Liên quan đến việc ảnh hưởng bảng giá đất mới, tại Hội thảo "Bảng giá đất mới tại TP.HCM tác động đến doanh nghiệp như thế nào" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 9/11, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại tiền thuê đất sẽ bị tăng cao.
Tại chương trình, ông Tô Ngọc Ngời - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn cho biết, công ty mình đang thuê một lô đất 1.325 m2 trên đường Trương Định (quận 3) làm văn phòng. Thời gian qua, công ty phải đóng tiền thuê đất cho thành phố là hơn 4,2 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với bảng giá mới, tiền thuê đất mà công ty ông phải đóng dự kiến sẽ "tăng vọt" lên mức hơn 6 tỷ đồng/năm.
"Việc áp dụng bảng giá đất mới đã làm tăng đáng kể chi phí thuê đất của doanh nghiệp, đặc biệt đối với đất thương mại dịch vụ. Trong khi đó, đất mà công ty tôi đang thuê lại thuộc diện đất thương mại dịch vụ, bị giới hạn độ cao và mật độ xây dựng so với đất ở. Mức tăng mạnh như vậy có thể gây khó khăn nghiêm trọng cho các doanh nghiệp", ông Ngời lo lắng.
Vì vậy, vị lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị TP.HCM tính toán hệ số theo bảng giá đất mới cho phù hợp, không tăng lên nhiều gây ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.
Trường hợp khác, ông Trần Văn Mười – lãnh đạo Công ty nhà đất Nhân Mười cho biết, công ty của ông và đối tác đang cân nhắc thực hiện một dự án tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông và đối tác bị ảnh hưởng nhiều vì chi phí thuê đất bị tăng đột biến theo bảng giá đất mới. Cụ thể, ông Mười cho hay giá đất tại khu vực này dao động khoảng 7 triệu/m2, nhưng theo bảng giá đất mới, mức giá đã tăng vọt lên đến 84 triệu/m2. Điều này sẽ khiến chi phí "đội" lên rất nhiều, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Nữ - Phó trưởng phòng Giám sát và Quản lý dự án đầu tư Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (Hepza), thành phố hiện nay có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, 6 khu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo bảng giá đất mới. 11 khu thuê đất 50 năm trả tiền hàng năm thì mỗi khu thuê với nhiều giai đoạn, chính sách khác nhau.
Theo bà Nữ, nhiều khu trước đây áp dụng theo hình thức thuê trả tiền hàng năm, đơn giá ổn định 5 năm, sau đó nếu tăng giá thì không quá 15% nên không bị ảnh hưởng bởi bảng giá đất mới. Hiện tại, chỉ còn 1 khu ảnh hưởng nhưng đang được tháo gỡ. Hepza đang trình Sở Tài chính áp dụng cách tính thuế từ 0,25 - 0,3% giá đất để tiền thuê đất mới không tăng quá cao.
Trước những chia sẻ, lo lắng của nhiều đại diện doanh nghiệp, ông Đào Quang Dương - Phó phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, bảng giá đất sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Cụ thể, ông Dương cho hay từ ngày 31/10 đến nay Sở chưa nhận thấy phản ánh tiêu cực về bảng giá đất theo Quyết định 79/2024/QĐ-UBND. Còn đánh giá tổng quan về tác động, ảnh hưởng của bảng giá đất đến nền kinh tế thì theo ông là hoàn toàn không.
Theo lý giải của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, bảng giá đất mới sẽ có tác động đến 2 nhóm đối tượng chính nhưng đã được xử lý. Trong đó, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, sẽ tác động đến tất cả người dân. Tuy nhiên, Luật thuế 2012 quy định thu thuế bằng 0,03% giá đất trong hạn mưc, còn ngoài hạn mức thì tính 0,15% và áp dụng cho chu kỳ 5 năm, bắt đầu từ 1/1/2012. Đến cuối năm 2027 mới hết chu kỳ này, do đó bảng giá đất mới hoàn toàn không bị tác động bởi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Việc thuê đất trả tiền hằng năm là một trong những chi phí tác động đến hoạt động sản xuất nhưng đã xử lý. Theo đó, luật trước đây quy định thu thuế từ 1 - 3% giá đất. TP.HCM quy định mức thuế này từ 1-2%, hiện nay Nghị định 103, quy định thu chỉ từ 0,25 - 3%.
Ông Dương cho biết, cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo Nghị định mới chỉ thu từ 0,25 - 1%, nghĩa là chỉ bằng 1 nửa trước đây. Từ đó đưa ra áp dụng bảng giá đất cho thương mại dịch vụ, sản xuất - kinh doanh, và các loại đất khác… cho phù hợp. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, các yếu tố đầu vào, đầu ra của bất động sản hiện nay đều theo nguyên tắc thị trường, chứ không theo bảng giá. Đầu vào thì thỏa thuận từ dân, còn đầu ra theo cung cầu thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp bất động sản sẽ không phải là đối tượng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA cho biết, đơn vị trước đó đã có văn bản gửi UBND TP.HCM. Trong đó, đơn vị đánh giá tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất mới làm tăng chi phí thuê lên rất cao. Vì vậy, HUBA đề xuất tỷ lệ tính đơn giá thuê đất cho nhóm đất nông nghiệp ở mức 0,25%; đất tại khu công nghệ cao và công viên phần mềm là 0,3%. Đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, tỷ lệ đề xuất là 0,5% cho khu vực 1; 0,4% cho khu vực 2 và 0,3% cho khu vực 3. Đối với nhóm đất thương mại - dịch vụ, HUBA đề xuất mức 1% cho khu vực 1; 0,75% cho khu vực 2 và 0,5% cho khu vực 3.