Xuất khẩu rau quả đã vượt 1 tỷ USD, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị siết kiểm soát mã số vùng trồng sầu riêng

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 22/03/2024 10:23 AM (GMT+7)
Mặc dù xuất khẩu sầu riêng đang có sự tăng trưởng tốt nhưng theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), các địa phương cần kiểm soát tốt mã số vùng trồng, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả quý I/2023 vượt 1 tỷ USD

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 2/2024 đạt 325,8 triệu USD, giảm 33,6% so với tháng 1/2024, nhưng tăng 1,4% so với tháng 2/2023. 

Bước sang tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, với lợi thế về địa lý và nhiều nét tương đồng trong văn hóa ẩm thực, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024, đạt 501,4 triệu USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu rau quả đã vượt 1 tỷ USD, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị siết kiểm soát mã số vùng trồng sầu riêng- Ảnh 1.

Dán tem truy xuất nguồn gốc và thương hiệu sầu riêng ở HTX cây ăn trái Bàu Ðồn (Gò Dầu, Tây Ninh). Ảnh: Báo Tây Ninh.

Việt Nam hiện có 12 mặt hàng rau quả chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm: Sầu riêng, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, và chanh dây.

Đáng chú ý, phía Trung Quốc đồng ý mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và xem xét mở cửa thị trường cho trái bơ, chanh leo. 

Điều này góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng tốc trong năm 2024, bởi trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng rau quả những tháng đầu năm 2024 sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản… tăng trưởng tốt, điều này cho thấy chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã và đang dần đáp ứng được nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ lớn. Trong đó, trị giá xuất khẩu sang Mỹ đạt 39,6 triệu USD, tăng 27,7% so với năm 2023; Nhật Bản đạt 27 triệu USD, tăng 17,7%.

Ngoài ra, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024 như: Hàn Quốc đạt 41 triệu USD, tăng 52,4% với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là Thái Lan đạt 28,6 triệu USD, tăng 125,9%; Úc đạt 15,3 triệu USD, tăng 36,2%...

Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), triển vọng xuất khẩu ngành rau quả tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Việt Nam hiện có 12 mặt hàng rau quả chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, bao gồm: Sầu riêng, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, và chanh dây...

Kiểm soát kỹ chất lượng

Xuất khẩu rau quả đã vượt 1 tỷ USD, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị siết kiểm soát mã số vùng trồng sầu riêng- Ảnh 2.

Mặc dù xuất khẩu rau quả đang có sự tăng trưởng ngoạn mục, chủ yếu nhờ sự đóng góp của sầu riêng nhưng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) vẫn khuyến cáo các địa phương cần tăng cường truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.

Cụ thể, trong Công văn số 607/BVTV-ATTPMT ngày 18/3/2024 do Phó Cục trưởng- Nguyễn Quý Dương ký gửi Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh; Sở NNPTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đăk Lăk, TP.Hà Nội; các doanh nghiệp liên quan và các chi cục kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động - thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có trong danh sách phải tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT.

Thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng); tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, các Sở NNPTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đăk Lăk, TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp nêu trong danh sách thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo; thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật; gửi kết quả kèm theo hồ sơ liên quan về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới GACC trước ngày 3/4/2024, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem