài sản từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng; Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

Người vi phạm sẽ bị phạt tù từ 15 -20 năm tù trong các trường hợp sau: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 03 đến dưới 05 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.