Dân Việt

Nuôi loài cá thịt nạc, giàu protein, đã thế còn "nhất dáng nhì da", nông dân Thái Bình bán 62.000 đồng/kg

Nguyễn Triệu 07/11/2024 05:36 GMT+7
Tận dụng diện tích ao trước cửa nhà và ruộng cấy lúa kém hiệu quả, gia đình ông Bùi Văn Vương, thôn Cam Hòa, xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi để triển khai mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao.

Tận dụng diện tích ao trước cửa nhà và ruộng cấy lúa kém hiệu quả, gia đình ông Bùi Văn Vương, thôn Cam Hòa, xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi để triển khai mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao.

Về thăm mô hình của gia đình ông Vương, chúng tôi rất bất ngờ khi hệ thống ao nuôi cá lóc bông được ông bố trí rất khoa học. 

Theo ông Vương, trước đây gia đình chủ yếu cấy lúa, trồng rau màu như nhiều hộ trong thôn. Thế nhưng do hiệu quả kinh tế không cao nên ông bắt đầu tự tìm hiểu, học hỏi cách nuôi cá lóc bông. 

Ông chia sẻ: Năm 2018, tôi đầu tư để cải tạo 3 ao truyền thống rộng gần 500m2 và chuyển đổi gần 1.000m2 ruộng để làm ao nổi nuôi cá lóc bông. 

Việc nuôi cá lóc bông trên ao nổi rất phù hợp với gia đình tôi. Dù vị trí ao nuôi không gần sông nhưng có thể nuôi cá bằng nước giếng khoan. 

Tôi nhập cá giống từ miền Nam về để nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu, tôi vừa tự học trên sách báo vừa đến từng hộ nuôi cá ở ven sông để học hỏi thêm kinh nghiệm. Do chưa nắm bắt được kỹ thuật nên không ít lần thất bại, cá chết nhiều không rõ nguyên nhân. Khi ấy dù rất nản nhưng tôi vẫn quyết tâm tìm cách khắc phục và làm lại từ đầu.

img

Mô hình nuôi cá lóc bông của ông Bùi Văn Vương (người bên trái), nông dân thôn Cam Hòa, xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho hiệu quả kinh tế cao.

Thay vì sử dụng cá biển tươi làm thức ăn cho cá, ông Vương đầu tư nuôi cá chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp.

Theo ông, mặc dù giá thức ăn cao nhưng cá ít mắc các loại bệnh, thịt cá sẽ thơm ngon hơn và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. 

Sau 5 năm triển khai mô hình, ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm nuôi cá lóc bông.

Ông nhận thấy việc xử lý nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của mô hình.
Ông Bùi Văn Vương cũng cẩn thận ghi chép tình hình sức khỏe, mức độ ăn cho cá để đưa ra biện pháp kiểm soát, xử lý kịp thời. 

Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức để áp dụng.

Ông Vương cho biết thêm: Tôi nuôi cá với mật độ dày, khoảng 40 con/ m2, mực nước trong ao chỉ khoảng 1,5m. 

Nhờ làm chủ được kỹ thuật nuôi cá nên các ao cá phát triển tốt. Sau 1 năm nuôi sẽ xuất bán cá thương phẩm với cân nặng từ 1,8 - 2kg/con.

Năm 2023, tôi xuất bán được 25 tấn cá với giá cá lóc bông là 61.000 - 62.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Trong tháng 9/2024, tôi đã xuất bán được khoảng 11 tấn cá và sẽ tiếp tục bán lượng lớn cá từ nay đến cuối năm. 

Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, ông Vương cho biết sẽ đầu tư 2 tỷ đồng để mở rộng sản xuất và mong muốn các cấp Hội Nông dân và các tổ chức liên quan sẽ đồng hành, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đồng thời có giải pháp bình ổn giá vật tư, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ đầu ra để ông và các hộ nuôi cá lóc bông yên tâm sản xuất.

Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Xã Thụy Liên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có lợi thế nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ với diện tích 15ha. 

Nhiều mô hình chuyển đổi đang được quan tâm đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá lóc bông, trắm đen, cá vược, cá hói, tôm sú. Trong đó, toàn xã có 12 hộ đang phát triển mô hình nuôi cá lóc bông. 

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ông Vương và các hội viên duy trì sản xuất, nâng cao thu nhập; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên học tập, làm theo mô hình của ông Vương. 

Qua các mô hình từng bước cải thiện đời sống của nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.