Dân Việt

Nhiều kiến nghị, đề xuất của cán bộ hội viên nông dân gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Phạm Hoài 12/11/2024 15:05 GMT+7
Ngày 12/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2024. Ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2024 là bước cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị đối thoại có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm giúp Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và nông dân trong toàn tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, hội viên nông dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhiều kiến nghị, đề xuất của cán bộ hội viên nông dân tại Hội Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đối thoại với nông dân - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2024. Ảnh: Phạm Hoài.

Tại Hội nghị, đã có 19 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ hội viên nông dân trong toàn tỉnh tập trung vào các nhóm vấn về: Chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vấn đề về tài nguyên môi trường, xây dựng nông thôn mới; vấn đề vay vốn, việc làm, an sinh xã hội.

Trong đó, cán bộ hội viên nông dân huyện Yên Thủy đề nghị tỉnh có chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư tiêu thụ, chế biến nông sản trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ về thuê đất, mượn đất để cho các trụ sở làm việc, làm kho sơ, chế biến sản phẩm hoặc làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã. 

Cán bộ hội viên nông dân huyện Tân Lạc đề nghị có giải pháp đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất cho nông dân có nhà ở và đất sản xuất nằm trong quy hoạch thuộc vào đất lâm nghiệp…; 

Cán bộ hội viên nông dân huyện Lạc Thủy đề nghị tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ cho các hộ sản xuất, chăn nuôi khi gặp thiên tai, dịch bệnh; vấn đề tạo việc làm đối với các hộ dân thiếu đất sản xuất nông nghiệp; Chủ trương của UBND tỉnh trong việc đầu tư sửa chữa nâng cấp và xây dựng mới hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn?; 

Cán bộ hội viên nông dân huyện Kim Bôi đề nghị, để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế Hợp tác xã và kinh tế trang trại quy mô lớn trong thời gian tới UBND tỉnh có định hướng chính sách gì để hỗ trợ trực tiếp Hợp tác xã, tổ hợp tác ?

Các hội viên nông dân đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình quy hoạch vùng cụ thể cho các loại cây trồng chất lượng cao của tỉnh, sau đó liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp để có đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Định hướng tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; Chính sách cụ thể hỗ trợ người dân khi bị thu hồi đất…

Nhiều kiến nghị, đề xuất của cán bộ hội viên nông dân tại Hội Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đối thoại với nông dân - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2024. Ảnh: Phạm Hoài.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã trực tiếp trả lời những câu hỏi của hội viên nông dân tại điểm cầu các huyện, thành phố. Theo đó, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua tỉnh đã triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như: Giao đất, cho thuê đất để các hợp tác xã xây dựng trụ sở làm việc, làm kho sơ, chế biến sản phẩm; Chính sách hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do thiên tai. Hàng năm mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho người dân; Bố trí vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tuy nhiên nguồn lực còn hạn chế nên cần cân đối; Dự kiến năm 2025 tỉnh sẽ bố trí khoảng 246 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn Chương trình nông thôn mới.

Để xử lý những yếu kém về rác thải nông thôn, thời gian tới UBND tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích tạo điều kiện để các dự án thu gom xử lý chất thải nâng cấp hệ thống xử lý để đảm bảo đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại. Tiếp tục khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp, quảng bá sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân…

Nhiều kiến nghị, đề xuất của cán bộ hội viên nông dân tại Hội Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đối thoại với nông dân - Ảnh 3.

Tại Hội nghị, đã có 19 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ hội viên nông dân trong toàn tỉnh gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hoài,

Phát biểu kết luận Hội nghị đối thoại, ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, hội viên nông dân tại hội nghị để giao các sở, ngành có văn bản trả lời cụ thể đối với những vấn đề còn vướng mắc. Giao Sở Tài chính phối hợp với các địa phương có phương án sắp xếp lại các trụ sở Hợp tác xã dôi dư. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan tới vấn đề cấp quyền chứng nhận sử dụng đất. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu sau Hội nghị đối thoại, các sở, ngành, địa phương phải thực hiện rà soát lại, thực hiện quản lý chặt về đất đai, tài nguyên, khoáng sản nhằm hạn chế tối đa những bất cập trong việc giao, cho thuê, sử dụng đất và tài nguyên tại địa phương.