Nông dân Đà Nẵng phấn khởi khi thu nhập tăng, môi trường sạch hơn nhờ xử lý rác thải đúng cách
Nông dân Đà Nẵng phấn khởi khi thu nhập tăng, môi trường sạch hơn nhờ xử lý rác thải đúng cách
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ bảy, ngày 02/11/2024 13:00 PM (GMT+7)
Ngày 1/11, tại UBND xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Hội thảo nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường; vận động hội viên nông dân áp dụng, duy trì và mở rộng thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải mà Dự án đang tuyên truyền.
Bao gồm 5 mô hình kỹ thuật: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế.
Thông qua Hội thảo, cấp ủy và chính quyền địa phương hiểu rõ hơn về Dự án và các kỹ thuật của Dự án để có các chính sách ủng hộ và nhân rộng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban quản lý Dự án thành phố cho biết: "Dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) thực hiện. Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 19 tỉnh, thành phố trên cả nước được Trung ương Hội lựa chọn tham gia Dự án, triển khai từ năm 2022 tại 5 xã thuộc huyện Hòa Vang.
Với những kết quả đạt được, tôi đề nghị các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Khương tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình, tích cực tuyên truyền để nhân rộng các mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải trong và ngoài địa phương. Từ đó góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo hướng sinh thái, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây chính là mục tiêu cuối cùng mà Dự án hướng đến".
Báo cáo kết quả tại Hội thảo, ông Trần Văn Mười – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương cho hay, hiện nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho chăn nuôi; ủ phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm cây trồng ngay tại ruộng; nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế bằng phân lợn, phân trâu, bò, gà, thức ăn thừa; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày giúp giảm công dọn chuồng, hạn chế mùi hôi, đàn gà khỏe mạnh.
Qua các hoạt động trên đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, từng bước hạn chế lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, phế phẩm, phụ phẩm từ trồng trọt, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường hướng đến phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các cán bộ, hội viên nông dân xã Hòa Khương đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ. Trong đó, mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi hiện nay chỉ có một số hộ duy trì; mô hình xử lý rác thải hữu cơ còn mới, nông dân e ngại sợ rủi ro... nên việc áp dụng các mô hình chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế và khó nhân rộng thực hiện liên tục và lâu dài.
Hiện mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày đang cho hiệu quả nổi bật về kinh tế lẫn môi trường nên được địa phương nhân rộng, nông dân rất phấn khởi khi áp dụng vào hoạt động chăn nuôi tại gia đình.
Nuôi đàn gà 1.000 con và làm 3 sào lúa, nông dân Đặng Văn Lực phấn khởi nói: "Sau thời gian nuôi gà trên đệm lót sinh học dày thì tôi nhận thấy đây là một trong những phương pháp xử lý rác thải nông nghiệp tốt nhất. Nhờ lớp đệm sinh học dày mà tôi nuôi gà không gây mùi hôi khó chịu, gà khỏe mạnh, ít dịch bệnh. Mô hình này giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập, tận dụng lớp đệm lót làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi đã tuyên truyền, giới thiệu mô hình này và đã có gần 20 hộ trên địa bàn xã biết đến, ứng dụng vào thực tế".
Còn tại hộ ông Trần Công Sỹ - Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Phú Sơn 3, thời gian qua, nhờ ứng dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng mà ông đã tiết kiệm được nhiều chi phí mua phân bón hóa học.
Ông Sỹ cho hay, gia đình ông trồng 5 sào lúa và 4 sào dưa hấu, trước đây ông dùng phân hóa học để bón cho cây, nhưng từ khi tham gia Dự án ông đã thu gom rơm rạ, thân đậu, thân dưa... về ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhờ đó mà cải thiện độ màu mỡ của đất, tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí mua phân bón, nâng cao thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Bà Trần Thị Lý – Phó Bí thư thường trực xã Hòa Khương chia sẻ: "Vinh dự là 1 trong 5 xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được lựa chọn tham gia Dự án xử lý rác thải hữu cơ, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Hội Nông dân xã đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các hoạt động, mục tiêu của Dự án. Cùng với việc khắc phục một số hạn chế, khó khăn, tôi mong muốn cán bộ, hội viên nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa các mô hình, góp phần phát triển kinh tế, chung tay bảo vệ môi trường và góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.