Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk: Điểm sáng từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Phương Ngọc Thứ bảy, ngày 26/10/2024 07:11 AM (GMT+7)
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại sự chuyển mình rõ rệt cho nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Đắk Lắk.
Bình luận 0

Cơ giới hóa nông nghiệp được tăng cường

Sáng 25/10, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đại hội, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cùng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên.

Đòn bẩy nào đưa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vươn tầm phát triển? - Ảnh 1.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk lần thứ IV, năm 2024.

Giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 107 hộ với diện tích hơn 5 ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 468 hộ với diện tích hơn 194 ha; hỗ trợ 2.335 bồn nhựa chứa nước loại 500 lít cho các hộ dân tại các huyện: Lắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Bông, Krông Pắk.

Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận. Số lượng và tỷ lệ sử dụng phân bón hóa học giảm, phân bón hữu cơ tăng lên tương ứng.

Việc thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến, nhất là nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa nông nghiệp được tăng cường. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Đòn bẩy nào đưa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vươn tầm phát triển? - Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được xây dựng khang trang.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 176 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; có khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển 8 nhóm ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng số 13.969 cơ sở và 36.813 lao động tham gia...

Nông thôn mới giúp xã vùng sâu "thay da đổi thịt"

Thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 4 Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ trên 1.340 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng mới 157 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và duy tu bảo dưỡng 174 công trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lồng ghép với 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đòn bẩy nào đưa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vươn tầm phát triển? - Ảnh 3.

Hình thành nhiều vùng chuyên canh cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Đến nay, có 74,96% đường xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 65,97% đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn được cứng hóa; 58,9% đường ngõ xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.

Toàn tỉnh có 78 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đạt 79% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Hiện có 5 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, đạt 25% so với kế hoạch...

Những kết quả xây dựng nông thôn mới đã giúp cho nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có những bước chuyển mình tích cực. Đơn cử, xã Ea M'đroh (huyện Cư Mgar) nằm ở vùng sâu vùng xa với địa hình đồi núi. Toàn xã có 1.818 hộ dân, với tổng số 8.502 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 76%.

Đòn bẩy nào đưa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vươn tầm phát triển? - Ảnh 4.

Một trang trại chăn nuôi dê quy mô lớn tại xã Ea Kpam, huyện Cư Mgar.

Ông Triệu Sinh Minh, Trưởng thôn Đại Thành, xã Ea M'đroh, trước đây các con đường giao thông nông thôn trên địa bàn chủ yếu là đường đất. Vào mùa mưa, những con đường này trở nên trơn trượt, lầy lội, việc di chuyển của người dân, các phương tiện vô cùng gian nan. Việc tiêu thụ nông sản cũng là thách thức lớn với người dân địa phương nơi đây. Nhiều gia đình lặn lội chở nông sản đến địa phương khác cách khoảng 6-7km nhưng chỉ bán được với giá bèo bọt, chỉ hơn 3.000 đồng/kg bắp.

Những bất tiện về đường xá cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc đến việc học tập của học sinh trên địa bàn. Không ít hôm, trẻ đi học và trở về với thân hình lấm lem bùn đất vì bị té ngã xuống đường. Nhiều cháu nhỏ thường xuyên nghỉ học, đặc biệt là vào những ngày trời mưa.

Đến nay, những con đường nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy trước đây đã được thay thế bằng những tuyến đường bê tông. Bộ mặt nông thôn tại địa phương ngày càng "thay da đổi thịt".

Đòn bẩy nào đưa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk vươn tầm phát triển? - Ảnh 5.

Người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk chú trọng phát triển các cây trồng chủ lực.

Ông Minh lý giải: "Khi tuyến đường nông thôn mới được bê tông hóa kiên cố không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân ngày càng thuận lợi, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân địa phương. Người dân không phải vận chuyển nông sản đến địa phương khác bán như trước đây nữa mà bán ngay tại vườn, với giá cao. Từ đó, cuộc sống của bà con cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Được đi trên những con đường bê tông khang trang, học sinh trên địa bàn hào hứng đến trường mỗi ngày, thi đua nhau học tập và không còn tình trạng nghỉ học như trước đây nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem