Núi Nga My ở đâu trên đất Nghệ An mà có khu rừng gỗ quý đẹp như phim, hễ ai tới cũng muốn vô xem?

Thứ bảy, ngày 26/10/2024 05:22 AM (GMT+7)
Là 1 trong 9 bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), Na Kho cách trung tâm xã hơn 15 km, nằm biệt lập trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Na Kho- một tiểu vùng văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng dân tộc Thái và khám phá cánh rừng săng lẻ nằm sâu sau bản.
Bình luận 0

Là 1 trong 9 bản của xã miền núi Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), Na Kho cách trung tâm xã hơn 15 km, nằm biệt lập trong vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. 

Điều cuốn hút, hấp dẫn mọi người khi đến với Na Kho là được trải nghiệm những nét độc đáo của một tiểu vùng văn hóa mang đậm bản sắc của cộng đồng dân tộc Thái và khám phá cánh rừng săng lẻ nằm sâu sau bản. 

Những năm qua, nhờ sự chung tay bảo vệ của cộng đồng dân bản, rừng săng lẻ luôn được gìn giữ vẹn nguyên, mang vẻ đẹp tự nhiên và trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Bản Na Kho có gần 80 hộ với hơn 370 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái. Khi sương đêm, mây mù còn bao phủ bản làng, các thành viên trong Tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng ở bản Na Kho đã có mặt đông đủ để đi kiểm tra, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, xâm hại rừng. 

Hành trình tiếp cận rừng săng lẻ khá vất vả bởi con đường mòn nhỏ hẹp, qua nhiều con suối, nhiều dốc cao trong đại ngàn Pù Huống.

img

Rừng săng lẻ ở bản Na Kho, xã Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ chặt tỉa cây dại, bụi rậm, thu dọn thực bì, cành cây khô, gần 20 thành viên trong Tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng ở bản Na Kho đã tổ chức cuộc họp ngay trong rừng để tuyên truyền các kiến thức về phòng, chống cháy rừng, Luật Lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học…

Già làng Van Văn Hoàn (người có uy tín của bản Na Kho) cho biết, khoảng năm 1946, đồng bào dân tộc Thái ở các mạn Quỳ Châu, Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đã xuyên rừng Pù Huống, ngược dòng Nậm Kho về đây để tìm đất lập bản. 

Khi gặp một vùng đất rộng hơn 10 ha khá bằng phẳng nằm bên dòng suối Nậm Kho, dưới chân núi Pù Hiêng, mọi người đã quyết định định cư lâu dài tại vùng đất này. 

Trong các lần ngược dòng Nậm Kho ngăn suối, tách dòng để đưa nước về các ao nuôi, đồng ruộng, người dân trong bản đã phát hiện ra khu rừng săng lẻ trong đại ngàn.

img

Những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái nằm dưới tán rừng săng lẻ. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN

Trên diện tích khoảng gần 2 ha, hàng trăm cây săng lẻ có chiều cao từ 30 đến hơn 40 m. Nhiều cây có chu vi vành thân từ 2 - 3 người ôm. 

Để có được khu rừng săng lẻ mang vẻ đẹp tự nhiên giữa khung cảnh yên bình, khí hậu mát mẻ, trong lành của đại ngàn, những năm qua, công tác bảo vệ rừng luôn được cộng đồng bản Na Kho chung tay gìn giữ. 

“Từ lâu, mọi người đã coi rừng săng lẻ là khu rừng thiêng, tài sản chung, niềm tự hào của cả bản”, già làng Van Văn Hoàn cho biết.

Theo ông Lữ Văn Uôn, Trưởng bản Na Kho, hằng năm, vào mùa nắng nóng, nhất là từ tháng 3 trở đi, rừng săng lẻ vào mùa rụng lá nên nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. 

Do đó, Ban Quản lý bản đã tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ khu rừng cho người dân; đồng thời, khuyến cáo người dân không được đốt lửa lấy ong ở gần khu rừng săng lẻ. Vào cao điểm mùa khô hanh, người dân trong bản thường xuyên đi thu gom thực bì, cành, lá khô, phát dọn cây dại, bụi rậm để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng săng lẻ.

img

Cây săng lẻ đã cổ thụ sau hàng chục năm. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN.

Chị Sần Thị Ọi (người dân bản Na Kho) chia sẻ, đồng bào Thái thường ở nhà sàn truyền thống, cuộc sống sinh kế gắn liền với phát nương làm rẫy, chăn nuôi, làm chuồng trại.

Do bản cách xa trung tâm xã khoảng 17 km nên cuộc sống của người dân nơi đây gần như biệt lập giữa đại ngàn.

Dù đã có điện lưới quốc gia nhưng nhu cầu của người dân về nguồn củi đốt rất lớn. Do vậy hơn 10 năm trước, rừng săng lẻ luôn có nguy cơ bị chặt tỉa. Được cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền, các gia đình trong bản đều ký cam kết không xâm hại và có trách nhiệm bảo vệ rừng săng lẻ.

Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Nga My (Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) Bùi Hữu Sỹ cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích hơn 46.460 ha; trong đó có hơn 40.000 ha rừng đặc dụng, thuộc địa bàn 15 xã của 5 huyện miền núi Nghệ An. 

Tại xã Nga My (huyện Tương Dương), Khu bảo tồn có hơn 11.300 ha. Na Kho là 1 trong 4 bản của xã Nga My nằm trong vùng đệm Khu bảo tồn. 

Những năm qua, trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương, người dân tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy; nghiêm cấm săn bắt, bẫy, buôn bán động vật rừng quý hiếm, vận chuyển lâm sản trái phép… 

Nhờ đó, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên đã được bảo vệ tốt; không để xảy ra điểm nóng về khai thác rừng, săn bẫy động vật rừng, phá rừng làm nương rẫy.

Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nêu rõ, nhiều năm qua, người dân các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú và Ơ Đu trên địa bàn đã nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, lợi ích từ rừng. 

Tại bản Na Kho, những năm qua, người dân trong bản đã thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng nói chung, rừng săng lẻ nói riêng. Cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Kiểm lâm đánh giá cao về tính hiệu quả của mô hình Tổ quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng ở bản Na Kho; coi đây là điểm sáng để nhân rộng trên địa bàn.

Hải An (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem