TP.HCM cấp “thuốc” hạ nhiệt cơn sốt xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp cho nông dân
TP.HCM cấp “thuốc” hạ nhiệt cơn sốt xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp cho nông dân
Trần Đáng
Thứ bảy, ngày 26/10/2024 11:10 AM (GMT+7)
Việc TP.HCM vừa ban hành quyết định quy định việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp được ví như liều thuốc hạ nhiệt cơn sốt xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp của nông dân TP.
Nhiều tổ chức, cá nhân nông dân TP cho biết, sẽ chất vấn cơ quan chức năng về việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp tại Chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại cán bộ, hội viên, nông dân năm 2024, sắp tới.
Xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp vẫn "nóng rang"
Ông Nguyễn Minh Phúc (Chi hội nông dân, khu phố 1, phường Long Phước, TP.Thủ Đức) cho biết, ông là hội viên còn đất nông nghiệp nay muốn làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao về trồng rau, nuôi cá, trồng cây kiểng. Tuy nhiên, đất nông nghiệp đang sử dụng là đất trồng cây lâu năm, hiệu quả kinh tế thấp, gia đình ông muốn đầu tư nuôi trồng hoặc làm du lịch sinh thái.
"Để thực hiện mục tiêu này hiệu quả, tôi phải xây dựng các công trình phụ trợ, như nhà nấm, nhà lưới, nhà bạt, kho chứa vật tư hoặc đào ao nuôi cá… nhưng vướng pháp lý nên không xây dựng được", ông bộc bạch.
Trong khi đó, Hội Nông dân xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi thắc mắc, với quy định ở Điều 5 Thông tư 09/2021/TT/BTNMT về sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai việc xây dựng nhà kính trên đất nông nghiệp không bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất chỉ cần thông báo đến cơ quan có thẩm quyền về sự biến động này. Nhưng trên thực tế vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.
Hội Nông dân xã Bình Mỹ cho rằng, để người dân thuận lợi trong việc chuyển đối mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, UBND TP cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể vấn đề xây dựng nhà kính trên đất nông nghiệp.
Hội Nông dân P.Long Bình, TP.Thủ Đức cho biết, hiện nay, công tác xây dựng nông nhiệp đô thị trên địa bàn TP.Thủ Đức nói chung và phường Long Bình đang gặp nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu diện tích đất, đặc biệt là các cơ chế chính sách xây dựng công trình phục trợ trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất gặp khó khăn về pháp lý.
Hạ nhiệt "cơn sốt" xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp
Như đã nói, UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Quyết định này được ví như cơn mưa nặng hạt hạ "cơn sốt" xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để sản xuất của nông dân.
Quyết định về sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM, như lán, trại, kho để phục vụ sơ chế, bảo quản nông sản, chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động cho phép người sử dụng đất nông nghiệp có diện tích đất nông nghiệp của khu đất đang sử dụng từ 500m2 trở lên, bao gồm một thửa đất hoặc nhiều thửa đất liền kề của cùng một người sử dụng đất.
Tỷ lệ diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tối đa 1% tổng điện tích đất nông nghiệp nhưng không vượt quá 50m2.
Tuy nhiên, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp chỉ được xây dựng một tầng, chiều cao đỉnh mái tối đa 5m, không có tầng hầm, có kết cấu bán kiên cố (tường gạch hoặc tường vật liệu nhẹ; cột gạch hoặc cột thép, cột sắt; mái vật liệu nhẹ).
Đồng thời, chủ đầu tư chấp hành việc tháo dỡ không điều kiện và không được bồi thường khi hết thời gian tồn tại theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định hoặc cho đến khi thửa đất nông nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
Trước đó, tháng 9/2020, UBND TP đã ban hành văn bản 3680 về xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp và cho triển khai thí điểm tại 3 huyện Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ.
Qua rà soát đã có hơn ngàn trường hợp có nhu cầu xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, trong đó có hơn 300 trường hợp được phép xây dựng.
Theo văn bản này việc thí điểm được áp dụng đối với các công trình có quy mô nhỏ, từ 15m² trở xuống, không nhằm mục đích để ở.
Ngoài ra, các hạng mục lắp dựng bằng cấu kiện lắp ghép dễ tháo dỡ để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi; xây dựng công trình cấp IV (1 tầng, diện tích xây dựng dưới 1.000m², chiều cao công trình dưới 6m), mật độ xây dựng dưới 5% phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để người dân có thể xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ngay trên thửa đất của mình.
Tuy nhiên, sau khoảng 3 năm thí điểm triển khai xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp trên địa bàn, TP.HCM đã bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" và dừng triển khai cho đến nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.