Dân Việt

Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: HTX khốn đốn vì không xây được nhà xưởng, nhà kho

Quang Sung 02/12/2024 10:12 GMT+7
HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thành lập đã hơn 20 năm, chuyên trồng rau sạch. HTX này đứng trước nguy cơ giải thể vì không xin được giấy phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

LTS: 4 năm trước, TP.HCM từng thí điểm cho xây dựng công trình phụ trên đất nông nghiệp, nhưng bị yêu cầu tạm dừng vì không đảm bảo tính pháp lý. Tháng 10/2024, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 90 về việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

Trước yêu cầu phát triển nông nghiệp đô thị TP.HCM, việc cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Nó “cởi trói” cho người dân về việc xây dựng kho, bãi… đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nhiều nông dân tỏ ra đồng tình và phấn khởi với Quyết định số 90 của thành phố. Từ Quyết định này, họ sẽ mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Những nông dân, HTX, doanh nghiệp… rất mong muốn làm sao để Quyết định 90 được thực hiện thật sự hiệu quả và sớm có tác động đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại TP.HCM.

“Mở đường” xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nhưng bất thành

Trong quá trình phát triển nông nghiệp đô thị, TP.HCM nhận thấy cần thiết phải cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Bởi muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn không thể thiếu các nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế, đóng gói…

Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: HTX nguy cơ giải thể vì không có đất xây nhà xưởng (bài 1) - Ảnh 1.

TP.HCM đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Q.S

Do đó, tháng 9/2020, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản số 3680 về việc thực hiện thí điểm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, áp dụng cho 3 huyện: Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Sau 1 năm ban hành văn bản, tại 3 huyện trên có 320 công trình được xây dựng thí điểm, trong đó riêng Củ Chi nhiều nhất có 267 công trình. Qua rà soát tại Bình Chánh và Hóc Môn (không thuộc địa bàn thí điểm) có hơn 1.100 trường hợp có nhu cầu xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng thời gian này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) "tuýt còi" văn bản 3680 của UBND TP.HCM. Lý do, đây là văn bản hành chính cá biệt, nhưng nội dung lại đưa ra các quy định có tính quy phạm pháp luật là việc bị nghiêm cấm. Từ đó, hoạt động xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM bị tạm dừng.

Những nỗ lực của Thành phố nhằm gỡ vướng, giúp người dân phát triển nông nghiệp bị “chặn đứng” sau 1 năm thí điểm. Từ đây, nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp… mất phương hướng trong việc định hướng mở rộng sản xuất.

HTX có nguy cơ giải thể 

Ông Trần Văn Thích là Giám đốc HTX rau Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM) được thành lập hơn 20 năm. Đây là 1 trong 7 HTX điển hình tiên tiến của Thành phố từ năm 2016. Thế nhưng, trong 2 năm qua, HTX của ông Thích không dám mở rộng sản xuất vì phải thuê đất để xây dựng văn phòng làm việc và nhà sơ chế đóng gói.

Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: HTX nguy cơ giải thể vì không có đất xây nhà xưởng (bài 1) - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Thích (giữa) là Giám đốc HTX rau Phước An đã thành lập hơn 20 năm. Ảnh: H.G

Chia sẻ với báo Dân Việt, ông Thích cho biết: “Hiện nay, HTX gặp nhiều khó khăn về thị trường. Các siêu thị cắt giảm lượng rau hàng. Trong khi đó, mỗi năm HTX phải đóng hơn 100 triệu tiền thuê đất. Như vậy, HTX làm coi như đủ trả tiền cho chủ đất, anh em xã viên không có lời”.

Để tối ưu lợi nhuận cho HTX, ông Thích muốn chuyển nhà xưởng và văn phòng về mảnh đất của nhà ông, thoát cảnh “ở nhà thuê”. Từ tháng 8/2023, ông đã gửi hồ sơ lên huyện để xin cấp phép xây dựng, đến bây giờ vẫn biệt vô âm tín.

“Đất nhà tôi là đất thổ vườn ổn định. Tôi gửi hồ sơ xin xây dựng một phần nhỏ trên đất này để phục vụ sản xuất cho HTX. Mình là HTX làm vì tập thể, vì cộng đồng chứ có phải tư nhân hay doanh nghiệp đâu mà sợ lợi dụng để xây dựng cái này, cái kia. Đường sá tôi đã đầu tư sửa chữa, điện, nước cũng đầy đủ chỉ chờ cấp phép là tôi xây dựng và hoạt động ngay”, ông Thích bộc bạch.

Cũng vì vướng quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nên những năm qua HTX rau thủy canh Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khó mở rộng sản xuất.

Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: HTX nguy cơ giải thể vì không có đất xây nhà xưởng (bài 1) - Ảnh 3.

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX rau thủy canh Tuấn Ngọc (thứ 3 từ trái sang) đang vận hành mô hình trồng rau thủy canh hiện đại bậc nhất TP.HCM. Ảnh: Q.D

Anh Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX rau thủy canh Tuấn Ngọc cho biết, mô hình trồng rau thủy canh cần xây dựng nhà màng, chi phí đầu tư khá lớn, do đó HTX cần chắc chắn được phép xây dựng mới mạnh dạn đầu tư và thời gian duy trì công trình phải trên 10 năm.

Anh Tuấn đánh giá, việc không xây dựng được công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khiến nhiều nông dân phải thuê kho ở xa, hoặc vận chuyển nông sản đến nơi sơ chế, làm phát sinh chi phí và gia tăng tỷ lệ hao hụt sản phẩm.

“Không có nơi bảo quản và sơ chế tại chỗ khiến sản phẩm không giữ được chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất cũng như lợi nhuận. Nhiều kế hoạch mở rộng sản xuất hoặc áp dụng công nghệ vào canh tác gặp khó khăn, vì không có nơi để bảo quản thiết bị và vật tư phục vụ sản xuất”, anh Tuấn nói.

Ông Thích và anh Tuấn đều là những nông dân “có tiếng” của TP.HCM. HTX họ đang vận hành có hàng chục thành viên. Những thay đổi dù là nhỏ nhất đều ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người nông dân.

Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp ở TP.HCM: HTX nguy cơ giải thể vì không có đất xây nhà xưởng (bài 1) - Ảnh 4.

Nông nghiệp TP.HCM rất cần những nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế nếu muốn làm nông nghiệp đô thị. Ảnh: Q.S

Đối với anh Tuấn, trong khi chờ đợi chính quyền giải quyết các vướng mắc, HTX của anh đang có xu hướng mở rộng sản xuất ra các tỉnh lân cận, nơi quỹ đất còn nhiều. Hiện nay, HTX đã có các trang trại tại Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận.

Trong khi đó đối với ông Thích, cũng vì trục trặc trong việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, HTX của ông đã bỏ lỡ cơ hội được các dự án của nước ngoài đầu tư. Cùng với những khó khăn về doanh thu, thị trường, chính sách hỗ trợ vốn… khó khăn về đất sản xuất đang làm ông Thích chùn bước.

“Khi được xây dựng trên đất của tôi, nếu mỗi năm có lãi thì chia cho xã viên, còn không có lãi thì tôi miễn phí tiền thuê đất. Nếu năm nay mà không giải quyết được việc này, có lẽ tôi giải thể HTX”, ông Thích buồn bã nói.

Còn tiếp: Ngày 23/10/2024 UBND TP.HCM đã có Quyết định mới nhất Quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, từ đây hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho nông dân, HTX và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Còn tiếp: Nông dân được "cởi trói"