Dân Việt

Góc nhìn pháp lý vụ “ma men” đấm vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

T. Nam - K. Trinh 07/11/2024 20:01 GMT+7
Theo luật sư, người đấm vào mặt cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra nồng độ cồn có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

"Ma men" đấm vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Ngày 6/11, Công an TP Thuận An (Bình Dương) cho biết, đang tạm giữ hình sự V.Q.T (29 tuổi, ở TP.HCM), để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Cụ thể, V.Q.T vi phạm nồng độ cồn, sau đó đánh cảnh sát giao thông.

Trước đó, tối 5/11, Tổ công tác đặc biệt 171 của Công an tỉnh Bình Dương (gồm lực lượng CSGT, hình sự, ma túy, CSCĐ…) tuần tra trên quốc lộ 13, thuộc địa bàn TP Thuận An. Khi đến gần khu vực cầu Ông Bố (phường Bình Hòa, TP Thuận An), Tổ công tác phát hiện ô tô do V.Q.T điều khiển có dấu hiệu vi phạm giao thông nên yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.

Kết quả đo nồng độ cồn đối với V.Q.T vượt mức 0,4 mg/lít khí thở, lực lượng công an tiến hành kiểm tra hành chính, đồng thời yêu cầu V.Q.T mở cốp ô tô để kiểm tra.

Góc nhìn pháp lý vụ “ma men” đấm vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn- Ảnh 1.

Đối tượng V.Q.T (29 tuổi, ở TP.HCM) đấm vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: VOV.

Tuy nhiên, V.Q.T không chấp hành còn đánh vào mặt một chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ. Ngay sau đó, V.Q.T bị lực lượng công an khống chế, bàn giao cho Công an phường Bình Hòa củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định.

Vụ việc "ma men" đấm vào mặt CSGT sau đó được chuyển cho Công an TP Thuận An thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.

Hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý nghiêm khắc

Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tín Hải cho hay, hành vi đánh vào mặt CSGT không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn có biểu hiện chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ. 

Ngoài việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, hành vi của đối tượng có thể bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp cơ quan chức năng chứng minh là có tội, người vi phạm có thể đối diện với khung hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 7 năm tù.

Góc nhìn pháp lý vụ “ma men” đấm vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn- Ảnh 2.

Đối tượng V.Q.T (29 tuổi, ở TP.HCM), người đấm vào mặt CSGT khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Bình Dương.

Theo luật sư Huy, hành vi đấm vào mặt CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn còn có thể bị áp dụng đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp, cơ quan điều tra có đủ căn cứ xác minh hành vi của lái xe cấu thành tội Cố ý gây thương tích thì có thể đối tượng trên có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội này.

Việc quyết định hình phạt đối với đối tượng như thế nào sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.