Dân Việt

Dự báo xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Mỹ sau khi ông Trump làm Tổng thống: Nhiều loại trái cây sẽ bùng nổ?

Nguyễn Phương 07/11/2024 14:24 GMT+7
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Mỹ được các chuyên gia dự báo sẽ vẫn tích cực dù cho hàng rào kỹ thuật, thuế quan và tỷ giá có thể thay đổi khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới. Dự báo, nhiều loại trái cây sẽ bùng nổ xuất khẩu vào Mỹ thời gian tới.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam chiếm 10% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ

Mỹ là quốc gia sản xuất nông sản lớn, nhưng đồng thời cũng là quốc gia tiêu dùng và nhập khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Với dân số 338 triệu người, hằng năm Mỹ nhập khẩu trên 200 tỷ USD các loại nông, lâm, thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước. Các sản phẩm nông sản Mỹ nhập khẩu lớn là cà phê, ca cao, rau quả tươi và chế biến, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Mỹ thường mang lại giá trị cao hơn nhiều so với thị trường khác. Thực tế, Mỹ nằm trong nhóm thị trường lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành nông sản nói chung. Việt Nam xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Mỹ hiện chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, đồng thời chiếm gần 10% giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Mỹ.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ hiện nay là: Thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều... Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu vừa phải nhưng tăng trưởng xuất khẩu lớn là rau quả, hạt tiêu, gạo, cà phê.

Mỹ cũng mở cửa cho nhiều sản phẩm của Việt Nam gồm thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài và bưởi. Gần đây nhất là năm ngoái, Mỹ đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp để phê duyệt việc nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam. Và Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin về việc Mỹ đã mở cửa thị trường đối với quả dừa tươi Việt Nam.

Xuất khẩu nông sản Việt vào Mỹ ra sao khi ông Trump làm tổng thống? - Ảnh 1.

Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gửi thư tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin về việc Mỹ đã mở cửa thị trường đối với quả dừa tươi Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: "Thực tế xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam hiện nay cho thấy, ông Trump lên làm tổng thống Mỹ không gây nhiều quan ngại cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam như nhiều người lo ngại. Dư địa xuất khẩu nông sản của Việt Nam không giảm sút khi ông Trump làm tổng thống".

Theo ông Phong, hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa phải vấn đề lớn trong chính sách thương mại của ông Trump, càng không gây căng thẳng như với Liên minh châu Âu (EU) hay Trung Quốc. Với EU, Mỹ còn đang áp thẻ vàng, thẻ xanh, còn nông sản Việt không bị áp gì cả. Vấn đề của nông sản Việt Nam chỉ là về xuất xứ. Phía Mỹ quan ngại về xuất xứ để nhằm chống lạm dụng ở hàng hóa của Việt Nam, do đó, hàng nông sản Việt xuất sang Mỹ có thể nói còn "êm" hơn so với nhiều nước và khu vực trên thế giới.

Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cũng phân tích: Ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ đã hứa sẽ làm cho nước Mỹ "vĩ đại trở lại", hứa "làm cho nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trở lại". Dù làm theo cách gì và như thế nào thì cũng đều có tác động hai mặt với xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng của Việt Nam sang Mỹ.

Theo TS Lê Đăng Doanh, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ thêm khó ở khía cạnh là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam vào Mỹ có thể bị kiện cáo nhiều lên, vì ông Trump có quan điểm ủng hộ các vụ kiện nhằm bảo hộ cho sản xuất của nước Mỹ. Thời gian qua, không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bị vướng vào các vụ kiện như mật ong, thủy sản, tôm, cá... Tranh chấp thương mại diễn ra sẽ gây khó khăn cho hàng nông sản của Việt Nam khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Mặc dù vậy, ông Doanh cũng lạc quan cho rằng, nhìn về chiến lược, ông Trump vẫn muốn hợp tác nhiều hơn với Việt Nam để đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Cho đến nay, kinh tế Việt Nam và Mỹ vẫn ít có sự cạnh tranh, càng không có sự đối đầu. Do vậy, cái gì Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiệu quả hơn, giá rẻ hơn, thì Mỹ sẵn sàng bổ sung. Thị trường hai phía sẽ bổ trợ cho nhau là chủ yếu, không có sự cạnh tranh mang tính chiến lược nào, nên có thể khó là ở chiến thuật, còn về chiến lược là rất tốt.

Hợp tác để chế biến sâu thay vì mãi xuất khẩu nông sản thô

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, không phải vì lý do ông Trump lên làm Tổng thống, xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới cần thay đổi, mà từ lâu giải pháp căn cơ cho nông sản Việt xuất sang Mỹ vẫn là phải tăng cường hợp tác, kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp của Mỹ để chế biến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sâu hơn, thay vì chỉ xuất thô như hiện nay.

"Nông thủy sản Việt chế biến sâu theo đúng khẩu vị của thị trường Mỹ sẽ khiến hàng của chúng ta có lợi thế lớn hơn, giảm bớt được các lý do để phía Mỹ kiện tụng và áp thuế hàng hóa của ta cao lên"-ông Doanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Ngô Tường Vi, CEO Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ cũng cho rằng, với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam phải cùng nhau xây dựng chiến lược để khai thác tốt thị trường này, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự tiện lợi để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ, cũng là tạo được lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.

"Chúng ta cần lập tức cải thiện chuỗi liên kết hiện nay. Tôi luôn mong muốn tập hợp được các doanh nghiệp khác để cùng nhau làm điều này. Bởi vì khi chúng ta bước vào được những chuỗi hệ thống bán lẻ của các tập đoàn hàng đầu của Mỹ thì thị trường của chúng ta không phải chỉ riêng Mỹ nữa mà sẽ là thị trường toàn cầu", bà Tường Vi nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Chế Biến Dừa Lương Quới (có thương hiệu Vietcoco) Nguyễn Trường Thịnh thì khẳng định: Ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ hay ai cũng vậy đều sẽ mở ra nhiều cơ hội vì Việt Nam là đối tác kinh tế tiềm năng và luôn được ủng hộ từ Mỹ. Hiện Mỹ là thị trường chiếm trên 60% doanh thu của Dừa Lương Quới và sản phẩm dừa của Việt Nam đang có sức cạnh tranh lớn ở khu vực. "Ông Trump đắc cử, chúng tôi chỉ kỳ vọng Chính phủ tiếp tục tìm cách duy trì sự cân bằng về tỷ giá VND so với tiền tệ các nước và cân bằng cho các doanh nghiệp xuất khẩu", ông Thịnh nói.

Xuất khẩu nông sản Việt vào Mỹ ra sao khi ông Trump làm tổng thống? - Ảnh 2.

"Nông thủy sản Việt chế biến sâu theo đúng khẩu vị của thị trường Mỹ sẽ khiến hàng của chúng ta có lợi thế lớn hơn, giảm bớt được các lý do để phía Mỹ kiện tụng và áp thuế hàng hóa của ta cao lên"-ông Doanh nói.

Thực tế, Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (năm 2023 Việt Nam xuất siêu 83 tỷ USD). Trong 9 tháng năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 89 tỷ USD, tăng gần 26%, nâng giá trị xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ khoảng 78,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Những doanh nghiệp được hưởng lợi khi ông Trump nắm quyền là các doanh nghiệp xuất khẩu có chứng minh xuất xứ nguồn gốc, mà trong đó nhóm nông sản được cho là có lợi thế lớn.

Tuy thị trường tiêu dùng Mỹ có nhiều dấu hiệu lạc quan nhưng các doanh nghiệp đang xuất hàng qua Mỹ vẫn không khỏi e ngại. Bởi trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã công bố chủ trương sẽ tăng thuế nhập khẩu và có phần quyết liệt hơn khi ban đầu đề xuất đánh thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ nước nào, sau đó lại nâng lên mức 20%.

Mặc dù có lo lắng như vậy song theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Việt Nam là một trong 3 quốc gia trên thế giới có mối liên kết chặt chẽ nhất với Mỹ về mặt kinh tế, chỉ đứng sau Canada và Mexico. Do đó, nếu kinh tế Mỹ tốt hơn khi ông Trump làm tổng thống sẽ kéo theo mức tiêu dùng của Mỹ phát triển mạnh mẽ, điều này cũng đồng nghĩa sẽ thúc đẩy sự phục hồi của xuất khẩu, sản xuất và tăng trưởng GDP của Việt Nam. 

Tiêu dùng tại Mỹ vẫn duy trì phục hồi rất tốt trong năm 2024 dù Fed đã tăng lãi suất kỷ lục. Nhu cầu mạnh đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ mức giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2023 lên mức tăng 24% trong 7 tháng đầu năm 2024 và tiếp tục tăng lên trong 9 và 10 tháng của năm nay. Theo ông Phong, việc áp đặt thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ không làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam.

Ông Phong khẳng định không nên quá lo lắng về kịch bản tăng thuế trên diện rộng, dù ông Trump thắng cử, lý do là bởi lạm phát là vấn đề lớn với nước Mỹ, Tổng thống Mỹ sẽ phải cẩn trọng với vấn đề đó. Ông Trump có thể không mạnh tay về thuế, nhưng có khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, kinh tế Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn, vì có thể thích ứng được với mức thay đổi tỷ giá khoảng 10-20%.

Quan điểm của ông Donald Trump là muốn can thiệp vào chính sách tiền tệ của Fed, ông Trump đồng thời là người ủng hộ cho việc giảm mạnh lãi suất cơ bản đồng USD. Điểm lợi là dưới thời ông Trump, kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi rất mạnh nhờ vào quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ.

Khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn, với vị thế một trong những nước xuất khẩu nhiều hàng hóa nhất vào Mỹ, Việt Nam sẽ hưởng lợi. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản có thể sẽ là nhóm hưởng lợi lớn nhất, ngoài ra là ngành logistics…

Tuy nhiên cũng cần cẩn trọng với kịch bản thuế quan sẽ tăng mạnh dưới thời ông Trump, một số nước có tỷ trọng xuất khẩu cao như Việt Nam cũng sẽ có ảnh hưởng ở mức độ nhất định. Mức độ tác động đến đâu thì còn tùy thuộc vào mức thuế suất sau này. Tỷ giá tăng lên sẽ gây khó khăn vì chúng ta còn nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu cho sản xuất và chế biến là phải trả bằng đồng USD.

Theo số liệu thống kê của Bộ NNPTNT, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 8,58 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, với các mặt hàng chủ lực như gỗ, thủy sản, hạt điều...

Mặc dù thực phẩm Việt Nam đã có mặt rộng rãi trên nhiều thị trường quốc tế và năng lực xuất khẩu ngày càng được nâng cao, tuy nhiên, để xâm nhập rộng rãi vào thị trường Mỹ là vấn đề thử thách với doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, đóng bao lớn và không nhãn mác. Từ đó, doanh nghiệp các nước nhập khẩu về rồi chế biến sâu, hoặc đóng nhãn mác của các nước này.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ông Trump hay ai lên làm tổng thống Mỹ cũng vậy, thị trường Mỹ vẫn luộn là thị trường lớn cần quan tâm nhất bởi sức tiêu thụ của người dân Mỹ rất lớn. Doanh nghiệp Việt có thể chinh phục được thị trường này là điều không dễ dàng. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang Mỹ cần chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, và các hoạt động sơ chế, chế biến cùng với chiến lược xúc tiến thương mại có bài bản để tránh các tác động tiêu cực nếu có…

Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy một số sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của mình sang Mỹ như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, hạt tiêu; đồng thời tích cực mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi phân phối với các sản phẩm tiềm năng như cây công nghiệp, rau quả (Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Mỹ bao gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa), gạo, hàng thủ công mỹ nghệ...

Chuyên gia phân tích Chứng khoán Mirae Asset nêu quan điểm rằng, ông Trump lên nắm quyền sẽ tạo ra nhiều tác động và thay đổi lớn.

Với chính sách của ông Trump, Mirae Asset cho rằng Việt Nam có thể hưởng lợi dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do Mỹ đánh thuế cao các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng cũng sẽ gặp rủi ro từ các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ.

Cụ thể là việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác 10 - 20%, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do vậy, có khả năng ảnh hưởng bất lợi nếu Mỹ đánh thuế lên sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc được sản xuất tại nước thứ 3.