Nhiều địa phương tiên phong
Tuyên Quang là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện cấp mã số vùng trồng (MSVT) rừng nguyên liệu. Mã số được cấp có diện tích 1ha, trồng thuần keo lai từ năm 2022, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu Đội 821, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn. Thông tin về tọa độ vùng trồng được xác định chính xác bởi hệ thống iT-wood và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang chứng nhận.
Đây là MSVT rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng tại Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ NNPTNT thí điểm tại 5 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Tuyên Quang, tính đến 20/10, tổng diện tích rừng trồng được các chủ rừng trong chương trình đăng ký quyền sử dụng đất để cấp mã lên tới 3.500ha, trong đó 1.366ha rừng trồng thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn và 958ha rừng trồng trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Yên Sơn. Việc cấp MSVT rừng góp phần minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản.
MSVT rừng là một loại mã định danh được cấp cho từng vùng rừng trồng nhằm quản lý nguồn gốc, đặc điểm và quy trình trồng, chăm sóc rừng. Nền tảng cho việc cấp MSVT rừng là hệ thống iTwood - một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực.
Nền tảng cho việc cấp MSVT rừng là hệ thống iTwood, một công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp 1 QR code, đảm bảo dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng - khai thác - thương mại. Nhờ sử dụng mô hình điện toán đám mây, iTwood hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng.
Hiện Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn cũng đẩy mạnh việc cấp và quản lý MSVT để tạo lập và phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ FSC.
Trong khi đó, tỉnh Yên Bái cũng là 1 trong 6 tỉnh phía Bắc được Bộ NNPTNT chọn thí điểm triển khai cấp MSVT rừng, đến nay trên địa bàn đã có trên 300ha rừng đầu tiên tại huyện Yên Bình được cấp mã số.
Theo ông Kiều Tư Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, để triển khai cấp MSVT rừng nguyên liệu, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp tổ chức các cuộc họp thống nhất với các địa phương, chủ rừng để lựa chọn các xã trên địa bàn huyện Yên Bình và huyện Lục Yên.
Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, việc triển khai cấp mã mới chỉ được thực hiện tại 4 xã của huyện Yên Bình: Đại Đồng, Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Hương. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn ứng dụng hệ thống iTwood cho cán bộ Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và các xã thí điểm. Hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình đăng ký mở tài khoản trên hệ thống iTwood.
Ngày 9/7/2024 Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 2260 về việc triển khai thí điểm cấp MSVT rừng được thực hiện trong thời gian 24 tháng trên địa bàn 5 tỉnh phía Bắc gồm Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Qua hơn 4 tháng thực hiện, đến nay đã xây dựng được nền tảng cơ sở dữ liệu về vùng trồng rừng ở 5 tỉnh thí điểm và những MSVT rừng đầu tiên đã được cấp. Tổng diện tích rừng đăng ký cấp MSVT trên 16.000ha, trong đó 3.350ha từng trồng được xác minh và cấp MSVT.
Đến nay, tổng diện tích rừng đăng ký cấp MSVT rừng đạt trên 625ha. Trong đó, diện tích được xác minh và cấp mã số là 304ha với 321 mã được cấp trên địa bàn 3 xã Đại Đồng, Phú Thịnh và Tân Hương (huyện Yên Bình). MSVT rừng được cấp cho các loài cây trồng chủ yếu: Quế, keo, bạch đàn, bồ đề… đây cũng là các loài cây trồng chính trên địa bàn tỉnh.
Diện tích đăng ký cấp mã đạt 67.000ha
Từ 5 tỉnh thí điểm ban đầu kể trên và mở rộng tại Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị, hệ thống iTwood đã tạo lập được cơ sở dữ liệu đầu vào cho ngành gỗ trên cả nước, góp phần minh bạch và phát triển giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm gỗ. Đến nay, diện tích đăng ký cấp mã số vùng trồng của 10 tỉnh lên đến 67.000ha.
Về phía đơn vị thụ hưởng, các đơn vị chủ rừng đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp từ đầu năm 2024, như tập huấn nâng cao năng lực quản lý rừng, xây dựng bản đồ chi tiết về rừng, trong đó có tọa độ, diện tích, hiện trạng rừng trồng...
Được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, doanh nghiệp nhận thấy áp dụng công nghệ QR code động truy xuất nguồn gốc đem đến nhiều lợi ích lâu dài. Thứ nhất, tính cạnh tranh của sản phẩm dán tem truy xuất sẽ cao hơn sản phẩm cùng loại. Thứ hai, công nghệ QR code cho phép tạo ra tem dán QR code cho sản phẩm gỗ để truy xuất đầy đủ thông tin vùng trồng rừng và nơi chế biến thương mại sản phẩm gỗ, giúp khẳng định sự minh bạch và uy tín trong việc xây dựng hình ảnh tin cậy trong lòng người tiêu dùng.
Theo GS - TS Võ Đại Hải - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hiện nay Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (Hiệp định VPA/FLEGT). Hoạt động cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu và số hóa vùng trồng rừng nguyên liệu, góp phần minh bạch nguồn gốc gỗ, đáp ứng yêu cầu của Liên minh châu Âu về giải trình gỗ hợp pháp, không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Kết quả thực hiện thí điểm đến nay có 3/5 tỉnh cấp MSVT rừng nguyên liệu cho 1.500 chủ rừng, với 3.350 ha được cấp giấy chứng nhận, kế hoạch của năm 2024 sẽ cấp 15.000ha.
Việc cấp MSVT rừng nguyên liệu không chỉ giúp các địa phương quản lý tốt hơn các vùng trồng rừng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, tuy đã đạt được một số kết quả, nhưng quá trình triển khai thực hiện thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu còn gặp một số khó khăn, hạn chế.
Đó là, người dân chưa nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng. Khối lượng công việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu thông tin về quyền sử dụng đất, trạng thái lô rừng, chủ rừng khi cấp MSVT rừng nguyên liệu tốn nhiều thời gian, nguồn lực thực hiện.
Trạng thái rừng của vùng cấp MSVT trồng rừng nguyên liệu được chia thành những diện tích nhỏ, lẻ dẫn đến diện tích rừng cấp MSVT trên cùng một bìa đỏ phải cấp nhiều mã khác nhau. Tại một số vùng của địa phương hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu của việc cấp MSVT rừng nguyên liệu.
Để đẩy mạnh việc thí điểm cấp MSVT rừng nguyên liệu, đảm bảo kế hoạch và tiến độ đề ra, ông Triệu Văn Lực đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan ở địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ rừng về sự cần thiết và lợi ích của việc cấp MSVT rừng nguyên liệu. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn hướng dẫn tạm thời thí điểm cấp MSVT rừng nguyên liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra, rà soát, đối chiếu thông tin về quyền sử dụng đất, trạng thái lô rừng, chủ rừng trong quá trình thực hiện cấp mã số...