Nông dân TP.HCM rộn ràng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP
Sản phẩm OCOP TP.HCM được khách hàng yêu thích, xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, châu Âu
Hồng Phúc - Thúy Liên
Thứ năm, ngày 07/11/2024 14:14 PM (GMT+7)
Sản phẩm OCOP của các huyện nông thôn mới TP.HCM đang được nông dân rộn ràng giới thiệu, chào bán tại Tuần lễ đặc sản, sản phẩm OCOP năm 2024. Nhiều nông dân bày tỏ niềm vui khi sản phẩm OCOP đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực, xuất khẩu thành công sang nhiều nước trên thế giới.
Tuần lễ đặc sản OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản năm 2024 do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức đang diễn ra tại Công viên Lê Thị Riêng, quận 10 và kéo dài đến cuối tuần này.
Sản phẩm OCOP TP.HCM được người tiêu dùng yêu thích
Gian hàng của HTX Rasafood (huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhộn nhịp khách đến mua rau ăn lá. Rau ăn lá là sản phẩm chủ lực của HTX này. Mỗi túi rau xanh khoảng 400g đang được bán đồng giá chỉ 10.000 đồng thu hút nhiều bà nội trợ. Rau được khách khen tươi ngon, giá tốt, có thêm chứng nhận OCOP nên rất yên tâm.
Ông Mai Văn Khánh - Giám đốc HTX Rasafood, cho biết sản phẩm cải thìa của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Thời gian qua, ông nhận thấy người người tiêu dùng ngày càng biết đến Chương trình OCOP nhiều hơn nên sản lượng rau đạt chứng nhận OCOP được tiêu thụ tăng cao.
“Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đăng ký OCOP cho các sản phẩm rau còn lại của HTX là cải ngọt, mồng tơi, rau dền, rau lang”, ông Khánh nói và cho biết thông qua các kênh quảng bá sản phẩm OCOP của TP.HCM, các chủ thể OCOP có nhiều cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Ngọc Hương - Phó Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) cũng không ngơi tay giới thiệu và mời khách dùng thử bột rau má uống liền của công ty.
Sản phẩm OCOP 4 sao này được nhiều khách thích thú vì “uống như rau má nguyên chất” và đặc biệt rất tiện lợi vì phù hợp với người bận rộn ở khu vực đô thị. Các sản phẩm bột rau sấy lạnh của chị Hương đã xuất khẩu sang châu Âu và nhiều nước trên thế giới.
Theo chị Hương, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và đánh giá cao các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Các sản phẩm OCOP tại TP.HCM với lợi thế ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, nghiên cứu sâu trước khi ra thị trường nên đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng cũng như các kênh phân phối bán lẻ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ cơ sở sản xuất yến sào Khánh Đan (huyện Cần Giờ) giới thiệu và cho khách dùng thử loạt sản phẩm đạt OCOP 4 sao như tổ yến chưng nguyên chất, tổ yến chưng nguyên chất vị đông trùng hạ thảo...
Chị Tuyền cho biết từ khi đạt chứng nhận OCOP, không chỉ người tiêu dùng tại TP.HCM mà sản phẩm còn được phân phối khắp toàn quốc, xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, sản phẩm còn được nhiều kênh phân phối chú ý, ký hợp đồng hay hợp tác phân phối độc quyền.
Chương trình OCOP đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP - One Commune One Product) là chương trình nhằm mục tiêu phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình OCOP được khởi xướng tại Nhật Bản từ năm 1979. Sau thành công của Nhật Bản, chương trình nhanh chóng lan rộng ra nhiều nước trên thế giới vì mục tiêu gia tăng thu nhập cho nông dân khu vực nông thôn, phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Tại TP.HCM, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019. Đây cũng là 1 trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm để TP.HCM hướng đến mục tiêu thực hiện hiệu quả và thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, TP.HCM có 191 sản phẩm của 67 chủ thể được đánh giá, công nhận đạt OCOP, trong đó có 79 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 112 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP của TP.HCM đã và đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là khi triển khai thành công nó sẽ giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.