Câu cá vược đỏ hay còn gọi là cá răng chó ở chân kè đá nơi sông Hồng đổ ra biển ở Thái Bình
Câu loài cá vược đỏ hay còn gọi là cá răng chó ở chân kè đá nơi sông Hồng đổ ra biển ở Thái Bình
Thứ ba, ngày 08/11/2022 05:19 AM (GMT+7)
Những con cá vược tự nhiên to khỏe với màu sắc đỏ, hồng bắt mắt còn được dân câu gọi là cá răng chó, bởi chúng có hàm răng nhìn dữ tợn, chắc khỏe của loài cá săn mồi.
Những ngày này, đặc biệt vào dịp cuối tuần, đoạn kè đá trên tuyến đê tả Hồng Hà chạy qua các xã Nam Hải, Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) luôn kín bóng người câu cá.
Từ dân câu chuyên nghiệp đến những người mới câu cá chưa lâu, từ người dân địa phương đến người ở xã khác trong huyện, rồi cả dân câu ở tận thành phố cách hơn 30 km cũng cất công lặn lội xuống tận đây để đi săn cá vược đỏ.
Khu vực này là nơi cuối cùng sông Hồng đổ ra hòa vào biển cả mênh mông, bát ngát, bờ bên kia là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Vì có nguồn phù sa sông, lại có cả vị mặn mòi cửa biển nên tôm cá ở đây luôn rất dồi dào, chất lượng lại thơm ngon.
Từ loài cá tráp vây vàng, tráp vây đen đến cá úc, cá đối, cá mòi, cá đù, cá lành canh hay tôm, cua đánh bắt được ở đoạn sông này đều luôn béo múp, thịt rất chắc và dai. Duy có loài cá vược đỏ, rất ít khi bị dân chài lưới bắt được vì chúng quá khôn, thường sống trong các hang hốc, gầm đá chìm sâu dưới chân kè đá.
Muốn thu phục được loại này, đến nay chỉ có dân câu mới nghĩ ra cách hữu hiệu.
Năm nào cũng vậy, từ khoảng cuối thu, đầu đông trở đi, khi nước trong các sông nội đồng dần cạn nước, bước vào mùa hanh khô, lúc này nước biển được dịp lấn áp, càng dấn sâu hơn về phía sông Hồng. Đó cũng là lúc dân câu lại chuẩn bị đồ nghề để mang ra săn cá vược đỏ.
"Muốn câu được nó quả không dễ dàng gì. Cần câu phải dài từ 5 - 6 mét, dây câu phải là dây dù chắc khỏe, chứ cước là nó cho đứt ngay lập tức. Buộc chì vào đầu giây, rồi nối thêm cái đoạn thẻo buộc móc. Mắc mồi sống vào và quăng ra cách bờ kè chục mét.
Cứ ngâm vậy rồi đợi nó vào vồ mồi, tha cần đi. Nhớ là gốc cần phải có dây buộc bảo hiểm, không là mất thật với nó ngay. Bao nhiêu người chủ quan không buộc dây giữ cần, hoặc buộc không chắc nên đã bị mất rồi", ông Khôi - một người dân xã Nam Hồng có nhiều năm kinh nghiệm săn cá vược đỏ, cho hay.
Khó như săn loài cá... răng chó
Vược đỏ còn được đặt biệt danh là cá răng chó vì có hàm răng dài, chắc khỏe và có sức cắn rất hung bạo. Thế nên, loài cá này được biết đến là tay săn mồi thứ thiệt, là kẻ thù của các loài cá nhỏ hơn. Thường chúng ăn chìm, chỉ sống rúc trong hầm đá, rọ đá, khi nước sông theo thủy triều lên đẫy, bắt đầu ròng cũng là lúc loài cá răng chó này chui ra khỏi hang, đi săn mồi nhiều nhất.
Có nhiều loại mồi đã được dân câu dùng để dụ cá vược đỏ, từ tôm sống, cá chạch sống, cá đối sống... thế nhưng kinh nghiệm cho thấy nhạy nhất và khiến con mồi ưa thích nhất vẫn là cá diếc, cá chép loại nhỏ vừa còn sống.
Bằng cách nào đó, người đi câu chuẩn bị, tìm kiếm chục con cá diếc, hoặc cá chép to từ 2 đến 3 đầu ngón tay, còn sống, bơi khỏe từ trong đồng. Sau đó, dùng loại lưỡi câu to, chắc chắn nhất móc vào phần lưng hoặc đuôi con cá diếc, chép sống này rồi quăng xuống sông. Khi con mồi được ném xuống, vì bị đau nên nó cựa mình tìm cách thoát ra, đúng lúc cá vược đỏ đi săn mồi nhìn thấy thì chắc chắn nó sẽ táp mồi.
Cá vược đỏ sẽ chỉ táp 1 lần duy nhất, há cái miệng rộng và hàm răng chắc khỏe ngoạm cả lấy con cá mồi rồi quẫy đuôi bỏ chạy. Lúc này, cần câu trên bờ sẽ bị nó lôi gập xuống mặt sông. Người câu nhanh chóng chạy lại, cởi dây buộc cần ra rồi kéo máy, lôi con cá lên bờ.
"Đâu phải nó cứ táp mồi, dính câu rồi thì mình sẽ chắc chắn bắt được nó đâu. Loài này tuy hung dữ nhưng khi bị dính câu nó lại rất nhát, theo phản xạ nó sẽ hoảng loạn, tìm hang hốc, rọ đá gần nhất cứ thế chui, rúc xuống. Lúc này anh phải vừa ghì khỏe để nó không kéo theo dây câu rúc vào rọ đá, nếu không là mất ngay, không tài nào lôi lên được. Một mặt vẫn phải khéo léo lựa để nó không quẫy bung mất móc câu ra khỏi miệng. Nó khỏe vô cùng, một con cá khoảng hơn 2 kg thôi mà sức ghì, sức kéo của nó phải bằng con cá chim 7 - 8 kg ở trong ao, đầm", ông Khôi kể thêm.
Bởi khó câu là vậy nên số lượng cá vược đỏ bị dính câu, đưa lên đến bờ không nhiều. Nhưng câu được con vược đỏ to luôn là mơ ước của mọi cần thủ khi xách cần câu ra khúc cửa sông Hồng đổ ra biển này. Vậy nên, sẽ chẳng ai bán đi con cá vược đỏ mình vừa câu được, dù có được trả 500 nghìn đồng hay 1 triệu đồng một con.
Và cũng bởi vậy, cá vược đỏ tự nhiên gần như không bao giờ có bán ở chợ, các nhà hàng hải sản, điểm thu mua hải sản cũng họa hoằn lắm mới có một vài con, dù khách có tiền nhưng chưa chắc đã được thưởng thức con cá vược đỏ sông Hồng. Loại cá này rất béo, chắc, thịt trắng phau, dù hấp hay nướng, làm gỏi chấm mù tạt cùng đều ngon hết nước chấm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.