Chia sẻ tại Hội thảo khoa học "Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp" do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam đánh giá, chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được kiểm soát tốt. Trong đó, nợ quá hạn ở mức thấp, chỉ khoảng 1,1% tổng dư nợ.
Cụ thể, số liệu từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 27.000 tỷ đồng với trên 9.100 khách hàng còn dư nợ.
Trong đó, doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, doanh số năm 2023 là trên 20.000 tỷ đồng và năm 2022 là khoảng 15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài kết quả nêu trên, bà Giang nhấn mạnh rằng việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, các dự án nông nghiệp, công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài. Trong khi thời hạn huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu là tiền gửi tổ chức, dân cư, có kỳ hạn ngắn, được huy động theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro còn chậm triển khai. Dẫn ví dụ, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề cập đến cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên 30.800 tỷ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại về kinh tế.
Đồng thời, dù nguồn vốn của ngành ngân hàng luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tuy nhiên số dự án trong lĩnh vực này hiện nay còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định... dẫn đến các ngân hàng khó khăn trong thẩm định, quyết định cho vay.
Ngoài ra, bà Giang cho biết, việc công nhận khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí để công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa nhiều; nhiều tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng;...
Cùng chia sẻ tại Hội thảo, theo ông Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Agribank cho biết, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Dù vậy, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, nhu cầu chất lượng ngày càng tăng cao...
Theo đó, đề cập đến giải pháp "gỡ khó", ông Bách nhận đề xuất các cơ quan quản lý cần ban hành cơ chế chính sách, quy định rõ ràng, chi tiết về các khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Như vậy, khi doanh nghiệp muốn đầu tư có thể đánh giá, xem xét dựa trên các tiêu chí rõ đó để đưa ra kết luận về dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có đáp ứng được tiêu chí đó không, tiêu chí cần đáp ứng là gì, lộ trình thực hiện ra sao?.
"Đồng thời, cũng xuất phát từ các tiêu chí đó, khi các TCTD đầu tư vốn, đưa ra các chương trình hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng dễ dàng, chi tiết hơn", ông Bách nêu.
Cũng liên quan đến chính sách, ông Bách đề xuất khi sản xuất quy mô lớn cũng cần có các vùng chuyên canh do sản xuất nông nghiệp gắn liền với đất. Đồng thời, ngoài nhân sự chủ lực của các doanh nghiệp, ông Bách chia sẻ cũng cần có sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, nghiên cứu thị trường để phát triển các thị trường mới ngoài thị trường truyền thống, đặc biệt là nghiên cứu xu hướng thị trường.
"Qua nghiên cứu, Agribank nhận thấy, đối với sản xuất nông nghiệp chủ yếu bà con nông dân tham gia canh tác trực tiếp trên mảnh đất của mình. Nhưng để việc canh tác, sản xuất hiệu quả, bền vững hơn, bà con cần chủ động triển khai, tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Vấn đề này cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, có chuyên môn, triển khai thường xuyên liên tục trong lâu dài để đạt hiệu quả tốt nhất", đại diện Agribank nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/CP, Nghị định 166/2018/NĐ-CP. Đồng thời sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đơn giản hóa quy trình, thủ tục; tăng cường đánh giá tín nhiệm để cho vay không tài sản bảo đảm; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn do thiên tai, dịch bệnh,..