Dân Việt

Hội Nông dân các cấp tỉnh Thái Nguyên tham gia tích cực trong công tác giám sát, phản biện xã hội

Hà Thanh - Kiều Hải 13/11/2024 13:45 GMT+7
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp phần hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.

Hội Nông dân đóng vai trò tích cực trong công tác giám sát, phản biện xã hội

Sau khi có Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/03/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, giai đoạn 2021- 2025 và Kế hoạch số 29-KH/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Đề án số 02-ĐA/TU, Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 147-KH/HNDT, ngày 30/8/2021 về triển khai Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 26/03/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh triển khai trong toàn hệ thống Hội.

Thái Nguyên: Hội Nông dân tham gia tích cực trong công tác giám sát, phản biện xã hội - Ảnh 1.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên làm việc với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU của BCH Đảng bộ tỉnh. Ảnh: HND tỉnh Thái Nguyên

Trên cơ sở đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém, phát huy quyền làm chủ của hội viên, nông dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Sau 4 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đến nay Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tập huấn được 36 lớp cho 3.240 cán bộ Hội là Chi hội trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở về công tác giám sát, phản biện xã hội.

Đồng thời, tỉnh Hội đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 4 lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác Hội cho 261 cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trong đó có nội dung chuyên đề về giám sát và phản biện xã hội, xây dựng Đảng xây dựng chính quyền. Cùng với đó, Hội Nông dân cấp huyện đã phối hợp với Trung tâm chính trị huyện tổ chức được 38 lớp cho 3.420 cán bộ Hội là Chi hội trưởng, Chi hội phó, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội.

Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức giám sát được 6 cuộc, trong đó tập trung vào các nội dung như: Giám sát việc triển khai thực hiện Điều 5; Điều 6 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh Thái Nguyên về Quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Giám sát việc triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Giám sát việc chấp hành pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ; Giám sát về thực hiện công tác quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi tại Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên…

Thái Nguyên: Hội Nông dân tham gia tích cực trong công tác giám sát, phản biện xã hội - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện vai trò giám sát tại Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên. Ảnh: HND tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 4 hội nghị phản biện xã hội với các nội dung: Phản biện xã hội đối với dự thảo "Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025"; Phản biện xã hội đối với dự thảo Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025; Phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Phản biện xã hội đối với tờ trình dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến nay, tổng số cuộc giám sát của Hội Nông dân các cấp trên toàn tỉnh Thái Nguyên là 674 cuộc, phản biện xã hội là 548 cuộc.

Không những vậy, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp với UBMTTQ, HĐND, UBND các cấp tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của chính quyền các cấp.

Thái Nguyên: Hội Nông dân tham gia tích cực trong công tác giám sát, phản biện xã hội - Ảnh 3.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại huyện Định Hoá. Ảnh: HND tỉnh Thái Nguyên

Thông qua các hoạt động đó đã giúp cho nhận thức chung của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội sâu sắc và toàn diện hơn. Từ đó, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị các cấp phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân các cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Nhờ vậy, việc tiếp thu, giải trình, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được quan tâm hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động phản biện xã hội có sự chuyển biến tăng về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng; vai trò tham gia giám sát, phản biện xã hội của Hội Nông dân các cấp được phát huy, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội trong nhân dân.

Giải pháp giúp phát huy hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Thái Bình – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để làm tốt công tác giám sát phản biện, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến tới cán bộ, hội viên, nông dân các nội dung của Đề án 02 của Tỉnh ủy và các văn bản quy định của Trung ương Hội, của tỉnh về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên và nông dân về hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân hoặc khảo sát các vấn đề có liên quan để có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Chủ động xác định nội dung giám sát, phản biện xin ý kiến cấp có thẩm quyền, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện; Phối hợp với các cơ quan, địa phương trên cơ sở ý kiến phản ánh, kiến nghị, đơn khiếu nại, tố cáo của hội viên và nhân dân, thông tin trên các phương tiện truyền thông và nhiệm vụ chính trị của địa phương để lựa chọn vấn đề, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp.

Tăng cường sự phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quan tâm, theo dõi việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội. Tổ chức các hoạt động đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong thực hiện Đề án.

Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Tiếp tục có ý kiến với các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện về nguồn lực cho Hội Nông dân các cấp để làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng đảng, chính quyền nhà nước hiệu quả.