Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đối thoại với nông dân
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đối thoại với nông dân
Trần Anh
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 19:19 PM (GMT+7)
Ngày 27/9, tại UBND tỉnh Quảng Bình đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đối thoại với nông dân năm 2024. Ông Trần Thắng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì hội nghị.
Nông dân cần hiến kế để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ông Trần Thắng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, phát biểu khai mạc hội nghị: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Quảng Bình đã tích cực tổ chức, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho nông dân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
9 tháng đầu năm 2024, sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa, năng suất và sản lượng lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu đều tăng cao, các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng bền vững và khai thác gỗ rừng trồng đạt kết quả tích cực.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành phong trào sâu rộng, thực chất hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn từng bước cải thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc.
Những kết quả đó khẳng định rằng, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, trong đó có bà con nông dân của chúng ta.
"Tại hội nghị đối thoại hôm nay, lãnh đạo UBND tỉnh mong muốn lắng nghe ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất tháo gỡ khó khăn; hiến kế những quyết sách để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các cấp các ngành đang tập trung xây dựng những định hướng phát triển cho giai đoạn mới", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh.
Những câu hỏi "nóng" được nông dân quan tâm
Tại hội nghị, các đại biểu nông dân đã thẳng thắn đối thoại về những vướng mắc, băn khoăn liên quan đến cơ chế chính sách phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường.
Ông Đinh Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) hỏi: Các hợp tác xã mới khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động như đất làm nhà xưởng, vốn, quảng bá, xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm... Vậy UBND tỉnh có các chính sách gì để hỗ trợ tạo điều kiện cho các hợp tác xã (HTX) mới thành lập hay không? Cụ thể nội dung hỗ trợ này như thế nào?
Trả lời nội dung trên, ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thông tin: Đối với lĩnh vực kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, hiện nay tỉnh đang quan tâm và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 59/2019/NQ-UBND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 2232/KH-UBND ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh về Phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2025.
Theo đó, các HTX nếu đầu tư và có đủ điều kiện được hỗ trợ thì sẽ được hưởng các chính sách sau: Hỗ trợ thành lập mới HTX; Hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX; Hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Hỗ trợ HTX phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Nông dân Trần Tấn Phương (ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) hỏi: Tỉnh ta có chính sách gì để hỗ trợ các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Việt Hà – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, cho biết: Để các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB), sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh phát triển ổn định, bền vững, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác, phát huy tiềm năng nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Kế hoạch, chương trình hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩn, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Việt Hà, để triển khai kế hoạch đó, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩn CNNTTB, sản phẩm đặc trưng, lợi thế của tỉnh qua các kênh truyền thống và kênh thương mại điện tử.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế,… cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB, ưu tiên các sản phẩm CNNTTB, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, chủ lực để tiến tới hình thành được các sản phẩm có thương hiệu mạnh của tỉnh.
Tổ chức, tham gia các Hội nghị Kết nội giao thương, Hội nghị Kết nối cung cầu để kết nối, hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNTTB, sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối tiêu thụ trong và ngoài nước… thông qua các chương trình, nguồn hỗ trợ từ các đề án xúc tiến thương mại hàng năm của Trung ương và địa phương.
Nông dân Nguyễn Thị Kim Anh (ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) hỏi: Các cơ quan có thẩm quyền có thường xuyên tuần tra, nắm tình hình và có chế tài nào xử lý để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vùng lộng và tạo sự an tâm cho nhân dân?
Ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, trả lời: Với trách nhiệm là đơn vị quản lý chuyên ngành, Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Thuỷ sản tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong vùng nước đã phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý là vùng biển ven bờ.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát tại vùng lộng về hoạt động khai thác thủy sản, tập trung vào các hành vi khai thác IUU như khai thác sai vùng biển, không ghi, ghi không đầy đủ Nhật ký khai thác thủy sản…
Đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 04 cuộc tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử phạt 15 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 135 triệu đồng, trong đó xử phạt 02 tàu giã cào, số tiền 25 triệu đồng theo chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ. Từ ngày 20/5/2024, áp dụng theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa ngăn chặn triệt để.
"Thời gian tới, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc sở, phối hợp với UBND cấp huyện, lực lượng Biên phòng để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đánh bắt thuỷ sản trái phép và đề nghị UBND cấp huyện quyết liệt hơn nữa trong quản lý, tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa trên địa bàn theo phân cấp", ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.