Dân Việt

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới

Trương Hồng 08/11/2024 13:23 GMT+7
Sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với sự đoàn kết, quyết tâm cao, sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, Đại Lộc đang phấn đấu về đích huyện NTM vào năm 2025.

Đổi mới diện mạo nông thôn

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: "12 năm qua, từ nguồn đầu tư hỗ trợ trực tiếp của Chương trình xây dựng NTM, lồng ghép từ các chương trình, dự án, huy động nguồn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác, các địa phương trên toàn huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 1.

Diện mạo nông thôn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngày càng "thay da đổi thịt". Ảnh: T.H.

Đây được xem là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân. Cùng với đó, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của người dân nên được huyện Đại Lộc chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện".

Đến nay, toàn huyện có trên 218,753km đường trục xã; 207,203km đường trục thôn và 225,91km đường giao thông nội đồng được xây dựng đạt chuẩn. Đầu tư xây mới 10 trạm bơm điện; sửa chữa, nâng cấp 18 công trình thủy lợi nhỏ; xây dựng 29 công trình điện thủy lợi hóa đất màu; kiên cố hóa 72,4km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất; đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn với tổng nguồn vốn đầu tư là 72,57 tỷ đồng.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 2.

Trường học tại các xã của huyện Đại Lộc được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: T.H.

Trường học các cấp từng bước được xây dựng đạt chuẩn Quốc gia và xã hội hoá. Cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế, chợ nông thôn được quan tâm xây dựng và nâng cấp. Sự đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng nông thôn đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, an ninh – trật tự xã hội được giữ vững, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 3.

Một góc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Tính đến nay, huyện Đại Lộc có 15/17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, xã Đại Hiệp đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2020, xã Đại Quang đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện là 314 tiêu chí, bình quân một xã đạt 18,47 tiêu chí. UBND huyện đã công nhận 28 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu.

Phát huy thế mạnh nông nghiệp

Ông Trần Việt Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho hay: "Xác định đích đến cuối cùng của Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất – tinh thần của người dân, huyện Đại Lộc chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phù hợp từng địa phương. Đồng thời hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, thành lập các tổ liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, mở các lớp tập huấn, vận động người dân học nghề, giải quyết việc làm...".

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 4.

Vùng sản xuất gạo an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: T.N.

Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, huyện Đại Lộc phát triển và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả mang lại thu nhập ổn định cho người dân như: mô hình nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi cá chình bằng hệ thống lọc tuần hoàn, nuôi bò vỗ béo, trồng cây ăn quả, kinh tế vườn đồi.

Đặc biệt, huyện tập trung quy hoạch các vùng sản xuất lúa giống, vùng sản xuất rau an toàn và đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch tích tụ ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng nhằm thúc đẩy hình thành vùng cây chuyên canh tập trung như: trồng thuốc lá, ớt lai xuất khẩu, đậu xanh giống, rau các loại, trồng chuối liên vườn.... Phấn đấu đến năm 2025, diện tích liên kết sản xuất trên địa bàn huyện đạt 50% trở lên, sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt đạt 30%.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 5.

Sản phẩm Bánh tráng Đại Lộc của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Bên cạnh đó, huyện Đại Lộc hỗ trợ và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại) sản xuất theo quy mô lớn, tập trung và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, địa phương còn chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững; phát triển lâm sản ngoài gỗ. Những tác động tích cực trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện, giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,41% năm 2010 xuống còn 1,35% năm 2023 (giảm 18,06%).

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 6.

Làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc) có diện tích 20ha với hơn 200 hộ chuyên canh các loại rau ăn lá phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Quảng Nam: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, Đại Lộc tăng tốc hướng đến huyện nông thôn mới- Ảnh 7.

"Để hoàn thành mục tiêu huyện Đại Lộc đạt chuẩn NTM vào năm 2025, địa phương sẽ tiếp tục triển khai xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững", ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhận định.