Dân một làng ở TT-Huế vô rừng đi thuần hóa chính những con trâu nhà, sao có chuyện lạ này?
Ở một nơi của TT-Huế, dân vô rừng "thuần hóa" chính loài vật mà xưa vốn là con vật nuôi trong làng
Thứ hai, ngày 20/05/2024 15:48 PM (GMT+7)
Thuần hóa rồi nuôi, với người Vân Kiều ở bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, (tỉnh Thừa Thiên Huế) nuôi trâu không chỉ mang lại sinh kế mà còn để bảo vệ rừng.
Thuần hóa rồi nuôi, với người Vân Kiều ở bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, (tỉnh Thừa Thiên Huế) nuôi trâu không chỉ mang lại sinh kế mà còn để bảo vệ rừng.
“Cảm hóa” trâu luông
Chúng tôi hẹn được một chuyến “săn” trâu luông (trâu nuôi thả trong rừng) cùng ông Hồ Văn Phai, Già làng, Tổ trưởng tổ nuôi trâu cộng đồng bản Phúc Lộc.
Từ bản Phúc Lộc di chuyển 3km đường lâm sinh rồi đi thuyền trên khu vực lòng hồ 10km mới đến khu vực Khe De. Từ đây di chuyển lên vùng chăn thả trâu luông.
Phúc Lộc là vùng đất bán sơn địa, diện tích ruộng lúa toàn thôn chỉ hơn 8ha nhưng thôn dân ở đây “sở hữu” đội quân trâu luông lên đến khoảng 500 con.
Việc chăn thả tự nhiên có từ vài chục năm trước. Khi lòng hồ Tả Trạch tích nước, vô hình trung số trâu nhà này bị kẹt lại phía bên kia lòng hồ, dần vắng hơi người thăm nuôi nên trở nên hoang hóa.
Nuôi trâu luông không chỉ mang lại sinh kế mà còn góp phần bảo vệ môi trường ở bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Số nghé con sinh ra vùng rừng núi cũng trở thành trâu hoang.
Trâu ở bản Phúc Lộc từ lâu không dùng cày cấy mà bán thịt hoặc thuần dưỡng bán ra các địa phương khác.
Các thôn dân trong làng thường hỗ trợ nhau, đi mỗi nhóm từ 5-7 người để bắt trâu luông. Mùa nắng thì lùa trâu ra các cồn nổi ven lòng hồ Tả Trạch, dùng thòng lọng bắt trâu, mùa mưa thì làm nhà cho trâu ở rồi lùa chúng vào lán trại mà chọn.
Bắt trâu luông phải có kỹ năng và kinh nghiệm bởi nhiều con bị hoang hóa lâu ngày, vắng bóng chủ nên trở nên hung tợn.
Trâu luông ở Khe De được các lâm dân xâu tai, cắt lông đuôi để đánh dấu chủ sở hữu nên không lẫn lộn trâu giữa các hộ dân. Số lượng nghé con sinh trong mùa nắng đã lớn nên lượng trâu đông, dễ dàng chọn bắt.
Trước khi bắt trâu phải thăm dò nhiều ngày, chọn địa hình, hướng di chuyển của đàn rồi dùng muối trộn ít thức ăn đặt trong lá chuối, mặt đá phẳng trong lối đi của đàn để cho trâu ăn.
Vị mặn của muối sẽ giúp trâu luông nhớ đến chủ. Lùa trâu vô trại phải bắt sống mới có giá cao. Trâu bắt về ban đầu được cột sừng và chân, cho ăn nhiều cỏ tươi.
Chỉ một người cho ăn để trâu nhận ra hơi người, nhớ mặt chủ, sau đó chừng nửa tháng thì tiến hành xâu mũi dắt về; tiếp tục thuần dưỡng, cho ăn thêm ít muối để trâu mến chủ rồi mới đem bán.
Cách này đem đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định, lại giúp chủ mới của trâu dễ thuần dưỡng hơn.
Khoảng 70 hộ dân người Vân Kiều ở Phúc Lộc làm nghề chăn thả trâu tự nhiên ở khu vực Khe De. Để quản lý số lượng trâu luông lớn bên lòng hồ, các hộ dân ở đây đã tập hợp lại thành tổ các hộ chăn trâu cộng đồng, phối hợp với lực lượng kiểm lâm ở đây vừa làm tốt công tác bảo vệ rừng, vừa đảm bảo sinh kế.
Tổ chăn nuôi trâu cộng đồng cắt cử từng tốp từ 4-5 người thực hiện việc tuần tra, kiểm tra số lượng trâu của các hộ dân phòng khi các đối tượng “lâm tặc” đặt bẫy săn bắt trâu luông và các động vật hoang dã. Mỗi tuần, nhóm chăn nuôi trâu cộng đồng đi tuần tra từ 2-3 lần, chia làm từng tốp và liên lạc nhau bằng điện thoại.
Ông Hồ Văn Quang, một hộ dân có trâu luông chia sẻ, việc thành lập tổ chăn nuôi trâu cộng đồng không chỉ vảo vệ được tài sản của mình, mà còn góp sức trong việc tuần tra, bảo vệ rừng.
Trong quá trình tuần tra, các hộ dân nếu phát hiện bẫy động vật hoang dã thì tiến hành đánh dấu, tháo hủy bẫy. Nếu phát hiện các đối tượng khả nghi có thể là “lâm tặc” thì báo cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Hương Thủy.
Già làng bản Phúc Lộc Hồ Văn Phai mang biên bản, hợp đồng giữa nhóm hộ và đơn vị chủ rừng là Ban QLRPH Hương Thủy cho chúng tôi xem rồi kể: “Có bận, từ tin báo của nhóm hộ chăn nuôi trâu cộng đồng mà lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Hương Thủy đã ngăn chặn được các đối tượng phá rừng”.
Nói về kinh nghiệm đi rừng thì không ai bằng lớp thợ “sơn tràng” như chúng tôi. Mấy chục năm trước tui đi “mòn lối” nơi này rồi. Mình có lực lượng kiểm lâm, địa phương sẵn sàng hỗ trợ nên mấy lời đe dọa đó cũng… thường thôi”, ông Hồ Văn Quang, khẳng khái.
Ông Trần Phúc Châu, Phó Giám đốc Ban QRPH Hương Thủy cho biết, để thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng cũng như phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng, đơn vị đã hợp đồng với đại diện tổ chăn nuôi trâu cộng đồng bản Phúc Lộc.
Ngoài chức năng quản lý số lượng trâu bò do các hộ dân chăn thả, các lâm dân còn tham gia hỗ trợ lực lượng khi có cháy rừng xảy ra trên các địa điểm được ký kết, thường xuyên trao đổi với Ban QRPH Hương Thủy về tình hình chặt phá, lấn chiếm rừng trên địa bàn hồ Tả Trạch.
“Khu vực các tiểu khu 171, 178, 181, 184 (giáp ranh xã Xuân Lộc, Phú Lộc; Hương Sơn, Nam Đông) thuộc địa giới hành chính xã Hương Hòa, Ban QRPH Hương Thủy đang được Nhà nước giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế (rừng cây bản địa) với diện tích hơn 430 ha.
Đây là khu vực “nhạy cảm”, để làm tốt công tác bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng cây bản địa mới trồng, cần phải có sự chung tay, phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các lâm dân khu vực này”, ông Trần Phúc Châu chia sẻ.
Ông Hồ Văn Yên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Phúc Lộc bảo rằng, dù đời sống bà con Vân Kiều ở địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng nghề nuôi trâu hình thành từ mấy chục năm trước đã cho họ thu nhập bình quân từ 70-100 triệu đồng/năm.
Nhiều hộ dân đã xây dựng nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Như trường hợp gia đình các ông Hồ Văn Phai, Hồ Văn Quang… đều có con đi học các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, là niềm tự hào của bản làng.
Theo UBND xã Xuân Lộc, việc chăn nuôi gia súc tự nhiên trên các cánh rừng bên lòng hồ Tả Trạch là tập quán lâu năm của đồng bào dân tộc Vân Kiều, tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro tranh chấp, thiệt hại tài sản.
Về lâu dài, địa phương đề xuất quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nhằm đảm bảo an toàn và không khuyến khích việc chăn thả, phát triển thêm số lượng gia súc tại khu vực bên lòng hồ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.