Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong dự luật, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm, từ 1 – 5 tuổi. Cụ thể cấp úy lên 50 tuổi, Thiếu tá 52, Trung tá 54, Thượng tá 56, Đại tá 58 và cấp Tướng là 60.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc tăng tuổi như trên sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ BHXH dài hạn.
Bên cạnh đó, ông đề nghị rà soát để xem xét tăng thêm tuổi đối với cấp Đại tá và cấp Tướng nhằm bảo đảm thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động.
"Số lượng cấp Đại tá và cấp Tướng chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số. Trong khi đó, đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sỹ quan này trong thời bình hiện nay", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Dự thảo luật cũng quy định, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định không quá 5 năm.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), quy định như trên có thể dẫn đến trường hợp chưa đến trần hoặc vượt trần tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động. Do đó, nên xác định theo hướng cho kéo dài tuổi nhưng không quá 62 với nam, 60 với nữ và giao Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể.
Tương tự, nội dung "Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng", theo ông Tô Văn Tám cần rõ "kéo dài hơn" là bao lâu.
Tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tiếp thu và báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có thể quyết định sửa luật, quân hàm Trung tướng trở xuống giao cho Chính phủ quyết định.
Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, nếu quân hàm cấp uý nghỉ hưu trước quy định là 46 tuổi nay nâng lên 50 tuổi. Các sĩ quan ra trường thường sau khoảng 10 đến 12 năm phải lên đến Đại úy.
"Chúng tôi quy định quân hàm cấp đại đội phó trở xuống kịch là quân hàm Đại úy, nếu công tác đến 50 tuổi, nghĩa là công tác trong quân đội tính từ 18 tuổi anh đã 30 năm có lẻ mà lên đến Đại úy tôi cho là năng lực cũng phải xem lại.
Sự phấn đấu cần quyết liệt hơn nên tuổi cấp đại úy để nghỉ hưu cơ bản là không có nhưng vẫn phải quy định để khi có trường hợp nào trong thực tiễn chúng ta còn xử lý", ông Giang nói.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng, Quân đội trong thời bình có những lực lượng cường độ lao động đặc biệt nhưng có thể nâng tuổi lên được để đáp ứng. Luật này là chung cho tất cả các sĩ quan, nếu luật quy định cho một vài loại hình sĩ quan hoặc một loại đối tượng sĩ quan thì "rất khó".
"Chúng tôi có rất nhiều loại sĩ quan, sĩ quan chỉ huy, sĩ quan chính trị, sĩ quan hậu cần, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật và một số loại sĩ quan khác như các đồng chí nói về lực lượng gìn giữ hòa bình. Quan điểm của chúng tôi vẫn phải nuôi quân 3 năm và sử dụng có 1 giờ cho nên thời bình cũng phải rèn quân làm sao để đến khi có tình huống thì phải xử lý được, nếu chúng ta lơi lỏng đến lúc có tình huống không xử lý được thì rất khó, cường độ thì phải ngày càng cao, nếu cường độ không tăng lên thì rõ ràng không đáp ứng được.
Từ các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy chúng ta cần phải có yêu cầu đòi hỏi cao hơn với quân đội, nhất là về chuyên môn, kỹ thuật", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.