Kết nối, phục hồi lại thị trường sau bão Yagi
Tham dự hội nghị có hơn 600 đại biểu đến từ các hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, công ty, HTX, người kinh doanh trong và ngoài tỉnh Hải Dương.
Tại hội nghị tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm với hơn 80 gian hàng trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình.
Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm rau, ngô, ổi, chuối sấy, vải sấy khổ, mật ong, đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo, trà đông trùng hạ thảo, trà thảo dược, trà ổi, xúc xích, yến sào, mắm cáy, ruốc rong biển, bánh đa cá rô đồng, giò chả…
Tại hội nghị, ông Ngô Bá Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý tỉnh Hải Dương đánh giá, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Sau bão Yagi, tình hình các doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc sản xuất bị phá hủy nặng nề, chuỗi kết nối hàng hóa cung cầu bị đứt gãy.
Trước bối cảnh đó, Thường trực Hội đã có Nghị quyết tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có cơ hội kết nối, phục hồi lại thị trường sau trận bão vừa qua.
Ông Đức cho rằng, hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hải Dương mở rộng kết nối kinh doanh tìm kiếm khách hàng, kích cầu tiêu dùng sau bão Yagi mà đơn vị phối hợp thực hiện là HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ.
Sản phẩm mắm cáy Hải Dương được trưng bày, giới thiệu tới khách hàng. Ảnh: Nguyễn Việt.
Nói về HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý tỉnh Hải Dương thông tin, đối với HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ, ngoài dịch vụ khu du lịch sinh thái nông nghiệp trải nghiệm và cung cấp các nông sản sạch vào hệ thống các siêu thị.
Đơn vị đã tận dụng những nguyên liệu sẵn có của địa phương mạnh dạn đầu tư máy móc, trực tiếp sản xuất các sản phẩm hữu cơ từ thiên nhiên như: Trà búp ổi, trà tía tô, trà lá sen, chuối sấy, mít sấy... có một số sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao.
Có thể nói HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ là ngôi sao kinh tế nông nghiệp điển hình của huyện Thanh Hà.
"Thông điệp chúng tôi muốn tạo ra môi trường kết nối kinh doanh giá trị và sân chơi thương mại uy tín cho các doanh nghiệp.
Thông qua đó, các doanh nghiệp sẽ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, hàng hóa, nắm bắt thông tin thị trường. Hơn thế nữa, các sản phẩm trưng bày tại đây sẽ được lan tỏa không chỉ tại hội nghị mà còn bay xa hơn nữa đến mọi miền tổ quốc", ông Đức cho hay.
Nông dân mong muốn kết nối để tiêu thụ sản phẩm
Bà Lương Thị Cúc, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ (xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà) cho biết, nói đến huyện Thanh Hà, mọi người nhớ đến vùng đất 4 mùa hoa sai trái ngọt với nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng như vải thiều, chuối, ổi…
Cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề, nhiều diện tích trồng chuối, ổi đã bị đổ gục hoang tàn, tan nát nhìn đau xót vô cùng.
Đối với chuối, đã được các đơn vị thu mua giúp bà con nông dân về chế biến thành nhiều sản phẩm như: chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy mè vừng.
Ngoài trồng ổi, trồng rau bán cho các siêu thị, thời gian gần đây, HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ còn sản xuất các sản phẩm trà búp ổi non, trà lá sen, trà tía tô, trà lá vối, giúp ổn định đường huyết, tiểu đường, giảm mỡ máu, tốt cho đại tràng.
"Chúng tôi mong muốn thông qua hội nghị này, các đại biểu đến từ doanh nghiệp, công ty, HTX, các đơn vị có dịp tiếp xúc, kết nối, trao đổi thông tin về hàng hoá, đồng thời ký kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân", bà Cúc thổ lộ.
Bà Lê Thị Quyên, Chủ cơ sở nuôi ong Điệp Quyên (xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà) có một gian hàng trưng bày tại hội nghị. Sản phẩm trưng bày của bà Quyên là các sản phẩm mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa và các sản phẩm từ ong do cơ sở sản xuất.
Tại đây, bà Quyên cũng rất tích cực giới thiệu sản phẩm cho các đại biểu, khách hàng và luôn sẵn sàng kết nối với các đơn vị doanh nghiệp, người dân để mong muốn tiêu thụ được nhiều sản phẩm mật ong.
Bà Quyên cho biết, cơn bão đã làm cho người nông dân thiệt hại lớn về cây hoa màu, vật nuôi. Tuy nhiên, đối với cơ sở nuôi ong của bà thiệt hại ít, vì vẫn giữ được an toàn cho hơn 2000 thùng ong. "Còn ong, còn rừng thì còn mật", bà Quyên lạc quan.
"Sau bão, việc tiêu thụ các sản phẩm từ mật ong của cơ sở chậm hơn trước. Vì vậy, tham gia trưng bày tại hội nghị, tôi mong muốn tiếp cận, kết nối được nhiều khách hàng để việc tiêu thụ sản phẩm mật ong được tiến triển tốt hơn", bà Quyên chia sẻ mong muốn của mình.