Xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ cũng là vùng trồng tập trung khoai mài lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cây khoai mài hay còn gọi là hoài sơn, là loại thực phẩm, dược liệu có giá trị cao. Trước đây, một số người dân tại Bà Rịa-Vũng Tàu lên rừng tìm và khai thác khoai mài dại từ thiên nhiên là chủ yếu.
Thế nhưng, hiện nay tại vùng đất cát xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ lại được trồng phổ biến và phát triển rất tốt, năng suất cao.
Người nông dân không phải tốn nhiều công sức cũng như chi phí cho loại cây trồng này, sau 8-9 tháng trồng cây sẽ cho thu hoạch củ.
Gia đình anh Đinh Công Trường, ngụ ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có 6 năm gắn bó với cây khoai mài, vụ khoai mài năm nay anh trồng 2 ha và đang vào vụ thu hoạch.
Nhân công đào củ khoai mài (củ mài) tại vườn của gia đình ông Đặng Văn Trung, nông dân trồng cây khoai mài ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Dự kiến vụ khoai mài này gia đình anh Trường thu về khoảng 80 tấn củ, với giá bản lẻ từ 90-100 nghìn đồng/kg và từ 60-80 nghìn đồng/kg (tùy loại) bán sỉ.
Do chi phí đầu tư cho cây khoai mài từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ chiếm khoảng 20%, lợi nhuận thu về khoảng 80%, sau khi trừ chi phí dự kiến vụ khoai mài này gia đình anh Trường thu về khoảng gần 4 tỉ đồng.
Anh Trường chia sẻ, diện tích đang trồng khoai mài của gia đình anh trước đây trồng cây ăn trái, sau nhiều năm chăm sóc cây không còn cho năng suất cao nên anh chuyển qua trồng cây khoai mài, khi đó trên địa bàn xã Phước Hội bà con nông dân bắt đầu có phong trào trồng khoai mài và cho thu nhập ổn định.
Trồng diện tích 2 ha anh Trường đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho vườn khoai mài, phân bón anh sử dụng loại vi sinh đã được ủ hoai mục, không phải sử dụng phân hóa học để bón cho cây, với khí hậu nắng, vùng đất cát của xã Phước Hội cây khoai mài phát triển rất tốt cho năng suất cao.
Sản phẩm khoai mài của gia đình anh Trường đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh năm 2023, hiện nay đang làm hồ sơ để được công nhận lại.
Còn gia đình ông Đặng Văn Trung, ấp Tân Hội, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là người mạnh dạn chặt bỏ vườn điều kém hiệu quả để chuyển qua trồng khoai mài cách đây 7 năm nay, hiện ông đang trồng 2.500 m2 khoai mài đang vào vụ thu hoạch.
Vụ khoai mài này được gia đình ông trồng từ tháng 12/2023, gia đình ông Trung dự kiến thu về khoảng 3 tấn củ, giá bán dao động từ 80-100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí khoảng 40 triệu đồng, ông dự kiến thu về khoảng hơn 200 triệu. Ngay sau khi thu hoạch ông Trường sẽ cho đất nghỉ khoảng 1 tháng thì trồng lại.
Ông Đặng Văn Trung, ấp Tân Hội, xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hoạch khoai mài (củ mài). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Theo ông Trường, khoai mài này rất thích hợp khi trồng cùng phân gà, vịt ủ hoai mục, còn đối với các loại phân như trâu, bò khi trồng củ sẽ rất hay bị con sùng đất ăn củ nên người trồng khoai mài không nên sử dụng loại phân này dù đã được ủ hoai.
Sau nhiều năm trồng ông đã nắm bắt được đặc tính của cây nên việc chăm sóc lại cực kỳ dễ dàng. “Cây khoai mài trồng trên đất cát phát triển rất tốt, chỉ cần bón phân hữu cơ mà không cần đến phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hầu như cũng không phải sử dụng đến”, ông Trường chia sẻ.
Điều đáng nói, gia đình ông Trường có 9 anh chị em diện tích đất gần sát nhau, với 2ha nên đã tập trung toàn bộ diện tích để trồng khoai mài, anh chị em trong gia đình ông sẽ trồng xoay vòng, rải vụ để luân phiên nhau bán khoai mài quanh năm.
Nhờ vậy, khoai mài bán được giá và giá rất ổn định, đầu ra tốt, nhờ đó đã cho anh em ông có một khoản thu nhập.
Dự kiến, đầu năm 2025, anh chị em trong gia đình ông sẽ xuống giống thêm 2ha khoai mài nữa và tiếp tục thực hiện trồng luân phiên, rải vụ.
Ông Đinh Công Trường tại ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thu hoạch khoai mài (củ mài). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN.
Hầu hết người trồng khoai mài tại xã Phước Hội hiện nay đều đầu tư làm trụ, giàn lưới để cây khoai mài dễ dàng leo lên, những năm sau người trồng thu nhập sẽ cao hơn do không cần tốn chi phí ban đầu như: Mua giống, làm trụ và giàn lưới. Khi trồng được từ 8-9 tháng cây khoai mài sẽ già lá úa vàng thì bắt đầu cho thu hoạch. sản phẩm trồng được tiêu thụ khá nhanh.
Người mua chủ yếu là các thương lái trong vùng, sau đó họ sẽ cung cấp cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh…. Từ củ của loại cây này chế biến được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như cháo củ mài, canh củ mài hầm xương, súp củ mài, bột củ mài, sửa củ mài…
Bên cạnh đó, trong đông y, củ khoai mài được xem là một vị thuốc quý, có tác dụng chống lão hóa, trị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể… nên được thực khách nhiều nơi ưa chuộng.
Ông Châu Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tham quan vườn khoai mài của ông Đặng Văn Trung tại ấp Tân Hội, xã Phước Hội. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Theo ông Châu Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hiện nay, trên địa bàn xã có 44 hộ tham gia trồng khoai mài với diện tích hơn 7ha.
Việc đầu tư mô hình trồng khoai mài giàn leo và hệ thống tưới người trồng khoai mài chỉ đầu tư 1 lần nhưng sử dụng được lâu dài; từ đó chi phí đầu tư giảm, tăng lợi nhuận. Với diện tích khoảng 1.000m2, lợi nhuận đạt khoảng 80-100 triệu đồng/năm.
Năm 2023, khoai mài Phước Hội đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Đồng thời Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã cấp mã vùng trồng cho 7 hộ trồng khoai mài với diện tích 1,1 ha. Ngoài ra, sản phẩm khoai mài của xã Phước Hội cũng đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2023.
Ngoài ra, các hộ trồng khoai mài và các hộ bán khoai mài trên địa bàn xã đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm khoai mài trên nhiều nền tảng thương mại điện tử như: Zalo, Facebook, PostMart……
Từ đó, sản phẩm khoai mài được nhiều người biết đến làm cho giá trị sản phẩm được nâng lên, đầu ra dễ tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã.