Bộ NNPTNT vừa ban hành công văn số 8235/BNN-ĐĐ về việc chấp thuận để cấp phép thi công xây dựng mở rộng, nâng cấp mặt đê đoạn từ K33+600-K34+150 đê tả Đuống, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh do Công ty TNHH Xây dựng Hạp Lĩnh tự bỏ tiền ra để đầu tư xây dựng.
Trong công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ NNPTNT thông tin đã nhận được văn bản số 4073/UBND-NN ngày 23/10/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đề nghị chấp thuận để cấp phép thi công xây dựng mở rộng, nâng cấp mặt đê đoạn từ K33+600-K34+150 đê tả Đuống, huyện Tiên Du, kèm theo văn bản số 1944/SNN-CCTL ngày 21/10/2024 của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh và hồ sơ thiết kết.
Sau khi xem xét, Bộ NNPTNT thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thi công xây dựng mở rộng, nâng cấp mặt đê đoạn từ K33+600-K34+150 đê tả Đuống, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh với thời gian thi công từ ngày có Quyết định cấp phép và hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
Về quy mô, kết cấu công trình: Đắp áp trúc mở rộng mặt đê về phía sông bằng đất đắp đầm chặt, chiều rộng mặt đê B=12,5m; gia cố mặt đê bằng 2 lớp bê tông nhựa rộng 11m, phía dưới gồm 2 lớp móng cấp phối đá dăm và lớp đất đắp đầm chặt K≥0,98; lề mỗi bên rộng 0,75m; hệ số mái đắp phía sông m=2, trồng cỏ bảo vệ mái đắp.
Cùng với đó, xây dựng 1 dốc lên phía sông tại K34+150 đê tả Đuống, gia cố mặt dốc bằng bê tông nhựa (kết cấu gia cố tương tự kết cấu gia cố mặt đê).
Bộ NNPTNT yêu cầu điều chỉnh kéo dài phạm vi chuyển tiếp giữa đoạn đê mở rộng với đoạn đê hiện trạng về phía hạ lưu đảm bảo thuận lợi và an toàn giao thông; Kiểm tra, rà soát tài liệu khảo sát địa hình đảm bảo phù hợp với thực tế và hệ cao, tọa độ Quốc gia (Theo hồ sơ thiết kế, cao trình mặt đê hiện trạng trung bình khoảng +11,1m, tuy nhiên theo báo cáo đánh giá hiện trạng đê điều của tỉnh năm 2024, cao trình mặt đê hiện trạng khoảng +11,45m).
Điều chỉnh biển báo tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê từ tải trọng trục sang tổng tải trọng, đảm bảo phù hợp theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT ngày 17/12/2024 của Bộ NNPTNT, trong đó lưu ý xác định tổng tải trọng xe được phép đi trên đê phù hợp để tổ chức quản lý, đảm bảo an toàn cho tuyến đê và thuận lợi cho công tác quản lý, tránh phát sinh vi phạm.
Bộ NNPTNT cũng yêu cầu xác định cụ thể vị trí bãi đổ thải phù hợp, tuyệt đối không đổ bê tông mặt đê cũ sau khi bóc bỏ trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông. Sau khi hoàn thành công trình phải thanh thải vật liệu, phế thải khu vực thi công, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, có biện pháp tổ chức giao thông phù hợp, cắm biển báo, đèn tín hiệu đảm bảo an toàn giao thông trên đê trong quá trình thi công; tổ chức quản lý tuyến đê và bãi sông trong khu vực đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đê điều, không để xảy ra tình trạng vi phạm trong quá trình thi công và khai thác sử dụng.
Trước khi thi công, phải thông báo cho Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh để bố trí lực lượng chuyên trách quản lý đê điều giám sát quá trình thi công theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Đê điều. "Giao Sở NNPTNT, Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa thuận; kiến nghị UBND tỉnh thu hồi quyết định cấp phép nếu xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều trong quá trình thi công" - Bộ NNPTNT nêu rõ.
Như thông tin Dân Việt đã đưa, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã thống nhất chủ trương về việc Công ty TNHH Xây dựng Hạp Lĩnh được đầu tư bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp để thực hiện dự án: Mở rộng mặt đê đoạn từ K33+600÷K34+150 đê tả Đuống xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Doanh nghiệp này sẽ tự bỏ tiền để đầu tư mở rộng đoạn đê tả sông Đuống dài 550m, có chiều rộng 6m lên 12,5m nhằm kết hợp phục vụ nhu cầu vận chuyển vật liệu của doanh nghiệp, giao thông đi lại của người dân và công tác kiểm tra hộ đê phòng chống lụt bão trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế.
"Việc doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đầu tư nâng cấp tuyến đê đoạn từ K33+600÷K34+150 (kết hợp tỉnh lộ 279) vừa kết hợp phục vụ nhu cầu vận chuyển vật liệu của doanh nghiệp, giao thông đi lại phát triển kinh tế xã hội của nhân dân trong khu vực và công tác kiểm tra hộ đê phòng chống lụt bão trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế là cần thiết và phù hợp theo quy định của pháp luật" - UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định trong văn bản gửi Bộ NNPTNT ngày 6/6/2024.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, bãi tập kết vật liệu rộng hơn 23.000m2 của Công ty TNHH Xây dựng Hạp Lĩnh tương ứng các vị trí từ K33+795÷K33+940, K34+200÷K35+000 nằm trong khu vực quy hoạch bãi tập kết vật liệu được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 230/QĐ-UBND.
UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Công ty TNHH xây dựng Hạp Lĩnh khi sử dụng đất phải thực hiện theo quy định của Luật Đê điều, Luật Xây dựng, Luật Đất đai; chỉ được phép tập kết, bốc xúc, vận chuyển vật liệu trong thời gian từ 30/11 đến 15/5 hàng năm.
"Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua bãi cơ bản không có hoạt động tập kết, do một phần không được dùng xe quá tải trọng cho phép đi trên đê" - UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin và cho biết trên mặt bãi hiện tại Công ty không thực hiện tập kết vật liệu.
Qua kiểm tra cho thấy, trên mặt bãi còn tồn tại 1 công trình lán tạm rộng 15m2 thuộc địa bàn huyện Tiên Du và 1 công trình lán tạm rộng 30m2 thuộc địa bàn thị xã Quế Võ (các công trình xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp) để phục vụ trông nom, bảo vệ bãi tập kết. Các công trình này Công ty đã có cam kết với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn thực hiện giải tỏa ngay khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.