Gần đây, người dân sinh sống bên dòng sông Sê San này lại được ban tặng thêm một loại cá mà mọi người vẫn thường gọi là “đặc sản bình dân”, đó là những con cá rô phi với kích cỡ “khủng”, trọng lượng lên đến 7 kg.
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi được ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) dẫn vào làng Díp và làng Doch 1.
Đây là những ngôi làng nằm dọc bờ sông Sê San. Ngoài công việc nương rẫy, người dân 2 làng còn làm thêm nghề chài lưới, nuôi cá lồng.
Tại đây, hầu như khúc sông nào người dân cũng có thể thả lưới, thả câu để kiếm những loại cá đặc sản như: cá lăng, sọc dưa, anh vũ… Gần đây, nhiều người còn đánh bắt được cả những con cá rô phi “khủng”, ngon không kém các loại cá nổi danh kia.
“Cá rô phi tự nhiên trên sông Sê San đoạn chảy qua địa bàn xã Ia Kreng được người dân đánh bắt có trọng lượng 4-5 kg là chuyện không hiếm. Đặc biệt, có những con nặng đến 7 kg. Cá rô phi “khủng” như vậy cũng chỉ mới xuất hiện gần đây”-ông Tâm chia sẻ.
Một cần thủ câu được con cá rô phi nặng hơn 2 kg tại lòng hồ thủy điện Sê San 3A, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Anh.
Để thử vận may, ngay từ sáng sớm, chúng tôi cùng nhóm cần thủ làng Díp chuẩn bị các vật dụng để đi câu cá rô phi tại lòng hồ thủy điện Sê San 3A. Do cá rô phi là loài ăn tạp, sống thành đàn nên mồi câu cũng rất đơn giản, chỉ dùng cám và cơm nguội trộn nhuyễn hoặc dùng mồi câu bằng giun.
Anh Rơ Châm Đoan cho biết: “Đánh bắt hay câu cá rô phi ở đây thì mùa nào cũng có và không phải công phu như đánh bắt cá lăng, cá sọc dưa. Nhưng để đánh bắt, câu được những con cá có trọng lượng lớn vào mùa này không nhiều. Cá rô phi “khủng” chỉ có nhiều nhất vào tầm từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch”.
Đúng như lời các cần thủ, sau gần 1 ngày chia nhau bám trụ ở nhiều khu vực để “săn” cá rô phi “khủng” trên lòng hồ thủy điện Sê San 3A, cả nhóm chúng tôi chỉ câu được 2 con có trọng lượng hơn 2 kg.“Do thời tiết những ngày qua có mưa lớn, nước lạnh và chảy xiết nên cá có xu hướng ẩn nấp, lười ăn”-anh Đoan chia sẻ kinh nghiệm.
Khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 3A (tỉnh Gia Lai) có nhiều điểm câu cá lý tưởng, trong đó có câu được các con cá rô phi trọng lượng "khủng". Cá rô phi sống ở sông Sê San được ví là loài cá đặc sản bình dân. Ảnh: Lê Anh.
Để tìm hiểu rõ hơn về loại đặc sản bình dân này, ông Rơ Châm Tâm chỉ dẫn chúng tôi đến nhà chị Lương Thị Dân ở làng Díp, đầu mối chuyên mua cá của các ngư dân tại xã Ia Kreng.
Gia đình chị Dân đã bám trụ ở ngôi làng tái định cư này hơn 16 năm và cũng có gần 10 năm làm nghề thu mua cá.
Chị Dân cho biết: “Cá rô phi có trọng lượng từ 5 kg trở lên chỉ mới xuất hiện gần 2 năm trở lại đây. Đến mùa, lượng cá rô phi do người dân đánh bắt được khá nhiều, bình quân mỗi ngày, tôi thu mua từ 20 kg đến 30 kg.
Trong đó, gần 2/3 là cá rô phi trọng lượng 1,5 kg trở lên. Giá bán tùy theo trọng lượng cá và tùy vào thời điểm, nhưng bình quân loại từ 3 kg trở lên có giá 70-80 ngàn đồng/kg. Loại cá rô phi có trọng lượng lớn này được rất nhiều người đặt mua nhưng không phải lúc nào cũng có”.
Nhóm cần thủ đi cùng chúng tôi chọn món cá rô phi nướng muối ớt trên than hồng để đãi khách. Với cách chế biến đơn giản này, họ giữ nguyên phần vảy cá, chỉ bỏ ruột, rửa sạch lớp đen bên trong thành ruột rồi để ráo nước.
Sau đó, họ dùng kéo cắt vây và khứa đều hai bên thân cá để khi quết gia vị (gồm muối, bột ngọt, nhiều ớt xanh và ít dầu ăn) thấm đều từng thớ thịt. Gia vị quết đều lên thân cá để khoảng 10 phút là có thể cho lên bếp than nướng. Cá còn tươi nên chỉ cần nướng khoảng 10 phút rồi trở đều hai mặt.
Đến khi cá đã cháy sém phần vảy thì tiếp tục quết lớp muối ớt lên bề mặt và trở đều trên bếp than thêm 1 lần nữa là có thể thưởng thức. Để tăng thêm vị đậm đà của thịt cá, các “đầu bếp” chuẩn bị thêm chén muối ớt chanh.
Do cá rô phi sống trong môi trường tự nhiên nên thịt dai và béo ngọt, quyện với vị mặn, cay, chua của sốt muối ớt chanh tạo nên cảm giác ngon đến lạ. Tuy không cao sang như cá lăng, sọc dưa, anh vũ… nhưng cá rô phi “khủng” cũng là một đặc sản mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân sống bên dòng sông Sê San.