Dân Việt

Sơn La: Chính quyền hỗ trợ, người dân chung tay, đẩy lùi dịch bệnh lở mồm long móng, giữ "đàn cơ nghiệp"

Trung Hiền – Mùa Xuân 09/11/2024 05:25 GMT+7
Ngay khi phát hiện ổ dịch lở mồm long móng, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng ở Sơn La đã khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo và triển khai các giải pháp ngăn dịch lây lan. Được sự hỗ trợ của chính quyền, người dân thực hiện nhanh các biện pháp phòng chống dịch… Từ đó, dịch đã sớm được khống chế, đẩy lùi.

Chú trọng công tác tiêm phòng vaccine

Theo Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm với số lượng lớn. Đàn bò hơn 398.200 con, trong đó đàn bò sữa ước đạt gần 27.700 con; đàn trâu ước đạt hơn 111.000 con; đàn lợn ước đạt gần 576.500 con; đàn gia cầm ước đạt 6,6 triệu con.

Tính đầu năm đến hết 10 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Sơn La xảy ra một số dịch bệnh động vật như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, bệnh dại, viêm da nổi cục. Số động vật mắc bệnh gần 2.951 con; động vật chết, tiêu hủy 2.570 con.

Phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng ở Sơn La: Chính quyền hỗ trợ, người dân chung tay, đẩy lùi dịch bệnh - Ảnh 1.

Người dân bản Pùa, xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, rắc vôi khử trùng khu vực chăn nuôi để tránh bò nhiễm bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Trần Hiền

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu và chính quyền xã Bản Lầm đã tập trung chỉ đạo thống kê, rà soát tổng đàn trâu bò để tiêm phòng vaccine phòng bệnh lở mồm long móng triệt để. Đồng thời, tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm soát việc mua bán; khuyến cáo người dân không giấu vật nuôi bị bệnh…

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, UBND tỉnh đã giao Sở NNPTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó chú trọng công tác tiêm phòng vaccine, tăng tỷ lệ tiêm phòng, tạo miễn dịch chủ động cho vật nuôi. 

Xây dựng đề án kiện toàn củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La theo đúng quy định của Luật Thú y và chỉ đạo của Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sở NNPTNT cũng có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chăn nuôi, về phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ môi trường...

Tìm hiểu của phóng viên, riêng về bệnh lở mồm long móng ở vật nuôi tại Sơn La, thời gian qua dịch bệnh này đã xảy ra tại 25 hộ ở 3 xã, phường, thị trấn, thuộc các huyện: Thuận Châu, Yên Châu, Vân Hồ làm 106 con trâu, bò nhiễm bệnh, số trâu bò tiêu hủy là 6 con. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, cơ quan chức năng và sự phối hợp hiệu quả của người dân, dịch bệnh này đã được khống chế, không lây lan rộng. Xã Bản Lầm là ví dụ điển hình về hiệu quả phòng chống dịch bệnh này.

Lập tổ phòng chống, đẩy mạnh tuyên truyền

Xã Bản Lầm (huyện Thuận Châu) trong quý I/2024 có hơn 50 con bò mắc bệnh lở mồm long móng, phải tiêu hủy 5 con. Ngay sau khi phát hiện đàn gia súc của hộ dân trong bản có dấu hiệu bị bệnh, ông Lường Văn Định - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pùa, xã Bản Lầm, đã thông báo cho xã và cử cán bộ về nắm tình hình. Cán bộ thú y xã thông báo với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu về các dấu hiệu của vật nuôi mắc bệnh. Cán bộ Trung tâm lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm.

Ông Lò Văn Bỉnh - Chủ tịch UBND xã Bản Lầm cho biết: Tránh việc dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên địa bàn, UBND xã thành lập tổ phòng, chống dịch bệnh; phân công các thành viên nắm bắt tình hình, vận động nhân dân không buôn bán, vận chuyển và thả rông gia súc; tổ chức cách ly điều trị gia súc bị bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và cắm các biển thông báo tại ngã ba, ngã tư vào các bản để nhân dân nắm được.

Cuối tháng 3/2024, UBND huyện Thuận Châu đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh lở mồm long móng ở trâu bò tại xã Bản Lầm. Thời điểm đó, trên địa bàn xã Bản Lầm có hơn 800 con trâu, bò; trên 2.000 con lợn, 600 con dê… Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu cho biết, huyện đã cấp 36 lít hóa chất, vôi bột cho các hộ dân khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại. 

Đồng thời, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu hủy bò mắc bệnh đúng quy định. Tổ chức cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn ký cam kết thực hiện "5 không" (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc; không giết mổ, tiêu thụ gia súc chết; không vứt gia súc chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho gia súc ăn).

Ông Lò Văn Thiết - hộ dân có bò bị bệnh lở mồm long móng, cho biết: Được cán bộ thú y xã hướng dẫn, ông đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột, cách ly gia súc và tiến hành điều trị. Đồng thời, không thả gia súc ra ngoài để tránh lây lan sang các hộ chăn nuôi khác.

Biết tin trên địa bàn có bò bị mắc bệnh lở mồm long móng, gia đình ông Quàng Văn Cu (bản Pùa), đã kiểm tra đàn vật nuôi của gia đình. Phòng bệnh lây nhiễm, gia đình chủ động tiêm phòng vaccine, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng. Lấy nước măng chua rửa chân và lá cây rừng đun lên cho bò uống…

Còn gia đình bà Lò Thị Long thường xuyên rắc bột, dọn chuồng trại và phun thuốc khử trùng chuồng trại nuôi bò. Đặc biệt, gia đình bà không chăn thả rông đàn bò, cho ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, uống nước ấm, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ… Nhờ đó, 4 con bò của gia đình bà Long vẫn khoẻ mạnh.