Bảng giá đất điều chỉnh có thể gây áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà

Phương Thảo Thứ năm, ngày 24/10/2024 00:07 AM (GMT+7)
Bảng giá đất mới được UBND TP.HCM mới ban hành dù đã cân chỉnh nhưng sẽ tạo ra mặt bằng giá đất mới, có thể gây áp lực kích đẩy làm tăng giá nhà.
Bình luận 0

Liên quan đến bảng giá đất, ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP.HCM ký quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, bảng giá đất chính thức giữ nguyên mức giá tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM được Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, trình UBND TP.HCM ngày 16/10.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025.

Đánh giá về bảng giá đất điều chỉnh mới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết nếu so sánh với bảng giá đất của Dự thảo được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 29/07/2024 thì giá đất ở bảng giá đất điều chỉnh này đã có sự cân chỉnh, thay đổi hợp tình hợp lý, tích cực.

Chủ tịch HoREA: Bảng giá đất điều chỉnh có thể gây áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà - Ảnh 1.

Bảng giá đất mới sẽ chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản. Ảnh: Internet

Bảng giá đất điều chỉnh, bảo đảm được sự công bằng giữa những người đã thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất trong 10 tháng đầu năm 2024 với những người sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất kể từ ngày Quyết định số 79/2024/QĐ-UBND có hiệu lực.

Tuy nhiên, Chủ tịch HoRea còn cho rằng, bảng giá đất điều chỉnh sẽ tác động trực tiếp đến các cá nhân, hộ gia đình khi thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ, hoặc xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp gắn liền với nhà ở trong cùng thửa đất muốn chuyển mục đích sử dụng; hoặc xin tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp... vì sẽ nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước đây.

Chủ tịch HoREA: Bảng giá đất điều chỉnh có thể gây áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà - Ảnh 2.

Chủ tịch HoREA cho rằng, Bảng giá đất điều chỉnh có thể gây áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà

"Bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện nay được định giá đất chủ yếu theo “phương pháp thặng dư”. Nhưng sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2” khi doanh nghiệp đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực kích đẩy làm tăng giá nhà", ông Châu nhận định.

Do vậy, HoREA đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành “bảng giá đất điều chỉnh” để đầu cơ, “kích giá, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường.

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ trước đó, Bộ Xây dựng đã tính toán: Bảng giá đất mới sát với giá thị trường làm tăng chi phí liên quan đến đất đai. Chính vì vậy, bảng giá đất sẽ có tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá bất động sản, nhà ở tăng với con số ước tính lên 15 - 20% so với trước.

Mới đây nhất, trong Hội nghị Đối thoại do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng tổ chức, TS. Cấn Văn Lực dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương dự kiến sẽ tăng từ 2 - 7 lần, thậm chí cao hơn 10 lần so với bảng giá đất hiện tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem