Dân Việt

Vườn trồng 20.000 cây cảnh của 9X Tuyên Quang ai vô xem cũng mê, treo la liệt loài "hoa quý tộc"

Thùy Lê 11/11/2024 11:21 GMT+7
Sinh năm 1992, anh Đỗ Hoàng Sơn, tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Yên Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã là chủ nhân của một vườn trồng cây cảnh- ươm xanh với trên 2 vạn cây giống cùng 10 năm kinh nghiệm làm nghề.
Đã từng nghẹn ngào khi phải chính tay phá bỏ vườn bưởi đổ mồ hôi, nước mắt để chăm bón, với anh, mỗi bước ngoặt lớn lại là cơ hội để khẳng định chính mình.

Cơ duyên với “hoa quý tộc”

Trước khi “bén duyên” với nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, chàng trai Đỗ Hoàng Sơn đã từng làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền và phụ giúp gia đình. Sau những năm lang bạt rồi trở lại quê hương, anh nhận ra tiềm năng từ khu đất đồi vườn nhà và xin phép bố mẹ khai hoang lập nghiệp.

Tận dụng khu đất đồi màu mỡ rộng hơn 3 ha, năm 2013, anh bắt đầu nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây bưởi với trên 300 gốc bưởi Diễn, da xanh, Soi Hà. 

“Ngày ấy bưởi còn được giá nhưng trồng và chăm sóc vất vả lắm, chỉ có 2 vợ chồng cùng nhau làm. Sau đó em mang bầu nên chỉ một mình anh Sơn gánh vác.

Cây bưởi không được chăm sóc kỹ nên năng suất quả kém. Thương lái vào mua giá rẻ, anh Sơn không bán mà chỉ để cho người thân mỗi nhà một ít”, chị Lương Thị Ly Ly, vợ anh Sơn chia sẻ.

Trong lúc loay hoay tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Sơn được một người bạn tặng cho vài nhánh hoa phong lan rừng. 

Nghiên cứu trồng và thấy hoa lan rừng là loài hoa được nhiều người chơi cây cảnh yêu thích, dần dà, anh tìm mua và sưu tầm thêm nhiều loài lan mới.

img

Anh Đỗ Hoàng Sơn, nông dân 9X ở thị trấn Yên Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) có niềm đam mê đặc biệt với các loại cây cảnh.

Nhấp một ngụm trà, trong không gian mùa thu mát mẻ, anh Sơn vui cười bảo: “Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm trồng lan rừng nên cũng khó khăn lắm. Cây mua về trồng có khi chết đến 60%, thiệt hại cả trăm triệu đồng. 

Mình mua lan giống khắp nơi, khắp các tỉnh, từ Hà Giang đến Cà Mau, nơi nào có thì mua. Mua hoa lan rừng về rồi có khi thức cả đêm để nghiên cứu ươm cây ươm giống, rồi nghĩ cách làm tầng giàn sao cho mát mẻ. Tự nhiên đam mê cũng cứ thế lớn dần lên…”.

Đến nay gia đình anh Sơn có hơn 1.000 giò lan rừng các loại với đa dạng các loại giống lan rừng khác nhau như lan kiếm, lan đai trâu, lan Tam Bảo Sắc, Quế, lan nhạn, lan rừng Hoàng Lạp, phong lan Phi Điệp… 

Anh bảo, trong thời điểm thị trường bão giá với “bạch tuyết” hay “5 cánh trắng” thì những loài lan rừng truyền thống với vẻ đẹp riêng vẫn giữ được giá trị vốn có của mình. 

Người chơi lan, thực sự yêu thích vẻ đẹp kiều diễm của loài hoa này không chạy theo thị trường mà bền bỉ sưu tầm và thưởng thức sắc hoa một cách thuần khiết nhất.

Người ươm mầm xanh

“Thuận theo tự nhiên” là cách mà chàng trai 9x Đỗ Hoàng Sơn thiết kế khu vườn ươm của mình. Đó là tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước tự nhiên và lựa theo thời tiết, khí hậu để ươm cây trồng. 

Cùng với việc đầu tư và phát triển vườn ươm hoa phong lan rừng, anh cũng mở rộng trồng và chăm sóc nhiều loại cây cảnh khác như hoa Trà, Mộc, Mẫu đơn, Tường Vi… 

Vào mùa, các loài hoa thi nhau khoe sắc. Sim tím một khoảng đồi, Tường Vi đỏ rung rinh trong gió, Mộc trắng thoảng đưa hương… Bức tranh thiên nhiên xanh mướt được gây dựng bằng tất cả tình yêu và niềm đam mê với cây trồng.

Khách từ khắp mọi miền đến thăm vườm ươm nhà thanh niên Đỗ Hoàng Sơn khi thì để lựa cây cảnh làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của mình.

Người thì đến tham quan, vui chơi, ngắm cảnh. Người có mục đích kinh doanh thì gom cây cảnh. Hay có những người đến chỉ để chuyện trò, chia sẻ niềm đam mê, kinh nghiệm trồng cây cảnh…

Anh Sơn bảo: “Mình không định giá cây trồng, mỗi loài hoa một vẻ hương sắc sẽ tự khẳng định giá trị của riêng nó”.

Thế nhưng từ niềm đam mê của mình, vợ chồng anh Sơn có thu nhập khá từ trồng cây cảnh. Thời điểm giá cao trung bình gia đình thu từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

img

Anh Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ kinh nghiệm trồng lan rừng và chăm sóc cây phong lan rừng với thanh niên địa phương. Vườn cây cảnh, vườn hoa lan rừng của anh Sơn ở thị trấn Yên Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).

Vừa ngắm nhìn thành quả của mình, anh vừa tươi cười bảo: “Có thu nhập thì mình lại quay vòng vốn, đầu tư mở rộng thêm. Làm thêm giàn cho phong lan, xây bể nước điều hòa, xây lán uống trà thưởng hoa trên mặt nước… 

Rồi những lúc rảnh rỗi, mình nghiên cứu làm thêm cây bonsai trang trí. 

Vừa để làm phong phú thêm các loại cây trồng, vừa thỏa mãn được niềm đam mê nâng niu những mầm sống xanh”.

Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng cây cảnh, anh Sơn cũng dần hoàn thiện bản thân mình. Anh bảo, nếu như trước đây thanh niên nghịch ngợm bao nhiêu thì giờ gắn bó với cây cảnh, thiên nhiên giúp bản thân “tu thân dưỡng tính” bấy nhiêu. 

Anh cũng đã có những nhóm bạn 9x rất trẻ kết nối với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây, làm ăn phát triển kinh tế sao cho hiệu quả. 

Thời gian tới, anh tiếp tục nghiên cứu mở rộng diện tích đất để ươm và phát triển các giống cây công trình, phục vụ nhu cầu thị trường.

Chị Đỗ Thị Thương Mến, Bí thư Đoàn thị trấn Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) khẳng định, với đôi bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê, quyết tâm làm giàu chính đáng, đoàn viên Đỗ Hoàng Sơn đã từng bước khẳng định chính mình. 

Anh trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp tại địa phương được nhiều đoàn viên, thanh niên học hỏi, noi theo.