Dân Việt

Một nơi ở Đồng Tháp, hóa ra trái đặc sản ở đây là một loại quả dại tha la kênh nước nổi, bán hết veo

Phúc Hiền 06/11/2024 13:36 GMT+7
Đến với huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) nhiều người không chỉ ấn tượng với những loại đặc sản như: nem, quýt hồng mà còn cảm thấy thú vị với hình ảnh trái cà na-một loại quả dại vào mùa nước nổi.

Đến với huyện Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp, nhiều người không chỉ ấn tượng với những loại đặc sản như: nem, quýt hồng mà còn cảm thấy thú vị với hình ảnh trái cà na vào mùa nước nổi.

img

 Chú Phan Văn Năm, nông dân xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp (bên phải) dẫn khách tham quan vườn cà na.

Xã Long Thắng là một trong những địa phương trồng nhiều cà na của huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), trong đó có vườn cà na Thái của vợ chồng chú Phan Văn Năm (trồng được 7 năm tuổi). 

Nhờ đất tốt, am hiểu kỹ thuật trồng cây nên vườn cây cà na phát triển nhanh và cho sản lượng trái rất sai. 

Mặc dù hơn 1 tháng nay, vườn cây cà na ngập trong nước nhưng vẫn sinh trưởng tốt. 

Khi cây cà na Thái chớm bông, đậu nhụy, chú Năm sẽ xịt thuốc và để trái, đợi khi trái chín mới hái chứ không hái sớm.

Trung bình, một cây cà na lớn, chú Năm thu hoạch từ 70 - 150kg trái, còn các cây nhỏ, chú thu hoạch 30kg/cây.

img

 Trái cà na chín, gia đình chú Phan Văn Năm, nông dân xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp rửa sạch, phơi nắng theo cách thủ công để chuẩn bị cho khâu chế biến thành các món ăn.

Cây cà na phát triển tốt trên quê hương Long Thắng, được chế biến thành món đặc sản không thể bỏ qua khi đến với địa phương này. 

Trái cà na khi chín tự rụng, mỗi buổi sáng, chỉ cần một cây vợt nhỏ, vài chiếc sọt, ra vườn vớt trái, sau đó đem vào chế biến. 

Bà Nguyễn Thị Út (ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) mỗi ngày cùng người thân vớt cà na chín. Trái cà na được rửa sạch rồi phơi nắng, sau đó đem ủ với rượu trong 3 tháng cho lên men là có thể sử dụng.

img

 Trái cà na chín được mang đi ngâm rượu.

Nếu cách đây chục năm, thị trường ưa chuộng trái cà na sống bởi có thể chế biến nhiều món ăn như: cà na đâm, cà na ngâm đường phèn, cà na muối chua thì ngày nay bằng sự sáng tạo, khéo léo, gia đình chú Phan Văn Năm đã tận dụng nước cốt tiết ra từ trái cà na chín.

Đó là chú Năm chưng cất trái cà na chín cho ra sản phẩm rượu cà na, đây là loại rượu trái cây đậm chất miền Tây. 

Chú Phan Văn Năm chia sẻ: Trái cà na chín đem ngâm rượu cho ra nước cốt rất ngon, bán ra thị trường có lợi nhuận cao hơn trái cà na sống và được khách hàng ưa chuộng. 

Sản phẩm trái cà na ngâm rượu tiêu thụ ở TP Sa Đéc và các tỉnh: Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Trái cà na và rượu cà na xã Long Thắng đã nâng cao giá trị, trở thành đặc sản của địa phương.