Dân Việt

Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân: Hãy quay lại với bèo hoa dâu!

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng 06/11/2024 05:50 GMT+7
Nghe đài thông báo đợt lạnh đầu tiên sắp tràn về miền Bắc, tôi bồi hồi nhớ tới cái thời vào mùa này, nông dân khắp nơi hối hả ra ruộng thả bèo hoa dâu.
Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân: Hãy quay lại với bèo hoa dâu! (Bài cuối) - Ảnh 1.

Ngày ấy, Thái Bình luôn là tỉnh đi đầu. Họ đưa lúa lên 5 tấn, đưa phong trào hợp tác xã lên cao và đưa bèo hoa dâu ngập tràn khắp đồng ruộng...

Hồi đó, bác Ngô Duy Đông là Bí thư Tỉnh ủy. Hiếm có người nào nhiệt tình được như ông! Dân gian làm thơ ca ngợi, gắn ông với phong trào phát triển nông nghiệp và phát triển bèo hoa dâu ở Thái Bình và cả ở miền Bắc....

Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân: Hãy quay lại với bèo hoa dâu! (Bài cuối) - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Đình Hoàn ở thôn Phú Thọ, xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang gạt bèo hoa dâu ở 1 ruộng trũng. Mô hình thả bèo hoa dâu cho thu nhập cao của gia đình anh Nguyễn Đình Hoàn được cho là lạ mà hay.

Tôi nhớ, ngay từ năm 1967, tôi đã thực hiện đề tài về "Ảnh hưởng của phân vi lượng tới sự sinh trưởng và phát triển của bèo hoa dâu (Azolla pinnata)" do giáo sư Phạm Đình Thái hướng dẫn. Bọn tôi cũng được cùng thầy đi khắp nơi để hô hào nông dân đẩy mạnh việc phát triển bèo hoa dâu...Mới đấy mà đã hơn nửa thế kỷ!

Thời ấy, cứ bắt đầu mùa đông là nông dân hăng hái thả bèo hoa dâu khắp đồng ruộng. Bèo thích ứng với khí hậu mát mẻ, hợp tác xã nào cũng có đội bèo hoa dâu. Phong trào nuôi bèo hoa dâu rộn rã khắp nơi...

Lúc đó, chúng ta chưa có nhà máy phân đạm, nguồn đạm cho cây trồng chủ yếu trông vào phân bốc và phân chuồng. Đồng ruộng thì mênh mông, làm sao mà đủ đạm cho lúa được?

Trong lúc đó, nhóm tảo cộng sinh trong cánh bèo hoa dâu lại có một khả năng kỳ diệu là cố định được đạm khí quyển thành dạng đạm mà cây có thể hấp thụ.

Chúng ta biết rằng, cứ 1m2 của cột không khí có tới 8 tấn đạm ở dạng phân tử nitơ. Phân tử nitơ có cấu trúc nối ba rất bền vững, cây không thể hút được dạng đạm này. Vì vậy, cha ông ta ngày xưa có câu "Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm mờ cờ mà lên!".

Vì sao vậy? Vì rằng, các tia sét – tức là tia lửa điện – đủ khả năng phá vỡ các liên kết ba của phân tử nitơ để tạo thành các liên kết đơn. Nitơ ở dạng mà cây có thể hấp thụ được.

Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân: Hãy quay lại với bèo hoa dâu! (Bài cuối) - Ảnh 3.

Cây bèo hoa dâu - Nguồn phân bón tốt cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chính nhóm tảo cộng sinh trong cánh bèo hoa dâu lại có khả năng làm được việc này. Đó là một kỳ tích! Do đó, bèo hoa dâu có khả năng cố định đạm khí quyển thành dạng đạm dễ tiêu tích lũy trong cánh bèo. Vì vậy, ruộng bèo trở thành nguồn đạm tuyệt vời cung cấp cho cây lúa. Bà con ta đã tận dụng điều này bằng cách thả bèo để vừa có đủ phân đạm bón cho lúa, vừa có thức ăn giàu đạm cho vật nuôi...

Thế rồi, hòa bình lập lại, chúng ta giao thương với khắp thế giới, nguồn phân đạm vô cơ nhập vào ào ào. Ở ta, nhiều nhà máy phân đạm cũng ra đời. Việc sử dụng phân đạm trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với việc nuôi bèo hoa dâu. Vì vậy, phong trào nuôi bèo hoa dâu dần tàn lụi. Đến nay, hiếm có nơi nào còn bèo hoa dâu...

Trong cuộc sống, có nhiều thứ cứ mất dần đi, kể cả những điều tốt đẹp, nhiều khi ta thấy hối tiếc.

Anh trai tôi, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, đã từng có một bài báo nổi tiếng với nhan đề "Bao giờ cho đến... ngày xưa?". Riêng với bèo hoa dâu, có lẽ ta nên quay lại "ngày xưa".

Hiện nay, việc sản xuất không chỉ trông chờ vào năng suất, mà người ta quan tâm nhiều đến chất lượng. Việc dư thừa các chất khoáng trong sản phẩm là điều tối kỵ. Do đó, việc bón phân vô cơ cho cây trồng đang được theo dõi nghiêm ngặt, và tăng cường phân hữu cơ là điều được khuyến khích. Đưa bèo hoa dâu trở lại với ruộng lúa là việc làm rất đúng đắn mà bà con nên quan tâm.

Tôi còn nhớ, ngày xưa chúng tôi chỉ đạo rằng nếu ruộng lúa được phủ 3 lớp bèo hoa dâu thì hoàn toàn không cần bón thêm phân, lúa vẫn lên tốt và cho năng suất cao. Điều này càng phù hợp với xu hướng sản xuất mà cả thế giới hiện nay đang cổ vũ. Các nhà khoa học còn cho biết bèo hoa dâu có khả năng hấp thụ khí CO₂ cao gấp 4 lần so với cây rừng – thật tuyệt vời vì cả thế giới đang lo ngại về vấn đề này. Những cánh đồng lúa mênh mông của Việt Nam nếu được phủ kín bèo hoa dâu sẽ góp phần to lớn trong việc làm sạch bầu không khí cho trái đất. Bèo hoa dâu còn là nguồn thức ăn rất tốt cho vật nuôi. Ở một số nơi tiên tiến, bèo hoa dâu còn được dùng để chế tạo các loại dược liệu quý phục vụ cho con người.

Để giúp bà con quay lại với việc sản xuất bèo hoa dâu, tôi tìm tới Viện Thổ nhưỡng nông hóa. Đây là nơi mà ngành nông nghiệp đã phân công nghiên cứu về bèo hoa dâu cách đây hơn nửa thế kỷ. Họ có đầy đủ tư liệu về bèo hoa dâu. Các chuyên gia của viện đã viết ngay cho chúng tôi cuốn sách "Cách nuôi bèo hoa dâu" để bổ sung vào bộ sách "1001 cách làm ăn" mà Nhà xuất bản Nông nghiệp đang phát hành.

Xin bà con hãy đọc sách, nghiên cứu và sớm đưa bèo hoa dâu trở lại với đồng ruộng. Một chân trời mới sẽ mở ra trên ruộng đồng Việt Nam.

Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân: Hãy quay lại với bèo hoa dâu! (Bài cuối) - Ảnh 5.