Cùng tham dự Hội thảo có bà Igrid Korving – Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan; ông Phạm Dũng – Giám đốc quốc gia, Ủy Ban Y tế Hà Lan- Việt Nam (MCNV) cùng các cơ quan đối tác kỹ thuật của dự án và đại diện Hội Nông dân 4 tỉnh, nông dân tham gia xây dựng mô hình của dự án.
Thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính cho biết: Trong những năm qua, xuất khẩu trái cây Việt Nam vào các thị trường quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu... được đánh giá cao về chất lượng ngày càng được ưa chuộng. Giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam năm sau cao hơn năm trước với khối lượng ngày càng lớn.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng đầu năm năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cũng thẳng thắn chỉ ra trong đổi mới và phát triển, nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định, sản xuất vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, một số cây có tiềm năng xuất khẩu như thanh long, xoài, bưởi, chanh leo… chưa tìm được thị trường ổn định tại các nước. Ngoài ra, do hệ quả của biến đổi khí hậu, các vấn đề mà nông dân phải đối mặt ngày càng gia tăng cả về quy mô và mức độ phức tạp.
Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cho biết: Thời gian qua, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Hà Lan đã tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong nhiều chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nước, đặc biệt là phát triển nông nghiệp bền vững...
Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam với vai là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các cấp Hội đã chủ trì thực hiện, hoặc phối hợp thực hiện nhiều chương trình dự án cho sản xuất kinh doanh nông sản sạch, an toàn vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội nông thôn...
Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam do Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam (MNVC) tài trợ đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân và tầm nhìn cho trái cây Việt Nam, nhất là tại 4 tỉnh tham gia Dự án gồm: Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Bình Thuận với mục tiêu giúp người nông dân sản xuất thanh long, bưởi và xoài tại địa phương nâng cao năng lực, cải thiện vị thế dựa trên việc áp dụng các biện pháp - cách làm - công nghệ sáng tạo và bền vững, hướng tới thị trường cao cấp trong nước và quốc tế.
"Kết quả qua 3 năm triển khai thực hiện Dự án đã thực sự đem lại cách nhìn mới về phương thức, biện pháp kỹ thuật áp dụng công nghệ sáng tạo, giúp người nông dân đổi mới tư duy và xây dựng niềm hi vọng chắp cánh cho trái cây Việt Nam vươn ra thị trường cao cấp Châu Âu" – Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả thực hiện Dự án, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết: Dự án đã kết nối hệ thống đối tác bao gồm doanh nghiệp, viện nghiên cứu Hà Lan và Việt Nam cùng phối hợp với các đối tác Hà Lan như Công ty Đất, nước, nông nghiệp Hà Lan, Công ty Bureau Leeters, Công ty RMA, Công ty Eijkelkamp Soil & Water, Công ty LBP giới thiệu các giải pháp kỹ thuật sáng tạo và bền vững cho nông dân trồng cây ăn trái tại 4 tỉnh.
Với 5 mô hình được xây dựng, nông dân trồng cây ăn trái tại 4 tỉnh được đào tạo tăng cường kiến thức và kỹ thuật tiên tiến trong quản lý tưới tiêu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và quản lý chất lượng đất thông qua 65 lớp tập huấn, sự kiện truyền thông cho hơn 2.000 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân, doanh nghiệp tham dự.
Các đối tác của dự án bao gồm Công ty Eurofins đã xét nghiệm trên 300 mẫu đất cho vùng dự án; Công ty phân bón Yarra đã tài trợ 7.025 kg phân bón; Công ty Bayer hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật; Công ty Khang Thịnh hỗ trợ hệ thống tưới tiêu thông minh cho mô hình; hàng trăm ngày công đến từ các đối tác kỹ thuật khác.
Từ những kiến thức nhận được trái cây tại các mô hình đã được cải thiện về chất lượng, năng suất. Điển hình như mô hình xoài của Đồng Tháp đã tăng gấp đôi sản lượng, giảm 30% lượng phân bón; tiết kiệm được 40 triệu đồng tiền chi phí cho phân bón/ha trên vụ; trái xoài được kiểm định mức dư lượng thấp, đáp ứng yêu cầu thị trường Châu Âu.
"Dự án đã đưa đến cho nông dân trồng cây ăn trái vùng dự án một phương thức sản xuất an toàn hơn, tiết kiệm chi phí đầu vào và tăng thu nhập rõ rệt"- bà Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định.
Cùng được chọn làm điểm trình diễn xây dựng mô hình, ông Huỳnh Công Thuận – nông dân trồng bưởi da xanh ở ấp Quới Hòa Đông, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phấn khởi cho biết: Khi được tập huấn nâng cao kiến thức, chúng tôi có thêm sự hiểu biết về sức khỏe của đất, dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, được các chuyên gia kỹ thuật của Hà Lan hỗ trợ phân tích các chỉ tiêu trong đất, chúng tôi đã biết được cây trồng bị thiếu hụt dinh dưỡng hay bị ngộ độc do dinh dưỡng quá cao. Từ đó chúng tôi đã gia giảm lượng phân bón và cải tạo độ pH đất cho vườn mình đem lại kết quả tốt.
Còn ông Nguyễn Văn Tám – Giám đốc HTX Thanh Long Thuận Quý ở Bình Thuận chia sẻ: HTX chúng tôi đang xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị trái thanh long. Hiện, HTX đã hoàn thiện dây chuyền thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thanh long. Tham gia mô hình của Dự án chúng tôi rất phấn khởi khi được đào tạo tăng cường kiến thức và kỹ thuật tiên tiến trong quản lý tưới tiêu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và quản lý chất lượng đất hiệu quả. Qua đó tạo động lực cho HTX tham gia bền vững vào chuỗi giá trị sản phẩm thanh long xuất khẩu.
"Hiện, HTX Thanh Long Thuận Quý hoàn thiện sản phẩm từ khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản để xây dựng quy chuẩn thực hành sản xuất tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà con thành viên HTX rất phấn khởi vì sản phẩm đã đủ điều kiện cho hợp đồng xuất khẩu thanh long"- anh Tám chia sẻ.
Từ những kết quả tích cực của Dự án mang lại, các hộ nông dân tham gia dự án mong muốn được hỗ trợ thêm nữa để những kết quả đạt được thêm tăng cường và lan tỏa tới người dân trong cộng đồng, người dân được cũng cố kiến thức vững vàng và tìm được thị trường xuất khẩu cho sản phẩm ở các nước có tiêu chuẩn nhập khẩu cao như Châu Âu hoặc Mỹ.
Tại Hội thảo, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đã ký thỏa thuận hợp tác giới thiệu và cung cấp các giải pháp phân tích, đánh giá đất, nông sản, phân bón, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, giai đoạn 2025 – 2028.
Theo thỏa thuận hợp tác này, hai bên sẽ phối hợp tổ chức mỗi năm từ 10 - 15 hội nghị tuyên truyền, tư vấn về ý nghĩa, vai trò, tác dụng và kỹ thuật về phân tích, đánh giá đất, nông sản, phân bón nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và chất lượng nông sản cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Mỗi năm tổ chức 1 hội thảo đánh giá kết quả phối hợp triển khai thực hiện, các giải pháp nâng cao chất lượng phân tích, đánh giá đất, nông sản, phân bón cho cán bộ Hội Nông dân các cấp, các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; cung cấp dịch vụ phân tích đánh giá đất, nông sản, phân bón và khuyến cáo phân bón cho cây trồng cho hội viên nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp…
Hai bên phối hợp hỗ trợ chuyên môn xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng các sản phẩm phân bón (hữu cơ, vi sinh…) vào sản xuất thông qua việc đưa các dịch vụ phân tích đánh giá đất, nông sản, phân bón vào các mô hình, chương trình, đề án điểm của tỉnh. Hợp tác này đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Những kết quả về dự án tăng cường trái cây thực hiện ở 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Bình Thuận có ý nghĩa khi và chỉ khi 5 mô hình dự án tổng kết được tiếp tục duy trì, lan tỏa phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân, đồng chí Đinh Khắc Đính đề nghị Hội Nông dân các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Bình Thuận thông qua tổng kết, báo cáo kết quả xây dựng mô hình dự án với lãnh đạo tỉnh, tham mưu đề xuất Tỉnh ủy về định hướng, chủ trương và tham mưu với UBND về hỗ trợ nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động của dự án, nhân rộng mô hình về nâng cao chất lượng trái cây trên địa bàn tỉnh. Từ các chi tổ hội đã thành lập trong các mô hình dự án tiếp tục xây dựng để thành lập các tổ hợp tác, HTX trái cây chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, Báo NTNN/Dân Việt, Tạp chí Nông thôn mới, Website của Hội… tăng cường truyền thông về kết quả dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam. Qua đó, thay đổi, nâng cao kiến thức của người nông dân trong việc nâng cao chất lượng trái cây nói riêng, sản phẩm sản xuất nông nghiệp nói chung.
Hội Nông dân Việt Nam rất mong các nhà tài trợ, các đối tác tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng bà con nông dân vùng dự án để kết quả ban đầu chúng ta đã đạt được sẽ được nối dài, lan tỏa trong cộng đồng người trồng cây ăn trái, mang lại sự phát triển về cả vị thế lẫn kinh tế cho người nông dân.