Dân Việt

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính

Tuyết Nhung - Trần Hậu 06/11/2024 09:00 GMT+7
Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại UBND xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation thực hiện. Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 19 tỉnh, thành phố trên cả nước được Trung ương Hội lựa chọn tham gia Dự án, triển khai từ năm 2022-2024 tại 5 xã: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Châu và Hòa Tiến.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại xã Hòa Tiến. Ảnh: T.N.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án thành phố cho biết: "Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án được tổ chức tại xã Hòa Tiến nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của việc xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường; vận động hội viên nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải mà Dự án đang tuyên truyền.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban quản lý Dự án thành phố phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: T.N.

Qua đó, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển hóa chất thải hữu cơ nhằm góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân, giúp cấp ủy và chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về Dự án để có các chính sách ủng hộ và nhân rộng Dự án trong thời gian tới".

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 3.

Các mô hình xử lý rác thải hữu cơ được nông dân xã Hòa Tiến tích cực nhân rộng, giúp bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.... Ảnh: T.N.

Dự án bao gồm 5 mô hình kỹ thuật: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, Nuôi sâu canxi và Nuôi trùn quế.

Tại Hội thảo, các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Tiến đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện để các giảng viên Dự án giải đáp, hỗ trợ, hướng đến duy trì và nhân rộng tính hiệu quả thực tế của các mô hình Dự án.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 4.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp đàn gà lớn nhanh, khỏe, ít bị nhiễm bệnh và không gây ô nhiễm môi trường.... Ảnh: T.N.

Nông dân Lê Văn Lý chia sẻ: "Gia đình tôi hiện nuôi 6 con bò, 150 con gà và 50 con vịt, bên cạnh đó tôi còn canh tác 7 sào lúa và 4 sào rau màu. Trước kia, việc xử lý hơn 400kg phân bò mỗi tháng là điều rất nan giải, nhưng từ khi tôi thực hiện thành công mô hình nuôi trùn quế thì gia đình tôi không còn phải đối mặt với mùi hôi từ phân bò, hàng xóm không còn phản ánh nữa.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 5.

Các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Tiến chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn khi thực hiện các mô hình xử lý rác thải hữu cơ. Ảnh: T.N.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 6.

Tôi bán được 300kg sinh khối trùn với giá 45.000 đồng/kg, phân trùn quế tôi bón cho cây lạc và kết quả cho năng suất lạc tăng thêm 3 tạ/sào so với trước.... Qua đó cho thấy việc nuôi trùn quế không chỉ giúp cây trồng cải thiện năng suất, giảm thiểu sâu bệnh mà còn giúp tôi tiết kiệm phân bón, góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống của người dân nông thôn".

Hiện nay, mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng và nuôi gà trên đệm lót sinh học dày đang được áp dụng rộng rãi ở các hộ sản xuất nông nghiệp thường xuyên của xã Hòa Tiến.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 7.

Ông Đặng Văn Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến đề xuất một số chương trình để đẩy mạnh nhân rộng các mô hình Dự án. Ảnh: T.N.

Ông Nguyễn Văn Trinh – Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Dương Sơn cho hay, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, lá cây, phế phụ phẩm giúp ông xử lý một lượng lớn rác thải hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, ông đã có nguồn phân bón hữu cơ tự sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, cải tạo đất, vườn hoa cây cảnh hơn 100 chậu vì thế mà luôn tươi tốt, ít bị sâu bệnh và cỏ dại trong giá thể hầu như không có.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông Trinh kêu gọi các hội viên nông dân trên địa bàn xã cùng nhau nhân rộng mô hình này, cùng nhau trở thành người nông dân thông thái, xây dựng nền nông nghiệp bền vững cho tương lai.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 8.

Ông Trần Đình Nhơn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Tiến bày tỏ mong muốn mô hình Dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng để góp phần cải thiện thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp, tăng cường sản xuất hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: T.N.

Ông Đặng Văn Quang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến cho biết: "Các mô hình xử lý rác thải đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nên một số hộ gặp khó khăn trong việc duy trì các mô hình lên men thức ăn chăn nuôi và nuôi trùn quế. Dù vậy, các mô hình nuôi sâu canxi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Nông dân Đà Nẵng chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 9.

Với mục tiêu chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính, cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Tiến nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì và nhân rộng các mô hình Dự án. Ảnh: T.N.

Để tiếp tục nhân rộng các mô hình Dự án trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Hòa Tiến đề xuất mở thêm nhiều khóa tập huấn thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ; tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của các mô hình, khuyến khích người dân tham gia tích cực hơn; cần nghiên cứu và cải tiến các mô hình để phù hợp hơn với điều kiện của địa phương...".