Ngày 9/11, tại TP Hạ Long đã diễn ra phiên chính thức của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.
Theo báo cáo chính trị tại Đại hội, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 43 dân tộc cùng sinh sống, gồm dân tộc Kinh và 42 thành phần dân tộc thiểu số với 162.531 người. Trong đó, trên 13.500 người dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Quảng Ninh lao động, công tác, học tập.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ninh lần thứ III, nhiều cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS được triển khai, tạo sức bật mạnh mẽ khu vực này.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực DTTS, miền núi, biên giới đạt 73,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo và hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trên 90% số rác thải sinh hoạt của người dân tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được thu gom, xử lý theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. 100% các thôn trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động.
Bên cạnh đó, 100% các cơ sở y tế tuyến xã vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đều có bác sỹ; tỷ lệ đồng bào DTTS có BHYT đạt trên 98%. 100% đơn vị xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Giai đoạn 2019-2024 đã có 3.053 người DTTS được tham gia học nghề.
Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 55 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống của vùng DTTS, miền núi; 19 người DTTS được công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cũng đạt nhiều kết quả tiến bộ khi hiện toàn tỉnh có 15.867 đảng viên người DTTS.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2023 - 2025 cao gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương.
Trong giai đoạn 2024-2029, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách dân tộc để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách về mức sống với các vùng phát triển; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Cụ thể, Quảng Ninh phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng DTTS và miền núi đạt trên 150 triệu đồng/người/năm và lũy kế đến đến năm 2029 đạt khoảng 7.000 USD/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh; duy trì mỗi xã có ít nhất một mô hình phát triển sản xuất tập trung hoặc mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Tham luận tại Đại hội, các tập thể, cá nhân điển hình đã tập trung phân tích, đánh giá các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"; cách làm hay, tạo hiệu ứng lan tỏa trong thực hiện bảo vệ và chăm sóc rừng tự nhiên góp phần vào sự nghiệp phát triển rừng bền vững; đổi mới cách nghĩ, cách làm của người dân vùng DTTS trong thực hiện bảo tồn, giữ gìn phát huy bản sắc tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng...
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Đặc biệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào các DTTS đã chung sức, đồng lòng, thực hiện công cuộc đổi mới, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc.
Cùng với đó, Quảng Ninh cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, kết hợp phát triển KT-XH với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng biên giới; tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS, miền núi, nhất là ở các xã vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS...
"Tôi tin tưởng rằng tỉnh Quảng Ninh sẽ có những bước phát triển đột phá, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ninh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh, cùng nhau thực hiện thật tốt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ" - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh.
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, những thành tích mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các DTTS của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Những kết quả đó đã đóng góp rất tích cực, quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn 2019-2024.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: "Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển bền vững, và sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực, chủ động, với vai trò chủ thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc Quyết tâm thư của Đại hội đề ra, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc".
Tại Đại hội, 5 cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc"; 1 tập thể, 5 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; 28 tập thể và 44 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2024 được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.