Căn cứ pháp lý cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh được tuyên mức án dưới khung
Căn cứ pháp lý cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh được tuyên mức án dưới khung
Quang Trung
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 18:06 PM (GMT+7)
Cựu Bí thư Tỉnh ủy và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị tuyên phạt mức án 4 năm 6 tháng và 3 năm tù, thấp hơn nhiều so với khung truy tố trước đó. Việc tuyên mức án này căn cứ vào các quy định pháp luật nào?
Cựu Bí thư Bắc Ninh bị tuyên hơn 4 năm tù vì nhận hối lộ
Chiều 1/11, HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy và Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh 4 năm 6 tháng và 3 năm tù vì nhận hối lộ trong vụ án thông thầu nâng giá thiết bị y tế.
Cùng tội nhận hối lộ, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung bị phạt 2 năm, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh Trần Văn Tuynh 3 năm 6 tháng.
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị tuyên 13 năm tù về tội Đưa hối lộ. Phó tổng giám đốc AIC Nguyễn Hồng Sơn (đang bỏ trốn) bị phạt 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng…
Trước đó, đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Ninh đề nghị mức án 4 đến 5 năm tù đối bị cáo Nguyễn Nhân Chiến. Ông Chiến là người bị cáo buộc nhận hối lộ 4,1 tỷ đồng và nhận quà biếu từ bà Nhà AIC 10 tỷ đồng, bị Viện KSND tối cao truy tố theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong khi đó, Viện KSND tỉnh Bắc Ninh đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh từ - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh 36 – 42 tháng tù…
Theo đánh giá của viện kiểm sát, bị cáo Chiến, Quỳnh có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần. Tuy nhiên, các bị cáo này có tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra, xét xử.
Các bị cáo có nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen trong quá trình công tác. Các bị cáo Chiến, Quỳnh đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận (ông Chiến nộp 14 tỷ đồng, ông Quỳnh nộp hơn 10 tỷ đồng).
Cùng với đó, các cơ quan tổ chức nơi hai bị cáo này từng công tác cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Căn cứ để tuyên hình phạt nhẹ hơn khung truy tố
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, một điều luật sẽ có nhiều khung hình phạt, có thể còn có nhiều loại hình phạt, căn cứ vào nhiều yếu tố mà việc áp dụng pháp luật hình sự sẽ mềm dẻo, linh hoạt để có hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo, từng trường hợp, trong từng vụ án.
Nếu hình phạt được áp dụng không phù hợp theo hướng nghiêm khắc quá sẽ thiếu tính nhân đạo và không đảm bảo hiệu quả. Nếu áp dụng hình phạt không phù hợp theo hướng không đủ sức răn đe lại có thể dẫn đến khinh nhờn pháp luật, thiếu công bằng.
Lựa chọn một hình phạt phù hợp với từng bị cáo, từng hành vi, từng tính chất, từng hoàn cảnh và phù hợp với chính sách pháp luật...do HĐXX quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.
Việc quyết định hình phạt phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và các yếu tố như tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có một mức hình phạt phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Cường, phù hợp không đồng nghĩa với tùy tiện, lựa chọn hình phạt nào, mức hình phạt ra sao, có xét xử dưới khung hình phạt hay không, trước tiên phải căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự.
Nguyên tắc chung khi kết tội bị cáo, HĐXX biểu quyết để lựa chọn loại hình phạt áp dụng và lựa chọn mức hình phạt phù hợp, phù hợp với tính chất mức độ hành vi, với nhân dân, với tình tiết tăng nặng giảm nhẹ và trong vụ án có đồng phạm, còn phải phù hợp với vị trí, vai trò của từng bị cáo trong đồng phạm.
Một nguyên tắc chung khác là hình phạt phải ở trong khung, ví dụ bị cáo phạm tội Nhận hối lộ theo quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự (nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên), khung hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng phải trong khung hình phạt liền kề của điều luật nếu bị cáo có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên (các tình tiết giảm nhẹ này phải được quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự).
Ngoài ra, nếu bị cáo là người phạm tội lần đầu, giúp sức trong vụ án có đồng phạm nhưng vai trò không đáng kể và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có thể được chuyển sang các khung nhẹ hơn mà không bắt buộc phải là khung liền kề (khoản 2, Điều 54 Bộ luật hình sự).
Căn cứ vào quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự về chuyển khung hình phạt, trường hợp bị cáo có từ 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, tòa án có thể áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 54 ở trên để chuyển khung hình phạt sang khung nhẹ hơn nhưng phải là khung hình phạt liền kề.
Ví dụ, trong vụ án hình sự mà bị cáo có hành vi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, bị kết án mà được áp dụng khoản 1, Điều 54 Bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt sang khung hình phạt nhẹ hơn, mức hình phạt sẽ theo quy định tại khoản 3, Điều 354 Bộ luật hình sự là bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.
Chỉ trong trường hợp bị cáo là người phạm tội trong vụ án có đồng phạm (nhiều người cùng ý chí thực hiện một tội phạm) với vai trò là thứ yếu, giúp sức và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo đó mới có thể được chuyển qua 2 khung, 3 khung (không bị hạn chế bởi khung liền kề), thậm chí sang tội danh khác nhẹ hơn…
Vị chuyên gia nói thêm rằng, theo quy định về tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có quyền đánh giá chứng cứ, đề nghị kết tội đối với bị cáo và đề nghị mức hình phạt. Việc đề xuất loại hình phạt nào, mức hình phạt ra sao là quyền của viện kiểm sát (bên buộc tội) và người bào chữa (bên gỡ tội), đó là quan điểm buộc tội hoặc quan điểm gỡ tội.
Tuy nhiên, quyền quyết định bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và áp dụng hình phạt như thế nào sẽ do HĐXX quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào các yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi được quy định tại điều 50 Bộ luật hình sự. Nếu HĐXX quyết định chuyển khung hình phạt thì căn cứ quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự để có mức hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo.
Còn nếu HĐXX cấp sơ thẩm giải quyết vụ án không phù hợp, bản án có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị, tòa án cấp trên có thể xem xét lại bản án sơ thẩm. Trường hợp áp dụng sai pháp luật, cũng có thể là căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.