Ông Đỗ Mạnh Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang cho biết: Phong trào nuôi hươu sao trên địa bàn xã Đồng Hưu trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Hội Nông dân xã xác định đây là sản phẩm chủ lực và độc đáo của địa phương đem lại kinh tế cho người dân trong xã.
Cũng theo ông Hiếu, việc chăn nuôi hươu sao của người dân vẫn mang tính tự phát, tự cung ứng sản phẩm, các sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi, việc liên kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ chăn nuôi còn hạn chế.
Năm 2023, Hội Nông dân xã Đồng Hưu đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi hươu sao thành lập Tổ hợp tác sản xuất nhung hươu xã Đồng Hưu với mục đích liên kết, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Hội Nông dân xã đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong.
Thực hiện Đề án của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022-2025"; năm 2024, từ nòng cốt của Tổ hợp tác sản xuất nhung hươu, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn, tư vấn các bước quy trình thành lập và ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phát Lộc với 7 thành viên và 18 ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Trong đó, trọng tâm là xây dựng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm "Nhung hươu ngâm mật ong" và được Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phê duyệt hỗ trợ tư vấn sản phẩm.
Hội Nông dân xã đã phối hợp với chủ thể lên ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phối hợp cùng đơn vị tư vấn và chủ thể xây dựng hồ sơ, thiết kế bao bì, tem, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng, ATTP, câu chuyện sản phẩm, hồ sơ sở hữu trí tuệ….
Kết quả, sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện chấm đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Ngay sau khi được phân hạng, các cấp Hội Nông dân cũng tích cực quan tâm đến quảng bá, xúc tiến sản phẩm của HTX, sản phẩm "Nhung hươu ngâm mật ong" được tham gia gian hàng OCOP của huyện Yên Thế tại Lễ hội gà đồi và các sản phẩm đặc trưng của huyện Yên Thế năm 2024.
Anh Đỗ Chí Toản – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phát Lộc, xã Đồng Hưu cho biết: Nhung hươu là một trong các loại thuốc bổ, được nhiều người lựa chọn để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.
Trong năm 2024, HTX chúng tôi đã được các cấp Hội Nông dân huyện Yên thế và Hội Nông dân xã Đồng Hưu hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm "Nhung hươu ngâm mật ong" của HTX tham gia phân hạng sản phẩm OCOP.
Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP tôi thấy việc tiêu thụ, bán hàng rất thuận lợi, sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều khách hàng biết tới. Đây sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa".
Tương tự, sau khi có 4 sản phẩm được công nhận OCOP (gồm các loại cao: Cà gai leo, xạ đen, đinh lăng và lá sen), sản lượng tiêu thụ của HTX Dược liệu Thiện Tâm, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế tăng gần gấp đôi so với trước; trừ chi phí trả tiền nhân công, nguyên liệu, mỗi năm HTX thu lãi 200 triệu đồng.
"Có sao OCOP, các sản phẩm của HTX được phân phối, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, TP trong cả nước, doanh thu đạt hơn 300 triệu đồng/tháng", ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc HTX Dược liệu Thiện Tâm chia sẻ.
Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) huyện Yên Thế vừa tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2024.
Theo đó, toàn huyện có 15 sản phẩm tham gia đánh giá đợt này, trong đó có 13 sản phẩm mới gồm: Gà ủ muối hoa tiêu; khô gà lá chanh; ruốc bông gà của HTX nông nghiệp xanh Yên Thế; lạp sườn gác bếp Cao Lan của HTX nông nghiệp và dịch vụ Cao Lan; hạt sen sấy khô, củ sen sấy khô, trà hoa sen túi lọc của HTX Dược liệu thiện tâm Yên Thế; trà quả sim, trà lá sim, trà hoa sim của HTX quả sim nếp; táo đạt mật Hào An của HTX Hào An; dầu đậu nành Cường Nhung của HTX Cường Nhung; nhung hươu ngâm mật ong của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Lộc Phát.
Đến nay huyện Yên Thế có tổng số 36 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 32 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm 4 sao. Qua đó đưa Yên Thế trở thành địa phương đứng thứ 3 trong tỉnh về số lượng sản phẩm và là huyện đầu tiên xây dựng thành công sản phẩm OCOP về du lịch (sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven).
Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế Phạm Xuân Dương chia sẻ: Xác định tầm quan trọng của chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM, trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân huyện Yên Thế đã thành lập được 49 chi, tổ hội nghề nghiệp, 34 tổ hợp tác (THT), 14 HTX; đã khảo sát, lựa chọn, đăng ký xây dựng mới 11 sản phẩm đạt 3 sao trở lên và duy trì, nâng cao 8 sản phẩm OCOP.
Đặc biệt năm 2024 này, Hội Nông dân huyện Yên Thế đã tư vấn, hướng dẫn được công nhận 4 sản phẩm OCOP mới và nâng cao 2 sản phẩm OCOP đánh giá lại.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế khẳng định: Từ chương trình OCOP, các chủ thể là nông dân, HTX đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn về hình thức, bao bì cũng như chất lượng sản phẩm; các thông tin về ghi nhãn bao bì, tem mác, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, Website đã được các chủ thể quan tâm thực hiện... qua đó giúp người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm.
Để phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thế cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân để nâng cao nhận thức và tích cực tham gia Chương trình OCOP theo các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên.
Trọng tâm là 2 Đề án của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về: "Xây dựng THT tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025" và "Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025". Đổi mới các hình thức, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể.
Đồng thời, đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, THT, HTX để tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ xây dựng các liên kết sản xuất giữa hội viên, nông dân với doanh nghiệp, THT, HTX trong quá trình tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.