Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm việc với đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam

Đức Thịnh Thứ hai, ngày 05/08/2024 14:38 PM (GMT+7)
Ngày 5/8, tại trụ sở Trung ương Hội (Hà Nội), Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) do ông Peter Henk Prins, Giám đốc Công ty Tư vấn Đất, Nước và Nông nghiệp Prins tại Hà Lan làm trưởng đoàn.
Bình luận 0

Phát biểu tại buổi tiếp đón, ông Peter Henk Prins đã bày tỏ sự cảm ơn đến Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã dành thời gian tiếp đón Đoàn.

Giới thiệu về Công ty Tư vấn Đất, Nước và Nông nghiệp Prins, ông Peter Henk Prins cho biết: Trọng tâm chuyên môn của công ty là về: nông dân, nước, đất và tác động của biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm việc với đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm (bên phải) trao đổi, làm việc với đoàn chuyên gia Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) do ông Peter Henk Prins, Giám đốc Công ty Tư vấn Đất, Nước và Nông nghiệp Prins tại Hà Lan làm trưởng đoàn. Ảnh: Đức Thịnh.

Ông Peter cũng giới thiệu về những lợi ích của việc xét nghiệm đất và bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm đất cho nông dân Việt Nam thông qua Công ty Eurofins Việt Nam.

Theo ông Peter, các tổ chức nông dân tại Hà Lan đã thành lập các phòng thí nghiệm đất từ 100 năm trước. Qua xét nghiệm đất, người nông dân Hà Lan biết cách bón phân chính xác (dựa trên yêu cầu của cây trồng) để tránh sử dụng quá mức đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất.

Tại Việt Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) đã tài trợ cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam, được triển khai thực hiện tại 4 tỉnh gồm Bình Thuận, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp trong giai đoạn 2022 – 2024.

Dự án tập trung vào các loại trái cây: xoài, bưởi và thanh long. Mục tiêu của dự án là nâng cao thời hạn sử dụng và giảm dư lượng hóa chất sử dụng trên trái cây. Đồng thời, giới thiệu các giải pháp và hướng dẫn về bón phân, tưới tiêu và bảo vệ cây trồng.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm việc với đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Peter Henk Prins đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội Nông dân Việt Nam và Dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trên cây xoài khi sản lượng xoài tăng gấp 2 lần, và giảm 30% phân bón cho xoài.

Ông Peter Henk Prins cho biết: Hiện nay, đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan Việt Nam đang tiếp tục khảo sát tiềm năng xuất khẩu ngô ngọt ở Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và những hoạt động nổi bật của Hội Nông dân Việt Nam với đoàn Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV).

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho biết: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm việc với đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm tặng quà kỷ niệm của Hội Nông dân Việt Nam cho ông Peter Henk Prins, Giám đốc Công ty Tư vấn Đất, Nước và Nông nghiệp Prins tại Hà Lan. Ảnh: Đức Thịnh.

Hội Nông dân Việt Nam xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Thứ hai là tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống. Thứ ba là xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn; nâng cao kiến thức thông qua các lớp tập huấn; xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ nông dân cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước cũng như nước ngoài; hỗ trợ nông dân hợp tác, liên kết sản xuất.

"Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 182 phê duyệt Đề án Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030" – Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm thông tin thêm với đoàn chuyên gia Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam đạt trên 34 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Cùng với hợp tác trên cây ngô ngọt, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cũng mong muốn, trên cương vị Giám đốc Công ty Tư vấn Đất, Nước và Nông nghiệp Prins tại Hà Lan, ông Peter tiếp tục nghiên cứu để đưa các sản phẩm nông sản mới của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm làm việc với đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam- Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm chụp ảnh kỷ niệm với đoàn chuyên gia Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và ông Peter Henk Prins, Giám đốc Công ty Tư vấn Đất, Nước và Nông nghiệp Prins tại Hà Lan. Ảnh: Đức Thịnh.

Đối với việc đề nghị hợp tác hỗ trợ nông dân thực hiện việc xét nghiệm đất của đoàn chuyên gia Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm đánh giá cao việc xét nghiệm đất trong nông nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh cần nghiên cứu để giá thành xét nghiệm đất giảm nhiều hơn nữa và phù hợp với nhiều bà con có thể sử dụng được.

"Hà Lan đã thực hiện xét nghiệm đất từ trăm năm nay, nhưng Việt Nam mới bắt đầu. Hội Nông dân Việt Nam mong muốn có nhiều chương trình lồng ghép hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân tham gia tập huấn, nâng cao nhận thức và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân xét nghiệm đất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nhất là cây ăn trái" – Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nói.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho biết: Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050. Để thực hiện những cam kết tại COP26 cũng như đưa đất nước trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển xanh. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Đề án 1triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

"Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, các Hội Nông dân Việt Nam tích cực vào cuộc. Đây cũng là cơ hội chúng ta tiếp tục gắn kết với nhau" – Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem