Nhanh nhạy nắm cơ hội làm ăn trong dịch bệnh
Hôm chúng tôi đến xã Trường Yên thì trời đổ mưa lớn, nhưng mới đến cổng ngôi nhà có gắn biển Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh đóng tại thôn Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm phức đặc trưng của ruốc cá vừa rang xong.
Anh Ngô Đức Tâm - Giám đốc công ty tiếp chúng tôi bên bàn nước ở hiên nhà, phía trong là khu vực đang để hàng trăm hộp ruốc cá các loại.
Anh Tâm kể, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh học ngành du lịch. Lúc đó, du lịch Ninh Bình còn rất nghèo nàn, chỉ có đền Hoa Lư, danh thắng Tam Cốc, khách sạn Hoa Lư thì đang xây, anh xin vào làm việc tại Sở Du lịch, nhưng khi nghe mức lương 240.000 đồng/tháng, anh nghĩ thế này thì không sống được nên quyết định bắt xe vào T .HCM tìm kiếm cơ hội đổi đời.
"Lúc đó, tôi nghĩ mình còn trẻ tuổi, năng động, đi xa tìm cơ hội xem sao. Nhưng ở TP.HCM thì bằng du lịch của tôi lại không đáp ứng được nên quay sang đi làm công nhân. Vất vưởng ở đó hơn 5 năm, tôi quay về quê thì tình cờ gặp ông Phú Dê – một ông chủ nhà hàng thịt dê Ninh Bình nổi tiếng và học ông cách làm nghề.
Sau đó tôi lại quay vào TP.HCM mở nhà hàng thịt dê, không ngờ món này phát triển rất nhanh. Tôi nhanh chóng phát triển lên 4 nhà hàng, cùng lúc đó mở thêm một nhà sàn quán tại quê, có thể nói là thu nhập vạn người mơ"- anh Tâm nói.
"Hiện sản phẩm ruốc cá Ninh Bình đã được tiêu thụ rộng rãi, tuy nhiên tôi chưa làm xuất khẩu được vì hạn sử dụng sản phẩm mới được 3 tháng. Tôi hy vọng sẽ tìm ra cách giúp kéo dài thời gian bảo quản ruốc cá lên 6 tháng, 1 năm. Cá tra, ba sa ở miền Tây đi nước ngoài ầm ầm thì tôi nghĩ mình cũng sẽ tìm được cách đưa ruốc cá Ninh Bình xuất ngoại".
Anh Ngô Đức Tâm
Đang yên lành thì dịch Covid-19 ập đến. TP.HCM "đóng cửa", việc buôn bán ở nhà hàng đóng băng, đúng lúc đó anh nhận được tin mẹ ở quê bị ốm nên anh quyết định về quê vừa chăm sóc mẹ già vừa trách dịch. Không ngờ, sự việc này lại mở ra cho anh một cơ hội làm ăn mới.
"Khi về quê thăm mẹ, vợ tôi và con cái vẫn đang trong TP.HCM, tôi thì mắc kẹt ở quê vì Covid-19.
Sáng sáng đi chợ mua thức ăn, thấy cá rô, cá trắm rất to và béo, giá rẻ bèo nên tôi mua về luộc lên, gỡ lấy thịt để làm ruốc cá.
Thấy mẹ tôi khen ngon nức nở, tôi bèn đóng hộp gửi vào TP.HCM cho gia đình và bạn bè, ai cũng thích và sau đó còn đặt mua hàng chục kg ruốc cá. Từ đó, tôi có ý tưởng sản xuất ruốc cá thành hàng hóa để bán rộng rãi ra thị trường"-anh Tâm kể.
Cầm trên tay hộp ruốc cá rô có bao bì bắt mắt, anh Tâm mời chúng tôi nếm thử rồi cho biết, con cá rô Tổng Trường có lịch sử lâu đời, là loài cá quý thường sống trong hang động ở vùng núi Hoa Lư.
Ưu điểm nổi trội là thịt béo, dai chắc, thơm ngon, độ đạm cao, được coi là một đặc sản ẩm thực riêng biệt của Ninh Bình. Loài cá này trước đây chỉ dành để cung tiến vua chúa, vì thế người ta mới gọi là cá tiến vua.
Là đặc sản của quê hương song cá rô Tổng Trường mới chỉ dừng lại ở một số món ăn quen thuộc như bánh đa cá rô, kho, rán, nấu canh, vì thế lãnh đạo tỉnh chú trọng muốn phát triển các sản phẩm từ loài cá này mà không thành công.
"Nếu chỉ làm sản lượng nhỏ, chế biến để ăn tại chỗ thì không đưa đi xa được. Tôi nhận thấy với cá, tôm thì ngoài phơi khô, chỉ có làm ruốc mới mang đi xa và bảo quản được lâu. Hơn nữa mặt hàng này có thể dễ dàng theo chân khách du lịch đi nước ngoài mà không lo bị cấm, tiềm năng thị trường rất rộng mở.
Chính vì thế, tôi đã mạnh dạn liên kết với các hộ nuôi cá tại địa phương và HTX Dịch vụ Du lịch Tràng An đặt hàng họ nuôi cá rô, cá trắm, cá chép để có nguyên liệu thường xuyên, rõ nguồn gốc cung cấp cho xưởng chế biến"- anh Tâm cho biết.
Hiện nay, mỗi ngày xưởng chế biến của anh Tâm thu mua từ 70 - 80kg cá rô tươi, ngoài ra còn thu mua cá trắm đen, trắm cỏ, cá chép…
Tính ra mỗi tháng, anh Tâm tiêu thụ khoảng 3 - 4 tấn cá nguyên liệu, tương đương với 300 - 400 kg ruốc cá thành phẩm, doanh thu 300 - 400 triệu đồng và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.
Nâng tầm đặc sản cá tiến vua
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực sơ chế cá tươi, chế biến ruốc cá, anh Tâm tự hào cho biết, từ ngày mở xưởng, điều anh tự hào nhất là đã tạo được công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Khuyên (50 tuổi ở thôn Nhân Lý, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) cho biết: "Nhà tôi cách nơi làm ruốc cá gần 5km nên đi lại cũng thuận tiện. Mỗi ngày tôi làm việc 8 tiếng, được anh Tâm trả thù lao 200.000 đồng và bao ăn trưa.
Công việc hàng ngày cũng nhẹ nhàng, chỉ là hấp cá, gỡ xương cá, sao khô, đóng gói... Yêu cầu quan trọng nhất của anh Tâm là sạch sẽ, tỉ mỉ và cẩn thận để không bị sót xương cá trong sản phẩm".
Như để chứng minh lời bà Khuyên nói, anh Tâm mở máy hấp cá lấy ra 1 con cá rô to còn nóng hổi rồi nói: "Cá rô Tổng Trường cũng như một số loại cá khác có hàm lượng protein rất cao, chết là phân huỷ rất nhanh, thịt bở không ăn nổi.
Vì thế cá ươn tôi không bao giờ nhập. Hồi mới làm, tôi ngồi đếm xương cá thì thấy ngoài xương sống, xương vây, con cá rô còn có 64 cái xương răm. Vì thế tôi đều hướng dẫn công nhân cách tách xương, vừa làm vừa đếm để không bị sót. Ruốc cá sao khô rồi vẫn phải nhặt lại một lần nữa mới cho vào hộp".
"Làm việc trong lĩnh vực ăn uống, chế biến thực phẩm hơn 20 năm, tôi luôn đau đáu suy nghĩ tại sao liên tục xảy ra các vụ ngộ độc, ngày càng nhiều người bị ung thư? Tôi nghĩ có lẽ một phần do chất lượng thực phẩm không đảm bảo.
Vì thế tôi quyết tâm đầu tư sản phẩm chân chính, trước hết là để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình. Khi hợp đồng thu mua cá, tôi cam kết chỉ mua cá sống, trong đó với cá rô phải đạt từ 2 lạng/con trở lên. Cá bé rất nhiều xương, mất nhiều công sức chế biến. Đó là lý do vì sao ruốc cá rô cũng đắt nhất, 600.000 đồng/kg nhưng ai cũng thích"- anh Tâm tự hào khoe.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cho biết: Cơ sở sản xuất của anh Tâm là một trong những mô hình điển hình, vừa phát triển kinh tế hiệu quả vừa tạo việc làm cho nhiều lao động.
Việc thu mua cá của anh Tâm đã kích thích nghề chăn nuôi cá của địa phương phát triển, góp phần vực dậy phong trào nuôi cá rô đặc sản tiến vua. Cụ thể, trên địa bàn xã hiện nay phát triển được 68ha cá - lúa tại HTX Chi Phong, cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với chỉ cấy 2 vụ lúa.
Đặc biệt, từ năm 2022, sản phẩm ruốc cá rô Tổng Trường và ruốc cá trắm cỏ của Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh do anh Tâm làm Giám đốc đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, được Ninh Bình chọn làm quà tặng trong các sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh nhà.