Anh nông dân nhặt cây cảnh già rẻ tiền thời mất giá, ai ngờ nay nhiều đại gia lại tìm tới mua tới tấp

Chủ nhật, ngày 28/11/2021 05:29 AM (GMT+7)
Cái tên Quang ảnh làm nghề cây cảnh được giới yêu nghệ thuật bon sai ngưỡng mộ bởi sự năng động, “sống khỏe” bằng nghề khi mà thị trường này lay lắt. Giờ dân sành chuyển sang chơi lan, chơi hoa, nhiều người làm nghề cây cảnh phải giải nghệ nhưng với anh Quang ảnh vẫn xây được biệt thự nhà vườn hoành tráng…
Bình luận 0

Làm những việc thị trường cần, kể cả trồng cây cảnh

Anh Quang ảnh tên thật là Phạm Đức Quang, người xóm Tân Thành, xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Cái tên Quang ảnh là người ta vẫn thường gọi từ khi anh còn làm nghề ảnh viện, áo cưới. Vợ anh là Nguyễn Thị Oanh, người cùng xóm, lấy nhau từ tuổi đôi mươi khi cô nàng đang làm nghề mà dạo ấy rất “hót” - thợ may. 

 
Anh nông dân nhặt cây cảnh già rẻ tiền thời mất giá, ai ngờ nay nhiều đại gia lại tìm tới mua tới tấp - Ảnh 1.

Ngôi biệt thự của anh Quang mới được xây dựng. Xung quanh khuôn viên biệt thự anh Quang trồng cây cảnh các loại.

Anh chị lấy nhau từ năm 1995, khi đó anh mới 20 tuổi, chị vừa đủ tuổi lấy chồng. Chị dạy anh nghề may, anh học rất nhanh, tiệm may của anh chị trở nên nổi tiếng cả vùng.

Quả là cho con núi của không bằng cho cái nghề là thế. Bà con lối xóm nhìn vào bảo vậy và cứ tấm tắc, “thằng Quang này khôn thật, cơm no bò cưỡi…”. 

Nhưng anh Quang lại nghĩ rằng, tất cả đều bắt nguồn từ sự hòa quyện của tình yêu, khi yêu nhau người ta có sức mạnh phi thường để làm nên những kỳ tích. Với anh chị có được cơ ngơi như hôm nay là cả một kỳ tích, ước mơ của bao người làm nghề như anh.

Thế rồi nghề may không cạnh tranh nổi với thời trang may sẵn, cũng như bao tiệm may ở vùng nông thôn khi ấy rơi vào khủng hoảng, anh Quang nhanh chóng chuyển nghề, nối nghiệp cha làm thợ ảnh.

Cái duyên với nghề lại đến, hai vợ chồng ra thành phố học nghề trang điểm cô dâu, học làm photoshop ảnh. 

Bố anh Quang là thợ ảnh kỳ cựu, anh có “gen” bố nên không bao lâu đã làm chủ và thuần thục tốc độ, ánh sáng, bố cục ảnh.Dạo ấy, lấy đâu ra ảnh kỹ thuật số như bây giờ, toàn là máy “lộ cộ” chụp phim mà không cẩn thận, kỹ thuật yếu là lãng phí tiền bạc, lãi lời còn đâu. 

Thời anh làm ảnh, tiệm ảnh nào có cái biển “ảnh kỹ thuật số” là khẳng định đẳng cấp tay chơi rồi. Sự phát triển của công nghệ là không giới hạn, máy ảnh kỹ thuật số, rồi điện thoại thông minh ra đời ồ ạt hỗ trợ người chụp một cách tối ưu, không cần nhiều đến sự tỷ mỷ của anh thợ ảnh nữa khiến công việc mà vợ chồng anh đang kiếm bộn tiền phải lao đao…

Với anh Quang điều đó rất đỗi bình thường bởi thị hiếu của người tiêu dùng luôn thay đổi nếu người làm kinh doanh chậm đổi mới sẽ thất bại. Nhiều người bị sốc lâm vào khủng hoảng nợ nần, cuộc sống túng quẫn. Nhưng vợ chồng anh Quang lại khác, luôn làm những việc mà thị trường cần. Năm 2005, anh chị lại bắt tay vào lĩnh vực mới - nghề làm cây cảnh.

 

Xây biệt thự giữa làng nhờ trồng cây cảnh

Vào năm 2005, người anh con bác rủ đi xem cây cảnh, thấy người buôn cây cảnh kiếm được bộn tiền làm anh bị thuyết phục. Anh gác máy, bỏ công sức, tiền bạc đi học hỏi kinh nghiệm các nhà vườn ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh…


Thấy anh thực lòng với nghề, nhiều chủ vườn đã tận tình chỉ bảo cách đánh cây, làm nghệ thuật bon sai. Nhưng thực tế là bài học vô giá cho những người luôn khát khao làm giàu từ bàn tay và khối óc của mình. Cũng không ít lần anh thất bại, mất tiền vì đánh cây bị hỏng, đánh giá tổng quan một cây đẹp thiếu chuẩn xác sẽ dẫn đến không có người mua, cây lấy về để ở góc vườn.


Anh Quang bảo, đó là những cây “làm nhục mình”, cái nhục đó buộc mình phải thay đổi cách nhận biết một cây có giá trị. Anh vẫn kiên trì đến các nhà vườn học hỏi kiến thức. những năm ấy thị trường cây cảnh sôi động, có người kiếm được tiền tỷ chỉ bán một cây cảnh. 


Ở quê anh, nhiều bạn trẻ giàu lên trông thấy nhờ bán cây cảnh, có người trở thành tỷ phú nhưng lại không biết chắt chiu cơ hội, kiếm tiền dễ quá sinh chủ quan, “vung tay quá trán”, lại về “mo” khi thị trường cây cảnh chạm đáy. 

Bạn cùng nghề gặp anh âu sầu, nuối tiếc một thời vàng son. Họ bỏ nghề, bỏ những vườn cây cảnh lay lắt, cái thứ mà không còn giá trị cho đi chả ai lấy, họ bảo làm củi đun chả được thì lấy làm chi…

 
Anh nông dân nhặt cây cảnh già rẻ tiền thời mất giá, ai ngờ nay nhiều đại gia lại tìm tới mua tới tấp - Ảnh 4.

Anh Phạm Đức Quang (bên phải) vận chuyển cây bóng mát phục vụ các chủ nhà vườn.

Điều đó thật xót xa và chạm vào lòng tự ái của người làm nghề như anh, anh càng quyết tâm hơn. Sự căn cơ không bao giờ thừa, người làm kinh doanh mà hoang phí rất khó thành công. 

Vợ chồng anh tích lũy được vốn từ làm nghề may, ảnh viện áo cưới và cây cảnh khi còn thịnh hành là điều cốt yếu để anh bám nghề. Qua bao nghề nhưng nghề trồng cây cảnh lại mang đến cho anh cảm xúc luôn mới mẻ và hào hứng nên chưa bao giờ anh muốn từ bỏ nó. 

Anh vẫn đi tìm cây, cây to, cây nhỏ “gốc bồ ngọn chỉ”, bệ rễ già “xoắn mì tôm” anh mang về để đấy, chăm bẵm tốt uốn tỉa tay bông, tạo dáng thế. 


Cái gì mất giá người ta đâu còn quan tâm đến nữa nên anh lượm được khá nhiều cây đẹp để ở vườn nhà mình vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa chờ thị trường cây cảnh ấm dần lên. Những gì mang giá trị đích thực thì nó sẽ tồn tại bền lâu và những cây cảnh đậm chất nghệ thuật luôn có đất sống và luôn lọt vào con mắt tinh đời của các đại gia sành chơi. 


Anh Nguyễn Quốc Oai ở tổ Tân Tiến, thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ), người làm nghề cùng anh Quang bảo rằng, đây là điểm khác biệt của anh Quang với những người làm nghề khác. Anh Quang có chiều sâu nghề nghiệp nên anh trụ vững trở thành điểm tựa cho anh em “cùng thuyền”. Có thời điểm, anh Quang chuyên đi “săn” các loại cây hoa mẫu đơn vàng, hoa mộc, tường vi, hoa giấy, anh em hoài nghi nhưng giờ lại thấy anh thức thời, nhạy bén trong kinh doanh. 


Cuộc sống ngày càng khấm khá, nhiều biệt thự, nhà vườn mọc lên, cần nhiều cây bóng mát, cây hoa cảnh nhưng phải đạt độ già “mốc địa y, tay bông côn rụt” mới thực sự đẳng cấp. 

Người sành chơi luôn săn tìm cây có tuổi và chấp nhận mua giá cao nhưng điều quan trọng là khuôn viên nhà mình như một cánh rừng cổ thụ, ở đó như được hòa vào thiên nhiên vậy. 

Những cây già nua được anh gom về vườn nhà mình giờ đây trở nên có giá, còn đắt hơn vàng khi các đại gia ở khắp các tỉnh miền Bắc tìm đến hỏi mua. Anh Quang giàu lên từ đó.

 

Mỗi năm, anh Quang doanh thu 1,5 tỷ đồng tiền bán cây bóng mát, cây bon sai nghệ thuật; có những chủ nhà vườn mua liền vài cây bon sai nghệ thuật đã có nửa tỷ đồng. 

Anh có đội thợ 4 người, mỗi người được anh Quang trả 250 nghìn đồng/ngày chưa kể cơm nuôi, “tiền tươi thóc thật” nên ai cũng hứng thú theo anh đi làm. 


Năm 2017 vừa rồi anh Quang được câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Tuyên Quang đánh giá là người thành công nhất trong giới kinh doanh cây cảnh. Anh mua được mảnh đất hơn 5.000m2 “đặt” ngay ngôi biệt thự vào đó, nhìn như một lâu đài bốn bề là cây bon sai nghệ thuật có tuổi đời vài chục đến vài trăm năm.  

Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng không giấu được niềm vui khi xã nông thôn mới ngày càng có nhiều nhà biệt thự được xây cất từ khát khao làm giàu của người trẻ. Ông bảo, anh Quang là điển hình làm giàu ở địa phương, có đóng góp tích cực trong tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động, tiền đề để xã duy trì chuẩn nông thôn mới…

Thành Công (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem