Thực hiện ý kiến chỉ đạo Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Trong đó, Bộ TT&TT đã tổ chức tập huấn và nâng cao kỹ năng số cho người nông dân; Chương trình đưa hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử đạt nhiều kết quả nổi bật.
Bộ TT&TT cho biết, đã triển khai nhiều chương trình tập huấn và nâng cao kỹ năng số cho nông dân nhằm giúp người nông dân tiếp cận và sử dụng công nghệ số hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đời sống hàng ngày. Cụ thể:
Phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người nông dân, trang bị cho nông dân những kiến thức nền tảng về cách sử dụng công nghệ thông tin và Internet. Chương trình này được tổ chức tại các vùng nông thôn, với các khóa học thực tế như: Hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh, cách sử dụng các ứng dụng phổ biến trên điện thoại thông minh, từ cách truy cập Internet, sử dụng các ứng dụng nhắn tin, cho đến việc tìm kiếm thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thời tiết, giá cả thị trường, và các kỹ thuật canh tác; Kỹ năng sử dụng máy tính: Ngoài điện thoại thông minh, các khoa học về kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản cho nông dân, giúp họ biết cách sử dụng email, phần mềm văn phòng, và khai thác các dịch vụ công trực tuyến đã được tổ chức từ cấp xã.
Bô TT&TT cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp và tổ chức cung cấp khóa tập huấn miễn phí về thương mại điện tử và tiếp thị số. Đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến: Nông dân được hướng dẫn cách tạo lập gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Voso, và các nền tảng thương mại điện tử khác, nông dân cũng được hướng dẫn cách chụp ảnh, viết mô tả sản phẩm và tương tác với khách hàng trên nền tảng số. Giúp nông dân hiểu về cách quảng bá sản phẩm của mình thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, Zalo, quảng cáo qua các công cụ tìm kiếm và email marketing. Đây là những kỹ năng quan trọng để nâng cao hiệu quả bán hàng và tiếp cận được thị trường tiêu dùng rộng lớn hơn.
Tập huấn về đảm bảo an toàn thông tin mạng và quản lý rủi ro trên môi trường mạng: Bộ TT&TT đã triển khai các chương trình đào tạo, bảo vệ an toàn thông tin trên môi trường mạng cho người nông dân. Trong các buổi tập huấn này, nông dân được học cách nhận biết và phòng tránh các rủi ro trên mạng như lừa đảo qua mạng, bảo vệ tài khoản cá nhân, và cách bảo mật thông tin khi giao dịch trực tuyến. Việc trang bị kỹ năng giúp nông dân tự tin hơn khi tham gia vào môi trường số và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến an ninh mạng.
Chương trình đào tạo hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến: Bộ tổ chức các lớp hướng dẫn về cách sử dụng các nền tảng dịch vụ cộng để thực hiện các thủ tục hành chính như cấp giấy phép kinh doanh, tra cứu thông tin, khai thác và sử dụng các dịch vụ công khác.
Phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp công nghệ để phát triển nền tảng học trực tuyến, nhằm tạo điều kiện cho nông dân học hỏi và cập nhật kiến thức về nông nghiệp và chuyển đổi số. Thông qua các nền tảng như: OneTouch, MobiEdu, và các ứng dụng học tập trực tuyến khác, nông dân có thể học từ xa và tiếp cận với kiến thức chuyên môn một cách linh hoạt, không bị giới hạn bởi vị trí địa lý.
Đây là một trong những giải pháp nổi bật của Bộ TT&TT là thực hiện Quyết định 350/QĐ-BTTTT ngày 24/2/2022 về việc Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động cụ thể bao gồm:
Hỗ trợ đào tạo cho các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia kinh doanh trên sàn TMĐT, hướng dẫn mở tài khoản và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thông qua sàn TMĐT Postmart; Sàn TMĐT Postmart đã phát triển tài khoản người dùng thông qua chương trình hợp tác với mạng lưới bưu điện 63 tỉnh, thành phố, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung ương Đoàn TNCS HCM... Kết quả đạt được: đã đưa trên 5 triệu tài khoản hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT với số lượng sản phẩm trên 141.000 sản phẩm.
Sàn TMĐT Postmart do Bộ TT&TT chủ trì, chỉ đạo đã kết nối mạng lưới 63 tỉnh, thành phố, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm về nông nghiệp trên sàn, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh việc người dân không lưu thoát được hàng hóa, ùn ứ nông sản trong mùa vụ thu hoạch cao điểm, đồng thời giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, góp phần tăng doanh thu cho người dân trong thời kì trong và sau dịch.
Sản lượng nông sản tiêu thụ qua sàn TMĐT (B2B) đạt 6.000 tấn, có thể kể đến một số sản phẩm như sau: Chiến dịch Hỗ trợ tiêu thụ nông sản na Lang Sơn, tổng số đơn hàng na Chi Lăng trên sàn 6.500 đơn hàng, sản lượng tiêu thụ 140 tấn na; Chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ nông sản nhãn 500 tấn; Chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ bưởi Hà Tĩnh — Phúc Trạch 164 tấn; Chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng Đắk Lắk 13,1 tấn, tiêu thụ qua kênh bưu điện tỉnh, thành phố và sàn TMĐT.
Năm 2023, sàn TMĐT Postmart đã thực hiện nâng cấp hệ thống đồng thời bổ sung một số tính năng mới, nâng cao trải nghiệm cho người bán và người mua, sàn đã thực hiện rà soát các dữ liệu các hộ sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông sản OCOP, loại bỏ sản phẩm không còn tồn tại hoặc không phát sinh giao dịch.
Năm 2024 thực hiện chuyển đổi tên sàn TMĐT Postmart thành sản Buudien.vn, định vị là sản TMĐT chuyên về nông, lâm thủy sản Việt Nam là nơi người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chất lượng vượt trội, nguồn gốc rõ ràng, thông tin minh bạch. Mục tiêu trong năm 2024 cập nhật đưa lên sản 100% các sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao, 90% các sản phẩm OCOP 3 sao được cấp nhất lên sàn TMĐT.
Chỉ đạo Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) phối hợp với các Sở NNPTNT để cập nhật lại toàn bộ các sản phẩm nông sản tiêu biểu và sản phẩm OCOP của các tỉnh, đồng thời chỉ đạo các bưu điện tỉnh, thành phố tại địa phương, tiến hành xác minh hỗ trợ đưa các hộ sản xuất lên sàn TMĐT Postmart. Mục tiêu mỗi xã có ít nhất 1-2 sản phẩm nông sản OCOP tiêu biểu, giao cho nhân viên bưu điện tại địa bàn xã thực hiện duy trì, kết nối thúc đẩy dựa nông sản lên sản TMĐT.