Dân Việt

Hơn 400 hồ chứa bị hư hỏng nặng... nhưng đều chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp

Minh Ngọc 13/11/2024 20:50 GMT+7
Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 68 hồ chứa hư hỏng nặng, nâng số bị hư hỏng nặng của cả nước lên 408 hồ (62 hồ lớn, 113 hồ vừa, 233 hồ nhỏ), tất cả đều chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp.

Tại Hội nghị Quản lý và vận hành hồ chứa thủy lợi chiều 13/11, ông Nguyễn Đăng Hà, đại diện Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết, cả nước đã xây dựng 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó có 6.723 hồ chứa với tổng chiều dài đập khoảng 1.182km, tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các hồ chứa thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…

Phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm hư hỏng nặng 68 hồ, nâng tổng số hồ của cả nước bị hư hỏng nặng lên 408 hồ. Ông Hà cho hay, tất cả số hồ bị hư hỏng này đều chưa bố trí được nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp.

Theo ông Hà, sau bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm bộc lộ rõ nét các tồn tại về công trình cũng như công tác vận hành mà còn "tăng thách thức đối với công tác quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi". Hiện, mới có 17% số hồ được xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó, 401/897 hồ lớn được xây dựng phương án; 5% số hồ được xây dựng bản đồ ngập lụt.

Hơn 400 hồ chứa bị hư hỏng nặng sau bão số 3 - Ảnh 1.

Hồ thủy điện Thác Bà được khánh thành năm 1962 có dung tích chứa nước 3 tỷ mét khối. Hồ được xây dựng trên lưu vực sông Chảy tại địa bàn tỉnh Yên Bái.

"Với các hồ chứa, đặc biệt hồ lớn, hạ du đông dân cư nếu không được xây dựng phương án, khi có tình huống sẽ rất bị động trong công tác ứng phó", ông Hà nói. 

Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, qua cơn bão số 3, vấn đề cần đặt ra là cần năng cao năng lực dự báo, độ chính xác trong dự báo. Từ đó đưa ra được các kịch bản vận hành; xả lũ nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hạn chế ngập lụt cho hạ du mà vẫn giữ được lượng nước trong hồ để đảm bảo nhu cầu cho sản xuất khi mùa khô.

Cùng với đó là rà soát lại các quy trình vận hành, tiêu chuẩn quy chuẩn trong thiết kế xây dựng các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa lâu năm. Đánh giá lại dung tích các hồ chứa này để xác định quy mô, nhiệm vụ công trình trước các tình huống cực đoan của thời tiết. Các hồ chứa phải đảm bảo đa mục tiêu, nhất là đảm bảo cho sản xuất, dân sinh và an toàn.

Trước các thách thức về mưa lũ cực đoan diễn biến khó lường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, áp lực từ các hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế ở thượng nguồn cũng như vùng hạ du đập và áp lực thực hiện nhiệm vụ khai thác đa mục tiêu hồ chứa, ông Hà cho rằng cần có giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách.

Theo đó, Cục Thủy lợi sẽ tham mưu Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức, định mức khai thác - khai thác phục vụ khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với điều kiện mới.

Ngoài ra, Cục Thủy lợi sẽ làm việc với các cục, vụ khác thuộc Bộ để nghiên cứu tháo gỡ khó khăn liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ; thay đổi nhiệm vụ, thông số kỹ thuật công trình; xử lý công trình hết tuổi thọ, không còn nhu cầu sử dụng, hư hỏng nặng không thể sửa chữa phục hồi…

Hơn 400 hồ chứa bị hư hỏng nặng sau bão số 3 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, hệ thống hồ thủy lợi ở nước ta tuy lớn nhưng nhiều hồ đã tồn tại 100 năm, 50 năm… và chưa có quy định lúc nào dừng khai thác.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc vận hành hồ chứa thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, không chỉ cho tưới tiêu cây trồng, không chỉ làm nhiệm vụ tích nước và xả nước mà còn cho phát triển kinh tế - xã hội. Các hồ chứa tích nước đảm bảo cho sản xuất nhưng cũng phải vận hành an toàn, nhất là các hồ có chức năng cắt lũ.

Từ bão số 3 cho thấy, trong vận hành hồ chứa, đặt biệt là hồ chứa liên vùng đặt ra vấn đề làm thế nào vận hành hiệu quả để đảm bảo nước trong hồ chứa thủy lợi là nguồn tài nguyên.

"Hệ thống hồ thủy lợi ở nước ta tuy lớn nhưng nhiều hồ đã tồn tại 100 năm, 50 năm… và chưa có quy định lúc nào dừng khai thác", ông Hiệp nói thêm rằng, hiện hồ chứa có dung tích thật và dung tích thiết kế khác nhau nhiều. Có nhiều hồ chứa sau khảo sát dung tích tăng lên gấp đôi, nhưng cũng có hồ còn một nửa. Bên cạnh đó, việc cảnh báo sớm, cảnh báo xa còn yếu và điều này cần được đầu tư bằng khoa học công nghệ. Đây là những câu chuyện lớn trong quản lý và vận hành hồ chứa thủy lợi.