Dân Việt

Tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước, kinh tế rừng đang ở vị trí nào trong phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Kạn?

Chiến Hoàng 05/11/2024 12:39 GMT+7
Diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm hơn 80%, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước với hơn 73%; đây chính là thế mạnh và cũng là cơ sở để tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm.

Tập trung nguồn lực khai thác tiềm năng, lợi thế

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.996ha, trong đó: Đất nông nghiệp 44.116ha, chiếm 9,08%; đất lâm nghiệp 413.366ha, chiếm 85,05%.

Vì sao tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm? - Ảnh 1.

Một cánh rừng trồng tại xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo công bố hiện trạng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất nước với 73,38%. Toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 100.000ha rừng trồng, trong đó có 50.000ha đang trong độ tuổi khai thác. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế rừng thông qua các chính sách, dự án và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến với Bắc Kạn; mở đường vận xuất giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển.

Vì sao tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm? - Ảnh 2.

Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Kạn chia sẻ về các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế rừng tại Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Kạn cho biết, theo Dự án bảo vệ, phát triển rừng, hiện ngân sách của tỉnh vẫn đang hỗ trợ trồng cây phân tán. Bên cạnh đó, mỗi năm tỉnh Bắc Kạn cũng có mấy chục tỷ mà các doanh nghiệp thu hồi đất có chuyển đổi rừng dùng đầu tư vào các huyện Pác Nặm, Ba Bể hoặc những vùng có đất tập trung để thành những dự án trồng rừng thay thế.

"Tỉnh Bắc Kạn cũng vẫn đang dành kinh phí giao khoán ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia. Còn đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay tiểu dự án 1, dự án 3 đang được triển khai rất tốt. Sở Nông NNPTNT Bắc Kạn thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện tiểu dự án 2, dự án 3 là trồng rừng và trồng cây dược liệu dưới tán rừng.", ông Văn cho biết thêm.

Vì sao tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm? - Ảnh 3.

Cánh rừng keo tại thôn Tân Minh, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn từng được cấp chứng chỉ FSC vào năm 2018. Ảnh: Chiến Hoàng

Cũng theo ông Văn, với tiểu dự án 2, dự án 3, tới đây sẽ mở rộng các nội dung để người dân có rừng có thể lựa chọn kinh doanh rừng, đảm bảo cuộc sống, nâng cao thu nhập. Cùng với đó là thực hiện các bước để rừng Bắc Kạn được cấp chứng chỉ sản phẩm gỗ có kiểm soát (FSC).

Đối với việc thực hiện tín chỉ các-bon, Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Kạn chia sẻ, đây là nội dung rất mới. Hiện nay một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh đã có chi trả. UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đang chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương xây dựng dự án, rà soát, đánh giá trữ lượng các-bon các loại rừng trên địa bàn tỉnh. Sở đang xây dựng đề cương, gắn với công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng để triển khai thực hiện dự án nay.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện phát triển kinh tế rừng

Liên quan đến phát triển kinh tế rừng tại Bắc Kạn, bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, với những tiềm năng lợi thế về rừng, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bắc Kạn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Vì sao tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm? - Ảnh 4.

Bà Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn chia sẻ về việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn trong phát triển kinh tế rừng. Ảnh: Chiến Hoàng

"Nhiệm kỳ 2020- 2025 và nghị quyết chuyên đề thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đại hội XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trong đó có giao chỉ tiêu về chứng chỉ FSC của rừng; tỷ lệ che phủ rừng và diện tích trồng rừng hằng năm của tỉnh Bắc Kạn.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung triển khai các chính sách của Trung ương về hỗ trợ phát triển lâm nghiệp thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp và các Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế rừng trên địa bàn của tỉnh Bắc Kạn", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn chia sẻ.

Theo bà Phương Thị Thanh, việc chỉ đạo thực hiện các diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ FSC là nội dung phải hướng tới để đạt. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

"Có được chứng chỉ FSC, sản phẩm gỗ rừng trồng của tỉnh Bắc Kạn mới nâng cao được giá trị, các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn mới đủ tiêu chí để đảm bảo xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi nhận thấy mục tiêu 20.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trong nhiệm kỳ dự báo là khó đạt được.

Vì sao tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ trọng tâm? - Ảnh 5.

Rừng nghiến tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Lam Chi

Về thực hiện tín chỉ các-bon, với tỷ lệ che phủ rừng hơn 73%, việc đánh giá tín chỉ các-bon rừng là rất quan trọng. Để thực hiện được nội dung này cần phải có những nguyên tắc, quy định của Nhà nước thông qua Nghị định của Chính phủ hoặc hướng dẫn bằng các thông tư của Bộ, ngành. Thẩm quyền của địa phương xác định liên quan đến trữ lượng.

Tỉnh Bắc Kạn cũng cần phải thu hút được các doanh nghiệp để đánh giá tiêu chí tín chỉ các-bon trên diện tích rừng của tỉnh Bắc Kạn. Từ đó mới có cơ sở để đánh giá trữ lượng, việc mua bán tín chỉ các-bon trên thị trường mới đủ điều kiện. Nếu thực hiện tốt nội dung này, giá trị rừng và thu nhập của người dân sẽ được nâng lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo rừng tại Bắc Kạn bền vững hơn", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn nhận định.