Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023: Hàng triệu người dân được tiếp cận các dịch vụ viễn thông
Sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2023: Hàng triệu người dân được tiếp cận các dịch vụ viễn thông
Trần Quang
Thứ sáu, ngày 08/11/2024 10:30 AM (GMT+7)
Thực hiện chương trình phổ cập dịch vụ viễn thông công ích nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet với chi phí thấp cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã giúp hàng triệu người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ viễn thông cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023, Bộ Thông tin- Truyền thông (TTTT) đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Bộ TTTT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về kết quả thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống hạ tầng viễn thông phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023.
Thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông hiệu quả
Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính và các bên liên quan truyền thông về chính sách hỗ trợ nông nghiệp đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả các chính sách như hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm, khuyến nông và đào tạo nghề thường xuyên được truyền thông qua các kênh báo chí, đài phát thanh, truyền hình và các nền tảng số.
Cụ thể như: Tổ chức các lớp đào tạo khuyến nông và hỗ trợ nghề, quảng bá rộng rãi qua các trang tin điện tử như Cổng thông tin điện tử khuyến nông (khuyennongvn.gov.vn), các nền tảng mạng xã hội như Fanpage Khuyến nông Việt Nam; chiến dịch truyền thông về chính sách bảo hiểm nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ trên các kênh truyền hình: VTC16 và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV)...
Xây dựng các chương trình truyền hình, phát thanh chuyên đề về nông nghiệp: Nhiều chương trình truyền hình, phát thanh như "Nông thôn mới", "Nông dân thời đại 4.0" đã được phát sóng rộng rãi, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự đổi mới trong công nghệ nông nghiệp, các mô hình sản xuất bền vững và các phương pháp tối ưu hóa sản xuất.
Các chương trình như: "Nông thôn mới" do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sản xuất và phát sóng trên kênh VTV1, Chương trình này tập trung vào việc phản ánh quá trình phát triển nông thôn tại các địa phương, giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chăn nuôi, cũng như các thành tựu trong xây dựng nông thôn mới; Chương trình "Nông dân thời đại 4.0" được phát sóng trên kênh VTC16...
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 và 2024, các địa phương có đường biên giới trên đất liền đã được phân bổ kinh phí thiết lập mới và nâng cấp 24 Cụm thông tin điện tử tại các cửa khẩu quốc tế/quốc gia để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại.
Ứng dụng công nghệ số trong truyền thông: Một trong những hướng đi mới mà Bộ hướng đến và thúc đẩy đó là áp dụng các nền tảng số để truyền tải thông tin đến người nông dân một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội và các cổng thông tin điện tử đã được triển khai để đưa các chính sách và kỹ thuật trong nông nghiệp đến gần hơn với người dân, đặc biệt là lực lượng nông dân có khả năng tiếp cận với công nghệ số như: Cổng thông tin "nongnghiep.vn", các fanpage trên mạng xã hội như Facebook, Zalo giúp cho người nông dân tiếp cận kiến thức mới về canh tác, quản lý chuỗi cung ứng và tiếp thị sản phẩm.
Những nội dung về các mô hình sản xuất hiệu quả, phương pháp áp dụng công nghệ cao, và cách tiếp cận thị trường đều được truyền tải qua các kênh này, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và cập nhật kiến thức một cách liên tục; Mạng xã hội Zalo, ứng dụng MiniApp trên Zalo đã được khai thác như một kênh phổ biến các thông tin chính sách, hỗ trợ trực tiếp hiệu quả cho nông dân thông qua các nhóm cộng đồng. Các nhóm này thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích về kỹ thuật nông nghiệp và các phương pháp quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm.
Hỗ trợ nông dân tiếp cận với thương mại điện tử: Bộ TTTT đã triển khai tiếp cận với thương mại điện tử, giúp nông dân tìm kiếm đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm. Các hội thảo, hội nghị truyền thông đã được tổ chức để hướng dẫn nông dân cách sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, tiếp cận thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Truyền thông về phát triển nông nghiệp bền vững: Bộ TTTT không chỉ tập trung vào các chính sách hỗ trợ kinh tế mà còn nhấn mạnh đến sự phát triển nông nghiệp bền vững. Thông qua các chiến dịch truyền thông, các thông điệp về bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và áp dụng công nghệsạch trong sản xuất nông nghiệp đã được phổ biến rộng rãi.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp
Bộ TTTT đã tham mưu Chính phủ, phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, tổ chức thực hiện đầy đủ và đồng bộ các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp được giao tại Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025,định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể để giúp nông dân tiếp cận công nghệ mới, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Phát triển kinh tế số nông thôn, hỗ trợ các hộ sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử(TMĐT); thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần giảm ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Đưa vào các nền tảng số thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, sử dụng dữ liệu và công nghệ số như là các yếu tố đầu vào mới trong sản xuất nông nghiệp. Triển khai thử nghiệm Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp, từ tháng 04/2023 đến 06/2024 đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu, giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch bệnh, thời tiết, thị trường, tự động quy trình sản xuất, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất...
Thí điểm xây dựng "xã hội số" ở nông thôn, nhằm tạo ra một hệ sinh thái công nghệ thông tin và viễn thông bền vững tại các khu vực nông thôn. Chương trình này khuyến khích các địa phương ứng dụng công nghệ vào đời sống hàng ngày, từ y tế điện tử, giáo dục trực tuyến, đến quản lý nông nghiệp số.
Đơn cử như Bộ đã thử nghiệm xây dựng mô hình chuyển đổi số phát triển kinh tế số và xã hội số ở cấp xã tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với việc đưa vào sử dụng các nền tảng số từ đó xây dựng các mô hình như: Mô hình du lịch "Homestay công nghệ số" gắn với du lịch canh nông; Giải pháp truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm Chè San tuyết; Ứng dụng "Dòng họ số" cho dòng họ"Giàng" trên địa bàn.
Trong khi Suối Giàng là một xã vùng sâu vùng xa, với rất nhiều khó khăn, địa bàn có tới trên 90% là người dân tộc thiểu số, kinh tế và các điều kiện tự nhiên còn hạn chế, Bộ TTTT coi nhiệm vụ chuyển đổi số của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn như nhiệm vụ quốc gia và giới thiệu mô hình này như mô hình mẫu để truyền cảm hứng cho các địa phương trên toàn quốc nghiên cứu và tham khảo.
Hàng triệu người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ viễn thông cơ bản
Theo Bộ TTTT, đến này ngành thông tin truyền thông đã tổ chức triển khai nhiều nội dung quan trọng trong phát triển hạ tầng số ở khu vực nông thôn, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giúp người dân nông thôn tiếp cận công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại. Một số nội dung chủ yếu mà Bộ TTTT đã thực hiện bao gồm:
Bộ TTTT là cơ quan soạn thảo Luật Viễn thông năm 2023, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng viễn thông tại các khu vực trên cả nước (trong đó có khu vực nông thôn) tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số.
Mở rộng mạng lưới viễn thông và Internet băng thông rộng: Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường phủ sóng mạng di động và Internet băng rộng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Giúp cho người dân có thể tiếp cận Internet và các dịch vụ viễn thông một cách thuận lợi, thúc đẩy kết nối, thương mại và đào tạo trực tuyến. Phủ sóng 4G và 5G: Các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT, và MobiFone đã được yêu cầu mở rộng mạng lưới 4G và triển khai thử nghiệm 5G tại các vùng nông thôn, giúp người dân có thể truy cập Internet tốc độ cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và giáo dục...
Triển khai chương trình "Internet công cộng" tại các khu vực nông thôn thông qua việc cung cấp kết nối Internet tại các điểm bưu điện văn hóa xã, trường học và các trung tâm cộng đồng. Những điểm này được trang bị máy tính và kết nối Internet miễn phí hoặc giá rẻ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và các dịch vụ số.
Dự án "Bưu điện văn hóa xã" là một phần trong chiến lược mở rộng kết nối số tại nông thôn, nơi các điểm bưu điện văn hóa xã được chuyển đổi thành các trung tâm cung cấp dịch vụ Internet và thông tin công cộng, giúp nông dân tìm kiếm thông tin về sản xuất, thời tiết, và các chính sách hỗ trợ.
Phát triển dịch vụ công trực tuyến và nền tảng số cho nông thôn: phát triển các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, nhằm giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hành chính công. Điều này không chỉ giảm bớt thủ tục hành chính mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Các nền tảng dịch vụ công trực tuyến cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu thông tin về đất đai, cấp giấy tờ, và nhiều dịch vụ khác một cách thuận lợi mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan hành chính.
Thực hiện chương trình phổ cập dịch vụ viễn thông công ích nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet với chi phí thấp cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Chương trình này đã giúp hàng triệu người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ viễn thông cơ bản, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn. Triển khai chương trình điện thoại di động giá rẻ, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp các gói cước giá rẻ dành riêng cho người dân nông thôn, đảm bảo mọi người có thể sử dụng dịch vụ viễn thông với chi phí hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ TTTT đã triển khai nhiều chương trình tập huấn và nâng cao kỹ năng số cho nông dân nhằm giúp người nông dân tiếp cận và sử dụng công nghệ số hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đời sống hàng ngày.
Sẽ xây dựng bộ tiêu chí cho "nông nghiệp thông minh"
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Bộ TTTT đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Bộ TTTT phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT triển khai thực hiện: Xây dựng bộ tiêu chí sẵn sàng cho nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp, đầu tư vào hạ tầng số, các ứng dụng công nghệ, nền tảng số, giải quyết các vấn đề về kết nối cơ sở sản xuất (vùng trồng, hợp tác xã, nhà máy chế biến...), hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp số toàn trình, từ đó nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam; giải quyết vấn đề "được mùa mất giá, được giá mất mùa" do phụ thuộc vào thương lái trung gian, vẫn đang diễn ra phổ biến hiện nay. Thực hiện thử nghiệm tại một số địa phương trong năm 2024, mở rộng phạm vi toàn quốc trong năm 2025.
Phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tại nông thôn: mở rộng mạng 4G/5G và cáp quang đến vùng sâu, vùng xa: đầu tư vào phát triển hạ tầng số tại các vùng nông thôn, đảm bảo nông dân và các hợp tác xã có thể tiếp cận internet chất lượng cao để sử dụng các dịch vụ số; triển khai các trạm kết nối cộng đồng: Xây dựng các điểm truy cập cộng đồng tại các xã, thôn đểnông dân có thể truy cập internet và tiếp cận thông tin, các dịch vụ số.
Phát triển Nông nghiệp thông minh gắn liền với giảm phát thải: Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ hỗ trợ các hộ nông dân để tạo ra 1.000.000 ha lúa sạch vừa có giá trị cao, vừa thu được nguồn lợi từ bán tín chỉ carbon.
Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực số cho người nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông nghiệp: phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia cung cấp các khóa học trực tuyến và trực tiếp về kỹnăng sử dụng công nghệ số, quản lý sản xuất và tiếp cận thị trường qua các nền tảng số, cung cấp công cụ và hướng dẫn sử dụng các nền tảng quản lý, sản xuất.
Thúc đẩy phát triển nền tảng số hỗ trợ nông nghiệp: nền tảng dữ liệu sốnông nghiệp, khuyến khích ứng dụng các thiết bị cảm biến IoT trong giám sát chất lượng đất, nước, thời tiết, và cây trồng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, sử dụng AI để phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng và tối ưu quy trình sản xuất; nền tảng trực tuyến kết nối nông dân với chuyên gia nông nghiệp, tạo thêm kênh tư vấn về kỹ thuật, giống cây trồng, quản lý dịch bệnh, và thị trường cho người nông dân và cơ sở sản xuất nông nghiệp.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thúc đẩy chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho nông nghiệp: xây dựng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và chuyển đổi số nông nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ vào việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, triển khai các mô hình hợp tác công - tư để thực hiện các dự án số hóa nông nghiệp.
Tuyên truyền và truyền thông về nông nghiệp bền vững: sửdụng các kênh thông tin và truyền thông để quảng bá các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp xanh, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm nông nghiệp bền vững; phát triển nội dung số về kiến thức nông nghiệp, tạo ra các ứng dụng di động, video, và nội dung đa phương tiện, giúp nông dân dễ dàng cập nhật kiến thức về sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.