Vùng núi nổi tiếng ở An Giang từng là nơi rắn độc vô số kể, ngoài hổ mây, còn loài rắn độc to bự nào?

Thứ sáu, ngày 15/11/2024 07:17 AM (GMT+7)
Năm nào cũng vậy, hễ nghỉ hè một vài hôm là tôi lại nhận được tin nhắn của Chau Naru, một anh bạn người Khmer ở vùng Bảy Núi, xã An Hảo, TX Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Bình luận 0

Nội dung chỉ vẻn vẹn mấy chữ nhưng nó lại gợi trong tôi những nôn nao lạ thường. Tôi liền sắp xếp về núi Cấm với Naru một chuyến, để cùng mê đắm vào thiên nhiên bất tận.

1. 

Dân miền Tây có câu: "Núi cao ai muốn xem qua/ Thất Sơn, núi Cấm cùng ta lên đường". Truyền thuyết bản địa kể rằng, cái tên núi Cấm vốn dĩ phát xuất từ mệnh lệnh của Nguyễn Ánh khi ông chạy loạn đến miệt Thất Sơn. 

Để tránh lộ tông tích lúc đang ẩn mình trên đỉnh núi thiêng chờ thời cơ chuyển xoay thế cuộc, Nguyễn Ánh đã hạ lệnh "cấm" dân làng và người săn bắn bén mảng đến nơi này. 

Dần dần, mệnh lệnh ấy trở thành tên gọi cho ngọn núi, để phân biệt với mấy chục ngọn núi khác trong cụm Thất Sơn.

Trong sách "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hoài Đức gọi núi Cấm là "Đoài Tốn", có người đọc trại thành "Đài Tốn". Cách gọi này dựa vào dáng núi nằm theo hướng cung "Đoài" và cung "Tốn" (theo cách tính cung bát quái của phương Đông). 

Đến sách "Đại Nam nhất thống chí" do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1865 thì núi Cấm lần đầu được gọi tên là "Cấm sơn". Từ đó về sau, tên gọi "Cấm sơn/Thiên Cấm sơn" hay "núi Cấm" hầu như xuất hiện phổ biến trong tất cả các thư tịch viết về vùng Thất Sơn huyền bí. 

Một số người còn gọi núi Cấm là "Cẩm sơn"/" Gấm sơn" (ngọn núi tuyệt đẹp). Người Khmer vùng Bảy Núi gọi núi Cấm là "Phnom Popial", nghĩa là "ngọn núi có màu sắc sặc sỡ".

img

Một góc vùng núi Thất Sơn, TX Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Sau mấy trận mưa nặng hạt đầu hạ, dãy Thất Sơn phủ lên một màu xanh mướt mát. Đó cũng là thời điểm lý tưởng nhất để đi núi, Naru bảo vậy. 

Chúng tôi dậy từ rất sớm, chuẩn bị một ít lương khô, nước uống, một vài vật dụng bỏ vào cái bao nhỏ để Naru quảy. Anh không quên dặn tôi dùng dây thun cột hai ống quần cho bó sát vào cổ chân, phòng khi đi vào những chỗ ẩm ướt, con vắt sẽ chui vào cắn. 

Hai chúng tôi đều mang kiểu giày bộ đội, vừa để tiện leo núi vừa phòng tránh trường hợp đạp phải rắn rết sẽ bị chúng cắn. Mỗi người còn cầm theo một cây gậy chừng hai mét, để chống khi leo dốc và đuổi rắn. 

Nói về rắn thì miệt này nhiều vô kể, đa số là rắn độc. Ngoài hổ mây, Bảy Núi còn là nơi trú ngụ của hàng chục loại rắn độc khác như mai gầm, hổ mang, hổ bướm, hổ hùm, hổ đất, chàm quạp tượng... 

Dân gian có câu: "Mai gầm thì nằm tại chỗ/ Rắn hổ mới về tới nhà", ý nói nếu bị rắn mai gầm cắn thì coi như mất mạng ngay lập tức, còn rắn hổ cắn thì họa may có thể về đến nhà chạy chữa.

Naru chỉ cho tôi xem hai vết rắn độc cắn, một trên cánh tay trái của anh, một ở bắp chân. Anh nói vết trên tay là do rắn hổ bướm cắn, còn dưới chân là hổ hùm. 

Tôi hỏi anh thấy nó hay không mà biết hay vậy, anh bảo không thấy, nhưng thầy thuốc rắn nhìn vết thương có thể đoán được loài nào cắn vì thầy rắn giỏi còn có thể biết vết đó do rắn đực hay rắn cái cắn, trọng lượng của nó cỡ bao nhiêu ký. 

Ở Bảy Núi này chỉ có hai ông thầy rắn làm được điều đó, là thầy Tư Đền ở Núi Voi và thầy Chau Phonl (người Khmer) ở An Cư. Thầy Tư Đền trị rắn cắn bằng phương pháp bó thuốc bí truyền vào vết thương, còn thầy Chau Phonl thì dùng miệng hút nọc độc ra, sau đó mới bó vết thương bằng thuốc.

Thấy tôi có vẻ lo lắng, Naru liền trấn an, rắn độc chỉ cắn khi chúng thấy mối nguy hiểm tấn công, ví dụ như chúng ta định bắt hay vô tình đạp phải nó, chứ bình thường, chúng ít khi nào chủ động tấn công người. 

Cây gậy mà Naru đưa tôi cầm cũng là một cách để phòng tránh rắn độc. Trước khi đặt bước chân xuống những chỗ có nhiều lá mục hoặc bị cây cỏ che phủ, tôi phải lấy cây gậy khua khua vào, nếu có rắn thì chúng sẽ bò đi. Những tình tiết nhỏ như thế được Naru chắt lọc từ hơn hai chục năm đi rừng đi núi, giờ anh dạy lại cho tôi như dạy một đứa học trò vừa vào lớp vỡ lòng.

2. 

Chúng tôi nghỉ chân chặng đầu tiên trên một vồ đá lớn bên sườn Đông núi Cấm. Lúc này, mặt trời bắt đầu đan những sợi nắng tinh khôi của ngày mới lên mấy vạt rừng, rồi từ từ rắc ánh sáng xuống cánh đồng Vĩnh Tế. Chúng tôi lấy mấy củ khoai ra ăn sáng, đón một bình minh thanh khiết và rực rỡ.

Naru ngồi lặng yên, mắt hướng về quãng đồng xa dưới chân núi. Naru bận rộn quanh năm. Vào vụ mùa thì anh đi cắt lúa, vác lúa mướn suốt ngày, hết mùa thì đi trèo thốt nốt, rồi đi núi lấy măng, hái trái cây rừng về bán. 

Cứ thế, chàng trai rắn rỏi ấy luôn chăm chỉ để gia đình bốn nhân khẩu không thiếu ăn ngày nào. Tôi quen Naru trong một lần dẫn sinh viên lên Bảy Núi làm công tác tình nguyện hè. Nhóm thầy trò chúng tôi "đóng quân" tại một trường mầm non ở xã An Hảo, cũng gần nhà Naru. Sau đợt đó, tôi và anh vẫn giữ liên lạc với nhau, cứ vào đầu hè anh lại nhắn tôi đi núi, mười mấy năm nay năm nào cũng vậy.

Sau bữa sáng trên vồ đá, Naru bắt đầu dắt tôi đi vào những chỗ rừng rậm rạp, hầu như chưa có lối mòn nào. Tay anh cầm cây mác, vừa chặt những cành cây cản đường, vừa thoăn thoắt tiến nhanh về phía trước. 

Tôi dò dẫm theo sau Naru, nhiều lúc không thấy bóng của anh ở đâu, chỉ biết dựa vào mấy cành cây vừa bị anh chặt rơi xuống mà đi. Mỗi lần tôi đuổi kịp, thì Naru đã thu hoạch được một món từ rừng, khi thì cái măng rừng, khi thì một tổ ong mật, lúc lại là mấy chùm trái trường đỏ rực, hay mấy trái hồng quân tròn như viên bi, trái trâm rừng tím mọng...

Tất cả những thứ này đem ra chợ đều trở thành món yêu thích của dân bản địa và là đặc sản đối với khách phương xa. Cứ như thế trong một buổi sáng, cái bao trên lưng của Naru đã chất đầy những sản vật của núi rừng. 

Chúng tôi lại chọn một vồ đá nhẵn để ngồi ăn trưa và nằm nghỉ. Bên cạnh vồ đá có một cái miếu nhỏ, Naru nói là miếu thờ ông hổ, bởi trước kia người đi núi thỉnh thoảng thấy "ổng" ngồi ở chỗ này. 

Miền Tây Nam Bộ địa hình chủ yếu là đồng bằng phù sa, duy nhất vùng Thất Sơn tỉnh An Giang là thuộc loại "bán sơn địa", đồng bằng xen lẫn với những dãy núi điệp trùng. Chính vì thế nơi đây cũng là "lãnh địa" của những loài thú dữ, mà cọp là điển hình.

Nhiều huyền thoại kể lại chuyện đụng độ giữa người và cọp ở Thất Sơn, lúc nào cũng pha chút tâm linh huyền bí như chính vùng đất này. Có điều lạ là, các câu chuyện dân gian liên quan đến cọp Thất Sơn thường theo một mô típ độ lượng. 

Cọp và người cũng đối đầu nhau nhưng không giao chiến một mất một còn, mà con người thường dùng chân tâm của mình để cảm hóa cọp, rồi sau đó thì… đường ai nấy đi. Có lẽ đây cũng là triết lý nhân sinh mà lưu dân đây muốn truyền tải, rằng con người và thiên nhiên vẫn có thể tồn tại song hành, không nhất thiết phải triệt tiêu nhau…

3.Gần tối, Naru dẫn tôi ghé cái am gần vồ Ông Bướm để trú chân. Am này được sư thầy Huệ Minh xây cất và ở đây tu mấy chục năm nay, khi núi Cấm còn thưa người lui tới. Sư Huệ Minh không còn lạ gì với chuyện người đi núi xin tá túc qua đêm. 

Ông bảo chúng tôi cất hành lý ở một góc am, rồi cùng làm bữa cơm chay đạm bạc. Sau khi ăn cơm và tụng kinh tối xong, sư thầy pha một bình trà đặt trên cái bàn đá trước sân. Chúng tôi vừa uống trà vừa nghe sư kể về những huyền tích của Thất Sơn. Càng về khuya, cái lạnh càng đậm đặc, núi rừng toát lên vẻ u tịch, nguyên sơ.

Giấc ngủ trên núi lúc nào cũng sâu và yên bình như được ngủ trong vòng tay của mẹ. Lúc sư thầy tụng kinh buổi sáng thì chúng tôi cũng thức giấc và chuẩn bị mang mấy thứ kiếm được hôm qua ra chợ bán. 

Chúng tôi từ giã sư thầy và thẳng tiến về phía "chợ mây". Sở dĩ chợ có cái tên như vậy vì ở độ cao trên 700 mét, vào lúc sáng sớm, chợ này luôn bị mây mù che phủ.

Ra đến chợ, tôi cảm nhận được từng đợt mây lùa qua để lại trên tóc, trên mặt những màn nước mát lạnh. Trong mờ ảo mây mù, tôi thấy từ các con đường mòn, người mua kẻ bán cùng xuyên qua mây đi đến chợ. Chợ đông người nhưng không náo nhiệt. Mọi người mua bán, đổi chác hàng hóa một cách ôn hòa. 

Tôi bỗng nhớ đến lần tôi đi chợ phiên ở Si Ma Cai tỉnh Lào Cai, ngắm người đi từ các làng bản đến chợ, váy áo sặc sỡ như hàng trăm cánh bướm lượn bay trong sương sớm. Khác ở chỗ, đa số những chợ phiên phía Bắc bà con thường gùi hàng hóa đến chợ, rồi bán hàng xong lại mua thứ khác gùi về. Còn "chợ mây" trên núi Cấm, bà con có thói quen gánh hàng đi bán. 

Từng quang gánh kĩu kịt nào mít, nào mãng cầu núi, măng rừng, rau quả khắp nơi đổ về đây từ hừng đông, mua bán đến khi mặt trời mọc chừng ba sào là tan chợ. 

Tôi và Naru bán xong, tranh thủ mua một ít trái cây và rau rừng ghé gửi cho sư Huệ Minh, rồi cả hai cùng xuống núi. Naru dẫn tôi men theo sườn Tây đi xuống, anh không quên thu hoạch thêm vài thứ từ rừng.

Cuối ngày, hai chúng tôi đến chân núi, Naru đi trước tôi, bước chân đều đều không có dấu hiệu gì mỏi mệt. Tôi đi sau, ngoái đầu nhìn lại đỉnh núi vời vợi, thầm thán phục chính mình vì không ít lần tôi đã ở nơi cao chót vót ấy. 

Đứng ở chân núi ngước nhìn lên, có lẽ ai cũng ngán ngại, nhưng khi kiên định chinh phục, thì ngọn núi nào ta cũng có thể vượt qua. Bất giác, tôi thấy tượng phật khổng lồ trên đỉnh núi bỗng hiện ra giữa trập trùng mây trắng, được ánh hoàng hôn chiếu vào sáng rực.

Trương Chí Hùng (Báo Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem